'Biên phòng hảo vị trù phương lược'

Đó chính là một câu trong bài thơ của vua Lê Lợi viết trong dịp nhà vua thân chinh lên vùng biên giới Tây Bắc để tiễu trừ quân phản loạn. Nghĩa của câu thơ này là: Triều đình muốn lo sự nghiệp biên phòng tốt thì phải có phương lược dài lâu và rõ ràng.

Một góc Thương cảng Vân Đồn. Ảnh: Duy Quang

Cho đến hôm nay, đã 585 năm trôi qua, lời khuyên của vua Lê Lợi vẫn hoàn toàn chính xác: Biên phòng cần đến phương lược lâu dài để bảo vệ đất nước. Ngẫm ra, cái phương lược bảo vệ biên cương ngày hôm nay lại càng cấp thiết được đặt ra trong tình hình thế giới đang có nhiều biến động lớn, các siêu cường xung đột nhau rồi lại bắt tay nhau cộng thêm kỷ nguyên 4.0 đến rất nhanh. Tuy nhiên, có một điều bất biến trong thế giới phẳng này là quốc gia, dân tộc, lãnh thổ, biên phòng. Biên phòng yếu, lãnh thổ mất thì Việt Nam chẳng còn “căn cước” trên bản đồ thế giới.

Phương lược là gì? Chính Nguyễn Trãi đã vạch ra: Phải lấy dân làm gốc. Sức dân mạnh như sức nước, đẩy thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân. Quan niệm về dân như vậy đã được Nguyễn Trãi quán triệt trong bài thơ “Quan Hải” (đóng cửa biển), làm trong giai đoạn ông cùng nghĩa quân Lam Sơn và chủ tướng Lê Lợi còn nếm mật nằm gai trong kháng chiến chống Minh. Nguyên văn câu thơ là: “Phúc chu thủy tín, dân do thủy” (Thuyền có bị lật mới biết rằng dân chẳng khác gì nước). Bảo vệ biên giới phải là dân, nhất là dân vùng biên giới.

Ngay khi đuổi được giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi, Nguyễn Trãi là đại thần đã thực thi phương lược lấy dân làm gốc, noi theo tiền nhân "Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước" (lời Trần Hưng Đạo).

Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi lại, ngay năm đầu trị vì, Lê Lợi đã thực thi chính sách nới sức dân: “Xuống chiếu rằng, các thứ thuế như tô ruộng, vàng bạc, đầm phá, bãi dâu trong cả nước, đều tha cho 2 năm không thu, những người già ở các lộ từ 70 tuổi trở lên được miễn sai dịch”. Phương lược giữ vùng biên cũng được vạch ra rõ ràng: “Ra lệnh chỉ cho bọn đại thần định lại các quan lộ, huyện, quan trấn thủ, cùng các quan giữ đầu nguồn, cửa biển và những nơi xung yếu, đều phải dùng những người tài giỏi, liêm khiết, chính trực, cho các đại thần được tiến cử”. Có lẽ ngay từ năm đầu dựng vương nghiệp, Lê Lợi đã có phương lược giữ nước đúng đắn như vậy, nên cơ đồ của nhà hậu Lê mới kéo dài nhất trong lịch sử các vương triều Việt Nam (360 năm).

Một trong những phương lược bảo vệ biên giới quan trọng nữa của Nhà nước Đại Việt là củng cố biên giới về kinh tế, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống, kinh tế phát triển. Trong nhiều dẫn chứng, có lẽ vùng Vân Đồn, Quảng Ninh là nơi buôn bán phồn thịnh nhất trong nhiều thế kỷ, “thuyền buôn ba nước Trảo Oa (In-đô-nê-xi-a), Lộ Lạc, Xiêm La (Thái Lan) vào Hải Đông (Quảng Ninh), xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hóa quý từ năm 1149, thời vua Lý Anh Tông. Đến thời Trần, nơi đây lại được giao cho danh tướng Trần Khánh Dư trấn giữ, phát triển buôn bán với phương Bắc và giữ gìn bản sắc văn hóa Đại Việt qua việc cấm người ở Vân Đồn không được trang phục đội nón kiểu phương Bắc mà phải đội nón “Ma lôi” của người Nam”.

