Biến rừng lau, cỏ dại thành đồi táo sơn tra

Bản Nậm Lộng (Hang Chú, Bắc Yên, Sơn La) đất đai cằn cỗi, quanh năm mây mù, sương phủ. Nhìn những vạt rừng đầy cỏ dại, nhiều người đã phải bỏ núi ra đi tìm kế sinh nhai. Ấy thế mà anh Giàng A Chinh lại quyết bám rừng, biến lau lách, cỏ dại thành đồi táo sơn tra thu mỗi năm cả trăm triệu đồng.

Không chùn bước

Cán bộ Hội ND xã dẫn đường đến bản Nậm Lộng nơi có những vạt rừng táo sơn tra lớn nhất ở huyện Bắc Yên, tôi được gặp anh Chinh trong căn nhà gỗ truyền thống của người Mông, xung quanh bốn bề núi là núi và rừng táo sơn tra xanh ngát ôm trọn lấy bản Nậm Lộng.

Anh Chinh đang sở hữu gần 40ha táo sơn tra. Ảnh: Q.Đ

"Đời anh khổ lắm chú ạ, nhiều lần thất bại cay đắng, có lúc trắng tay nhưng mình không bỏ cuộc, việc gì cũng phải quyết tâm làm đến cùng mới có thành công”.

Anh Giàng A Chinh

Tường nhà anh Chinh dán chi chít những tấm bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh, huyện, xã tặng. Đó là những phần thưởng cho nghị lực vượt khó làm giàu của anh Chinh.

Anh Chinh là người dân tộc Mông, sinh ra lớn lên tại bản Nậm Lộng, xã vùng cao Hang Chú của huyện Bắc Yên, vùng đất quanh năm mây mù phủ kín, đất đai rộng mênh mông nhưng người ở thưa thớt, thế mà nhiều đời nay cả bản vẫn bị cái đói cái nghèo bám riết.

Nậm Lộng cách xa trung tâm xã hơn 30km, cách huyện gần 100km đường núi gập ghềnh phải đi mất cả ngày mới đến nơi. Ngô, lúa làm ra ăn không hết muốn đem đi bán lấy tiền cũng khó.

Nhiều năm về trước, không ít hộ trong bản từng tan cửa nát nhà vì thói quen trồng cây thuốc phiện, nghiện ngập. Hệ lụy là bao đứa trẻ mồ côi, bơ vơ không được học hành. Cuộc sống bế tắc khiến anh Chinh luôn mơ ước mình sẽ làm giàu và làm được một điều gì đó giúp thay đổi cuộc sống người dân trong bản.

Nuôi mơ ước đến năm 18 tuổi, sau khi lấy vợ anh mới bắt đầu đi học chữ, quyết chí thay đổi số phận. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình khó khăn, gánh nặng cơm áo đặt lên đôi vai, con đường học bị ngắt quãng liên tục vì anh phải bỏ về nhà chăm lo kinh tế gia đình.

Kinh tế khó khăn, cơm ăn lo từng bữa, anh sinh ra nản chí. Trong khi đó lại có một số bà con rủ rê di cư vào Tây Nguyên, Họ nói rằng ở đó đất đai màu mỡ, bằng phẳng dễ làm ăn, người Mông ở đó ai cũng có cuộc sống no đủ sung sướng. Nhiều gia đình người Mông trong bản Nậm Lộng đã rời nhà cửa, bỏ lại ruộng nương đi vào mãi tận Tây Nguyên tìm miền đất hứa để sinh sống.

Anh Chinh nghĩ bụng: “Người ta vào đó sống sung sướng việc gì mình phải ở lại cái bản này cho khổ”. Quẫn trí làm liều, anh Chinh khăn gói đi hàng nghìn cây số vào đó xem thực hư thế nào rồi sẽ đón cả gia đình vào.

