Biến rơm thành tiền

Một chế phẩm sinh học có thể biến rơm rạ thành phân bón hữu cơ đang hứa hẹn sẽ tạo ra một sản phẩm thân thiện môi trường, đồng thời biến phế phẩm nông nghiệp thành một sản phẩm kinh doanh hữu ích. Với chế phẩm này, người trồng lúa từ đây có thể có thêm thu nhập từ bán rơm - phụ phẩm nông nghiệp trước đây chỉ đem đốt hoặc sử dụng rất ít.

Chế phẩm Fito-Biomix RR là một sản phẩm nằm trong một đề tài nghiên cứu khoa học từng đạt giải nhất Giải thưởng sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC). Chủ trì đề tài này là TS. Lê Văn Tri - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học.

Chế phẩm Fito-Biomix RR

Đốt rơm - đốt hàng triệu USD

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, tình trạng đốt rơm rạ diễn ra ngày càng phổ biến, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người. Những buổi chiều tháng 5, tháng 6, tháng 9, tháng 10 trên các cánh đồng có nhiều cột lửa, bầu trời đầy khói bụi, làm khó thở, giảm tầm nhìn, việc đốt rơm, rạ đã gây ra nhiều hậu quả khó lường.

Việc đốt rơm rạ đã phá vỡ sự cân bằng tự nhiên, một lượng chất hữu cơ rất lớn đã bị đốt thành tro bụi, không được tái tạo độ phì nhiêu cho đất, khói bụi khi đốt rơm rạ làm ô nhiễm không khí. Theo các kết quả nghiên cứu lượng khí nhà kính phát thải vào môi trường do đốt rơm rạ vùng đồng bằng sông Hồng có thể gây thiệt hại về môi trường tương đương từ 19,05 - 200,3 triệu USD/năm.

Đốt rơm rạ gây tác hại lớn đối với sức khỏe con người, đặc biệt trẻ em, người già và người mắc bệnh hô hấp mạn tính do khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở.... Khói đốt rơm, rạ còn là nguyên nhân tiềm ẩn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ngoài ra, nhiều nơi còn vứt rơm, rạ xuống ao ngòi gây ô nhiễm môi trường nước và làm chết các vật nuôi thủy sản.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới. Với sản lượng lúa đạt từ 7-7,5 triệu tấn, lượng rơm rạ hàng năm khoảng 45 triệu tấn. Các biện pháp xử lý rơm rạ sau thu hoạch hiện nay như: trồng nấm, làm thức ăn chăn nuôi, làm giấy, sản xuất cồn sinh học, che phủ cho cây hoa màu... chưa mang lại hiệu quả cao và không sử dụng hết được lượng rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch. Lượng rơm rạ này nếu biết khai thác và sử dụng sẽ trở thành nguồn tài nguyên hữu ích.

Biến rơm thành tiền

Sản phẩm Fito-Biomix RR - chế phẩm đặc biệt biến rơm, rạ thành sản phẩm hữu ích - là một hỗn hợp vi sinh vật gồm các chủng vi sinh vật phân giải hữu cơ, vi sinh vật kháng bệnh cho cây trồng, các nguyên tố khoáng, vi lượng… có tác dụng bổ sung các chủng giống vi sinh vật phân giải hữu cơ có khả năng phân giải triệt để rơm, rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ vi sinh giầu dinh dưỡng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm làm cân bằng được các yếu tố bảo vệ môi trường không khí, đất, nước, an toàn cho người sử dụng và tạo độ tơi xốp cho đất.

Thực tế, phân bón ủ từ rơm rạ dùng chế phẩm Fito-Biomix RR đã được sử dụng hiệu quả trên cây lúa, đậu tương, ngô, khoai tây, dưa hấu, hành tây…

Chế phẩm được sản xuất ở quy mô công nghiệp nên giá thành hạ (chi phí chế phẩm là 40.000 đ để xử lý một tấn rơm rạ), lượng chế phẩm sử dụng ít (200g/tấn rơm rạ), thời gian xử lý ngắn (20-25 ngày) nên đáp ứng được thời vụ và nhu cầu sản xuất của người dân. Phân ủ hữu cơ sản xuất ra đảm bảo chất lượng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm được dinh dưỡng đồng thời góp phần cải tạo tính chất nông hóa của đất.

Theo TS. Lê Văn Tri, trong 1 tấn phân ủ từ rơm rạ có chứa 10kg đạm, 9,5kg lân, 21 kg kali. Nếu sử dụng được một nửa lượng rơm rạ hàng năm (22,5 triệu tấn), có thể xây dựng 1 nhà máy sản xuất đạm công suất 100 nghìn tấn/năm, 1 nhà máy sản xuất lân công suất 95 nghìn tấn/năm, 1 nhà máy sản xuất kali với công suất 210 nghìn tấn/năm, lợi nhuận thu được ước đạt 5.300 tỷ đồng/năm. Bà con không quá tốn tiền mua phân bón.

Thực tế, chế phẩm này đã được nông dân nhiều địa phương sử dụng, như Bắc Giang, Thanh Hóa, An Giang, Hải Dương, Hưng Yên… Nhiều địa phương đã có công văn chỉ đạo về việc cấm đốt rơm rạ trên quy mô toàn tỉnh và xây dựng Dự án khung về “Kế hoạch xử lý rơm rạ” cho nhiều năm liên tục.

Dùng chế phẩm này giúp người nông dân tận dụng được rơm để làm phân bón, vừa giải quyết được phụ phẩm thừa, vừa tiết kiệm tiền mua phân bón hóa học. Thêm nữa, phân bón từ rơm là loại phân bón hữu cơ, thân thiện với môi trường, giúp cải tạo đất để phát triển nông nghiệp bền vững.

“Đây là bài tuyên truyền về Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam năm 2018”

Vân Khánh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/bien-rom-thanh-tien-1262974.html