Các chúa Nguyễn, vua Nguyễn cũng ra sức phát triển kinh tế biên giới phía Nam. Người dân theo chân các quan trong triều khai khẩn vùng đất mới, bấy giờ hoang vu. Điển hình là Thoại Ngọc Hầu được giao công việc đào kênh thủy lợi dẫn nước, giúp cho nông nghiệp phát triển, làng xóm quần tụ đông vui. Tên ông được đặt cho những ngọn núi, con sông ở vùng miền Tây Nam bộ như Thoại Sơn, Thoại Giang. Vợ ông là bà Châu Thị Vĩnh Tế cũng tham gia công việc đào kênh, phát triển nông nghiệp cùng thời nên cũng được đặt tên cho một con kênh lớn nhất bấy giờ trong vùng là kênh Vĩnh Tế. Hình ảnh kênh Vĩnh Tế còn được khắc trên Cửu Đỉnh ở Huế.

“An cư mới lạc nghiệp”, câu tục ngữ đó thật đúng với vùng biên giới Tây Nam của ta. Làng xóm và đô thị sầm uất ở biên giới ngày nay là thành quả của một phương lược đúng đắn của nhà Nguyễn từ vài trăm năm trước.

Kinh tế vùng biên phát triển còn giúp cho đời sống tinh thần phong phú. Theo chân các công chúa Đại Việt được gả cho các tù trưởng vùng biên là các chùa chiền, đình miếu mọc lên. Khảo cổ học ngày nay còn tìm được nhiều di tích chùa ở vùng Tuyên Quang, Yên Bái và ở ngay vùng đảo Quan Lạn, Vân Đồn... Theo bước chân di dân vùng Trung bộ đi mở nước phía Nam cũng có các ngôi chùa và câu hò, điệu hát dân ca nữa.

Với phương lược Biên phòng của cha ông ta đã giúp cho biên giới nước ta cơ bản ổn định như ngày nay và bài học của tiền nhân vẫn có thể giúp chúng ta có những phương lược đúng đắn trước những biến động của thời cuộc hôm nay. Một trong những phương lược Biên phòng quan trọng phải là củng cố kinh tế vùng biên giới. Hiện nay, cư dân biên giới đời sống vẫn còn khó khăn, Nhà nước vẫn phải thường xuyên trợ giúp, xóa đói giảm nghèo. Bà con dân tộc hôm nay không còn đói nữa, vì Nhà nước đã trợ cấp gạo hằng tháng, nhưng cái nghèo vẫn còn dai dẳng. Khoảng cách đời sống kinh tế giữa vùng ngược và vùng xuôi vẫn còn khá rộng.

Có lẽ, đã đến lúc phải có cách nghĩ, cách làm khác để thúc đẩy kinh tế vùng biên. Ngạn ngữ có câu “cho nhau con cá không bằng cho nhau cái cần câu”. Ở tầm vĩ mô, Nhà nước có vai trò tổ chức cho bà con vùng biên, hướng dẫn đồng bào làm kinh tế. Mỗi vùng đất có thế mạnh riêng của mình. Đến một nơi toàn là... đá như cao nguyên đá Đồng Văn, sao không khai thác mạnh về cảnh đẹp du lịch. Cái ngành công nghiệp không khói này đôi khi lại là giúp cho bà con thoát nghèo. Rồi khai thác đặc sản của địa phương nữa. Cây cam sành vùng Tuyên Quang, Hà Giang một thời trồng nhỏ lẻ, nay đã có hơi hướng làm ăn lớn...

Còn một vấn đề nữa, đó là cái nghèo, nhiều khi lại là nguyên do của chuyện ít học hành. Thế thì cần phải giáo dục và mở mang dân trí cho người dân vùng cao.

Nếu có phương lược đúng, nhất là về phát triển kinh tế và nâng cao dân trí để nhân dân vùng biên giới nhanh chóng tiến kịp miền xuôi, thì chính lòng dân là “cột mốc” biên giới vững bền. Tổ quốc trường tồn và chẳng kẻ thù nào ngăn được bước dân tộc này tiếp nối truyền thống cha ông tiến vững chắc về tương lai.

Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Sinh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bien-phong-hao-vi-tru-phuong-luoc/