Biến rác thải thành... 'tài nguyên'

Trước những lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra, nhiều mô hình bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã từng bước được triển khai và nhân rộng. Trong đó, các mô hình tận dụng rác thải, phế phẩm từ nông nghiệp để ủ phân hữu cơ, đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực. Qua đó, mở thêm một hướng giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường nông thôn.

Hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt (cải tiến công đoạn ủ và phân loại) bằng chế phẩm sinh học đưa vào thực nghiệm tại bãi chôn lấp rác thị trấn Thường Xuân (Thường Xuân).

Theo thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn tỉnh mỗi ngày phát sinh hơn 2.000 tấn rác sinh hoạt. Lượng rác lớn như thế, nhưng hầu như chỉ được xử lý bằng 2 phương pháp là chôn lấp và đốt. Trong khi đó, công nghệ chôn lấp rác gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của nhiều người dân xung quanh; diện tích các bãi chôn lấp rác ngày một hạn chế; công nghệ đốt rác hiện đại lại có chi phí lớn...

Nhận thức rõ điều này, những năm gần đây đã có nhiều địa phương, đơn vị tổ chức nghiên cứu các mô hình tái sử dụng rác thải bằng công nghệ hiện đại. Ví như, mô hình “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón vi sinh” của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn), được triển khai vào tháng 5-2019, đang mang lại hiệu quả cao. Mô hình này đã được cán bộ Học viện Nông nghiệp Việt Nam hướng dẫn từ việc đào hố, phân loại rác, cho đến cách ủ và sử dụng phân hữu cơ thu được để bón cho cây trồng.

Bà Lê Thị Vui, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Sơn, cho biết: Quy trình ủ khá đơn giản, chỉ cần sử dụng thùng phuy nhựa hoặc đào hố ủ với diện tích tùy theo số lượng rác sinh hoạt của gia đình. Rác thải hữu cơ được phân loại như: lá cây, thức ăn thừa, rau cỏ, trái cây hư... tất cả được cho vào hố ủ có nắp đậy nhằm tránh ruồi, muỗi. Rác thải sau khi thu gom vào hố được trộn với chế phẩm vi sinh Emuniv pha sẵn theo tỷ lệ 2 thìa vi sinh, 10 thìa đường, 1 lít nước sạch. Sau 30 - 40 ngày, lượng rác thải đã được ủ thành phân hữu cơ tơi xốp, màu đen, không mùi và có thể bón cho các loại cây cảnh, cây ăn quả. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện; một số xã có đến 50 hộ tham gia như Đông Khê, Đông Ninh... Qua mô hình này, khối lượng rác thải phải đốt hoặc chôn lấp giảm đáng kể; không những vậy, chi phí đầu tư ban đầu thấp, sản phẩm thu hồi hoàn toàn có thể tạo giá trị kinh tế cao.

Hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt (cải tiến công đoạn ủ và phân loại) bằng chế phẩm sinh học và đưa vào thực nghiệm tại bãi chôn lấp rác thị trấn Thường Xuân (Thường Xuân), hiện cũng đang mang lại hiệu quả rất cao. Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa, đây là hệ thống xử lý rác hiện đại, mang lại hiệu quả tích cực, thân thiện với môi trường và sử dụng rác thải như nguồn nguyên liệu cho trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất nhựa, vật liệu xây dựng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dây chuyền gần như vận hành tự động; công nhân chỉ cần 4 người là đủ cho công suất 50 tấn/ngày. Theo quy trình công nghệ gồm 3 công đoạn chính: xé bao, ủ vi sinh và sàng phân loại. Trung bình 1 tấn rác sẽ thu về khoảng 300 kg mùn hữu cơ là nguyên liệu để sản xuất phân vi sinh; 150 kg nilon dùng để sản xuất hạt nhựa và 150 kg rác thải vô cơ dùng làm vật liệu xây dựng hoặc vật liệu san lấp. Anh Nguyễn Ngọc Dũng, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Xuân, cho biết: Trung bình mỗi ngày, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện khoảng 60 tấn. Do thói quen không phân loại của người dân, nên đa phần rác thải chỉ chôn lấp hoặc đốt mà không tái sử dụng được, lại tốn kém chi phí xử lý. Từ khi mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ vi sinh được áp dụng năm 2019, không chỉ giải quyết gần 50 tấn rác mỗi ngày cho huyện Thường Xuân, mà còn thu về được gần 26 triệu đồng từ việc bán các sản phẩm thu hồi từ rác, giúp bù đắp chi phí vận hành dây chuyền. Chị Nguyễn Thị Nga, công nhân làm việc khu xử lý rác thải, chia sẻ: Tôi làm việc từ những ngày đầu khu xử lý rác thải đi vào hoạt động. Do công nghệ xử lý bằng men vi sinh nên không có mùi hôi thối hay ruồi muỗi, không gây ô nhiễm như các lò đốt hay chôn lấp thủ công”.

Có thể khẳng định, việc xử lý rác thải bằng công nghệ vi sinh là hướng đi đúng của các địa phương trên, bởi lợi ích “kép” mà nó mang lại. Đó là vừa biến rác thải thành nguồn “tài nguyên” giá trị, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Hy vọng rằng, các mô hình sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh. Qua đó, góp phần xử lý “vấn nạn” rác thải nông thôn hiện nay.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/bien-rac-thai-thanh-tai-nguyen/133214.htm