Biến rác thành năng lượng cần giải bài toán thu gom, xử lý rác

Sáng 25/08, tại TP.Đà Nẵng diễn ra Hội thảo và Triển lãm quốc tế về giải pháp và công nghệ xử lý chất thải, đảm bảo phát triển bền vững các đô thị tại Việt Nam.

Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, Công ty Informa Markest đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Đà Nẵng tổ chức góp phần thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường.

Đây là mô hình lò đốt rác thải của Phần Lan. Với hoạt động của tầng sôi tuần hoàn, sẽ tạo ra hiệu suất hơi nước và phát điện cao để đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Do Phần Lan cấm chôn lấp rác từ nhiều năm nay, nên việc tái chế phải được tối đa hóa. Rác thải được phân loại để thu hồi kim loại, tách riêng các chất xơ, trước khi chế biến các phần rác còn lại thành nhiên liệu hay năng lượng khác.

Ông JUHANI VIIALA, Giám đốc Kinh doanh năng lượng, Tập đoàn Valmet, Phần Lan: “Có ý kiến cho rằng việc đốt rác sẽ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên thông tin này không đúng. Ở châu Âu có các công nghệ xử lý khí thải rất tốt, có thể giảm phát thải gần như bằng không. các công nghệ này cũng nên được áp dụng ở Việt Nam, vì chúng tôi được biết chính phủ Việt Nam sẽ áp dụng những quy định ngặt nghèo theo tiêu chuẩn châu Âu về khí thải, Và đây là các công nghệ mà chúng tôi muốn được giới thiệu ở Việt Nam.”

Để đốt rác thải và biến thành điện năng, cần phân loại rác tại nguồn từ các hộ gia đình hoặc nguồn phát thải, mới giúp ích quá trình thu gom, tái chế rác cũng như chỉ đốt những loại chất thải nào tại nhà máy. Quy mô thu gom và đốt rác phát điện phải từ 500 tấn mỗi ngày trở lên. Vì vậy, không phải địa phương nào cũng xây dựng được nhà máy điện rác.

Ông ADACHI ICHIRO, Cố vấn quản lý môi trường của JICA: “Lúc đầu nếu như tất cả rác đều đưa vào đốt thì như anh nói sẽ rất tốn kém nhưng sau khi phân loại rác, 1 phần rác sẽ được đưa vào đốt, 1 phần sẽ được tái chế và có thể cân nhắc một hệ thống như vậy. Công nghệ đốt rác rất quan trọng nhưng hệ thống đốt rác không thể giải quyết được tất cả rác nhìn từ quan điểm về chi phí như anh đã nhắc đến. Cần cân nhắc 1 hệ thống quản lý rác thải tổng thể để áp dụng công nghệ đốt rác ở Nhật Bản”

Ông NGUYỄN HỮU TIẾN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam: “Đối với các nhà đầu tư cần có mức đầu tư phù hợp để thu hồi vốn và phù hợp với công nghệ, các nhà đầu tư đều đưa ra kiến nghị với đề xuất là những địa phương có quy mô công suất 500 tấn/ngày trở lên thì hoàn toàn có thể lựa chọn những giải pháp công nghệ mà hôm nay được giới thiệu tại hội thảo như công nghệ đốt tầng sôi, đốt lò ghi và nhiều giải pháp khác phù hợp”

Để biến rác thải thành năng lượng tái tạo, phải giải quyết quy mô thu gom rác thải hàng ngày cũng như bài toán giá thành đầu ra, bài toán hệ thống truyền tải điện. Nếu không, sẽ lặp lại chuyện đấu nối và giá thành của điện gió, điện mặt trời áp mái.

Thực hiện : Ngọc Dũng Lê Quang

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/bien-rac-thanh-nang-luong-can-giai-bai-toan-thu-gom-xu-ly-rac