Biến rác thải thành tài nguyên

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, một lượng lớn rác thải đã được biến thành tài nguyên. Còn ở Việt Nam, rác thải vẫn là một gánh nặng.

Nếu phân loại rác tại nguồn tốt, có nhà máy xử lý hiện đại, tái chế rác thành tài nguyên như điện, phân hữu cơ... hẳn sẽ không có chuyện người dân chặn rác như diễn ra ở Sóc Sơn.

Phân loại rác từ nguồn là điều kiện tiên quyết để xử lý rác thải hiệu quả và biến nó thành những nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp tái chế. Nhưng thực tế, phần lớn người Việt Nam vẫn xa lạ với “bước đầu tiên” ấy.

Vì sao nên phân loại rác tại nguồn?

Hàng ngày, từ 20 - 23 giờ, những chiếc xe chất đầy túi nilon đựng đủ loại rác tại khu vực tập kết ở cầu Sét (quận Hoàng Mai) luôn bốc mùi khó chịu. Những công nhân vệ sinh môi trường cần mẫn giở từng túi nilon đựng rác để phân loại.

“Công việc thường ngày của tôi bắt đầu từ 16 giờ 30 phút, thường thì mọi người đều vứt rác thải sinh hoạt chung vào một túi nilon. Sau khi thu gom về, chúng tôi sẽ nhặt riêng ra, phân loại các loại chai nhựa, chai bia, giấy…” - một công nhân vệ sinh môi trường Công ty Môi trường đô thị Thăng Long chia sẻ.

Phân loại rác tại nguồn đem lại nhiều ý nghĩa lớn trong công tác bảo vệ môi trường. Ảnh: An Nhiên

Phân loại rác tại nguồn đem lại nhiều ý nghĩa lớn trong công tác bảo vệ môi trường. Ảnh: An Nhiên

Cách đây nhiều năm, TP Hà Nội đã triển khai Dự án phân loại rác thải tại nguồn (Dự án 3R) ở một số phường với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Người dân phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế, sau đó lực lượng chức năng sẽ có xe để thu gom các loại rác riêng. Tuy nhiên, với những lý do khách quan, dự án chỉ tiến hành đến năm 2009. Cho đến nay, các hoạt động phân loại rác tại nguồn vẫn ít chuyển biến. Ngay cả một số địa bàn người dân có ý thức phân loại thì sau khi thu gom, công nhân môi trường đô thị lại đổ “chung một rọ”.

Có thể thấy, phân loại rác tại nguồn có vai trò quan trọng trong quá trình làm giảm lượng rác thải ra môi trường, đồng thời giúp cho quá trình tái chế trở nên đơn giản và ít tốn kém. Các chuyên gia cho biết, nhiều đô thị trên thế giới, trong đó có Việt Nam vẫn đang lãng phí nguồn tài nguyên từ rác thải, chưa tận dụng hết được những vật liệu có trong rác làm nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp tái chế nhựa, kim loại, giấy hay công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ. Một trong những nguyên nhân do người dân chưa ý thức được tầm quan trọng cũng như chưa thực hiện việc phân loại rác tại nguồn.

Theo GS.TS Đặng Kim Chi – Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, thực hiện phân loại rác tại nguồn đem lại rất nhiều ý nghĩa, không chỉ thúc đẩy hoạt động của các ngành công nghiệp tái chế và làm giảm thiểu đáng kể lượng rác thải ra môi trường mà còn có thể làm thay đổi công nghệ xử lý rác.

Hiện nay, công nghệ chôn lấp rác gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của nhiều người dân xung quanh, trong khi diện tích các bãi chôn lấp rác ngày một hạn chế; công nghệ đốt rác hiện đại lại có chi phí lớn thì giải pháp đơn giản, hiệu quả và bền vững chính là thực hiện phân loại rác tại nguồn để phục vụ cho công nghiệp tái chế. "Phân loại rác tại nguồn làm tăng lượng rác tái chế, rác sử dụng. Từ đó có thể giảm chi phí thay đổi công nghệ xử lý theo hướng thân thiện với môi trường, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển" - GS.TS Đặng Kim Chi nhận định.

Các biện pháp phải tiến hành đồng bộ

Rác thải là một dạng tài nguyên với rất nhiều giá trị sử dụng mới có thể tạo ra như khí đốt, phân bón, điện năng, vật liệu tái chế… Tuy nhiên, với lượng rác thải ngày càng tăng theo cấp số nhân nếu không có cách làm hiệu quả từ việc phân loại tại nguồn thì để rác có thể biến thành tài nguyên là điều rất khó.

Thực tế, việc phân loại rác tại nguồn còn gặp không ít trở ngại khi việc thực hiện mới chỉ dừng ở hoạt động thí điểm, chưa có quy định bắt buộc, chế tài xử phạt hay cơ chế khuyến khích. Sự quan tâm, ủng hộ từ chính quyền địa phương các cấp, các đoàn thể không thường xuyên, chưa đồng bộ mà chỉ mang tính phong trào.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khách quan là diện tích nhà tại các hộ gia đình ở Hà Nội đa phần nhỏ hẹp nên rất khó để 2 thùng rác phân loại rác vô cơ, hữu cơ. Nhất là người dân chưa có ý thức phân loại rác tại hộ gia đình. Bà Phạm Thị Lịch – người dân phố Giáp Nhị (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Nhà có diện tích nhỏ nên chỉ để một thùng rác mỗi tầng. Lon bia, chai nhựa nhà tôi để riêng ra, còn mọi thứ rác khác đều cho vào một bịch nilon đợi xe thu gom rác tới lấy”.

Theo PGS.TS Bùi Thị An – Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, để việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện bền bỉ, lâu dài và trở thành thói quen tốt trong đời sống của mỗi người dân thì các biện pháp phải tiến hành đồng bộ, thay vì "đánh trống bỏ dùi". Muốn thay đổi công nghệ xử lý rác theo hướng thân thiện với môi trường. Muốn rác tạo ra nhiều giá trị hơn, quay trở lại phục vụ con người và làm giàu cho nền kinh tế, không còn cách nào khác phải quyết liệt phân loại rác từ nguồn. Điều đó đồng nghĩa với việc, rác phải được phân chia ngay từ hộ gia đình, từ mỗi cá nhân, dưới sự giám sát, hướng dẫn của các cơ quan có chuyên môn. Tiếp đó, phải đồng bộ với khâu trung gian, khâu xử lý mới từng bước tạo được những chuyển biến rõ nét.

Hà Ánh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bien-rac-thai-thanh-tai-nguyen-390025.html