Biến rác thải thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo

Tận dụng những phế thải rắn tưởng chừng vô dụng như gạch vỡ, chai lọ, bát đĩa, nắp bia… những người dân sinh sống tại làng Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã 'hóa phép' làm nên những bức họa gốm sứ độc đáo.

Từ cuối tháng 11.2020, hàng chục bức tranh đa sắc màu xuất hiện thay thế những bức tường vô hồn, ẩm mốc tạo nên cảnh quan sinh động, khiến ai đi qua cũng phải ngắm nhìn.

Những bức họa cũng mộc mạc, đơn sơ như chính ngôi làng nằm bên bờ đê sông Hồng, tái hiện rõ nét cuộc sống của người dân nông thôn Việt Nam, từ đình làng cho đến cây đa bến nước, từ những đứa trẻ chăn trâu cho đến dòng kênh xanh, mái nhà…

Tái hiện khung cảnh làng quê thân thuộc, gần gũi bằng những mảnh vỡ chai, lọ…

Ý tưởng độc đáo này được chị Ngô Quỳnh Liên (Trú tại làng Liên Mạc) ấp ủ và cùng những người dân nơi đây chung tay thực hiện. Sau hơn 3 tháng triển khai, ý tưởng này đã thành hiện thực.

Chị Nguyễn Thị Hiên (Hội viên Hội Liên Hiệp Phụ nữ làng Liên Mạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), một trong những người đóng góp ý tưởng cho những ngày đầu của dự án này cho biết: “Trước tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, chúng tôi rất trăn trở trước thực trạng rác thải tràn lan, đặc biệt là chất thải rắn từ chai lọ, vật liệu xây dựng… và mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé để làm cho quê hương không chỉ giàu mạnh mà còn trở nên văn minh, thân thiện. Và những bức họa được ghép bằng gốm sứ vừa độc đáo lại góp phần bảo vệ môi trường được ra đời.”

Chị Nguyễn Thị Hiên (Hội viên Hội Liên Hiệp Phụ nữ làng Liên Mạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), một trong những người đóng góp ý tưởng cho những ngày đầu của dự án

Người dân sinh sống tại đây rất thích thú và ủng hộ nhũng tác phẩm sáng tạo này

Những bức tranh làm bằng phế liệu kiên cố trước ngõ từng nhà, như lời nhắc nhở người dân làng Liên Mạc về ý thức giữ gìn vệ sinh chung của đường làng ngõ xóm, giữ cho làng luôn là một “bức tranh đẹp” từ những bức tranh tái chế.

Không chỉ là những bức tranh mang ý nghĩa nghệ thuật, dự án ghép tranh bằng rác thải còn mang ý nghĩa lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, tận dụng rác thải tái chế vì một môi trường xanh – sạch – đẹp.

HÀN THỦY

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/%C4%91oi-song/artmid/2070/articleid/38411/bien-rac-thai-thanh-nhung-tac-pham-nghe-thuat-doc-dao