Tới nơi, thấy cảnh sống khác lạ, cuộc sống người Mông ở đó đói nghèo, túng thiếu, nhà cửa lụp xụp. “Đất đai ở đó bạc màu, không dễ canh tác như ở nhà. Ở quê mình đất màu mỡ, tại mình không chăm chỉ, thay đổi cách làm nên mới nghèo”- anh Chinh nói. Từ bỏ ý nghĩ di cư, quay trở về anh Chinh quyết bám núi, bám nương, trồng cây lấy quả làm giàu, không đi tha phương cầu thực như những hộ dân khác của bản.

Đánh thức vùng đất hoang

Anh Chinh (trái) là hộ nông dân làm tế giỏi được vinh danh trong Lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận táo sơn tra Sơn La. Ảnh: Q.Đ

Trở về nhà năm 2011, anh Chinh được giao khoán bảo vệ 9ha rừng táo sơn tra mọc tự nhiên, đến mùa táo chín anh cùng vợ con lên rừng thu hái, đánh xe máy thồ từng bao tải táo xuống chợ bán. Táo Nậm Lộng thơm ngon hơn táo vùng khác nên chở bao nhiêu khách cũng mua hết. Thấy việc bán táo kiếm ra tiền, anh liền đi học lái ôtô, rồi đánh liều vay mượn tiền anh em họ hàng mua chiếc ôtô tải chuyên chở táo đi buôn.

Mới đầu, chưa có kinh nghiệm, anh chỉ chở táo nhà và của hàng xóm ra chợ bán cho thương lái miền xuôi. Dần dần qua bạn bè giới thiệu mối hàng, anh thu mua táo cho bà con dân bản chở lên bán tận chợ Điện Biên, sang cả Yên Bái, rồi xuống mãi Hà Nội, Hải Dương… Chợ gần, chợ xa, nơi nào bánh xe của anh cũng lăn tới.

Sau những tháng ngày lặn lội buôn táo, được giao lưu và tiếp xúc với nhiều người nên anh Chinh hiểu ra tiềm năng của vùng đất mình đang sống, rất hợp với trồng táo. Đất màu mỡ, khí hậu mát lạnh quanh năm. Năm 2014, anh ươm táo lấy cây giống, rồi cùng vợ con lên núi nhặt những quả táo rừng chín vàng về tách lấy hạt ươm. Sau đó, anh thuê bà con trong bản đóng bầu, lên núi phát quang cỏ đào hốc trồng táo.

Thiếu vốn thuê nhân công, anh Chinh lại tiếp tục chạy xe ôtô buôn đủ thứ hàng, sắn, ngô, khoai… cái gì có thể làm ra tiền anh đều làm tất, để lấy tiền về thuê người làm.

Sau nhiều nỗ lực cố gắng, thành quả đang dần mỉm cười với anh Chinh, khắp các triền đồi đều phủ kín màu xanh của rừng táo sơn tra. Hiện anh Chinh đang là người có diện tích rừng sơn tra lớn nhất của Bắc Yên. Ngoài ra, anh còn đầu tư đào ao thả cá, nuôi cả trăm đàn gà, vịt phục vụ sinh hoạt gia đình. Không những thế, trên những quả đồi hoang cỏ dại xanh mướt quanh năm chưa có ai khai khẩn, anh Chinh rào quanh cả một quả núi, vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hội nông dân huyện mua cả chục con trâu, bò để chăn thả, mỗi năm thu về cả trăm triệu đồng từ tiền bán trâu, bò.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà anh Chinh đang trăn trở, đó là khâu tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định. Hơn nữa, vài năm trở lại đây, giá táo mèo đang có xu hướng giảm. Học cách làm giàu của anh Chinh, nhiều bà con người Mông ở bản Nậm Lộng đã bắt đầu trồng táo, khoanh nuôi bảo vệ rừng táo tự nhiên. Đến nay, mỗi nhà đều có 5 – 6ha táo sơn tra, nhà ít thì 1 – 2ha, thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng. Nhờ đó mà người Mông bản Nậm Lộng không còn tình trạng di cư tự do như trước nữa.

Quốc Định

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/bien-rung-lau-co-dai-thanh-doi-tao-son-tra-917342.html