Biến phế phẩm nông nghiệp thành tiền

Dự án 'Phế phẩm nông nghiệp - tài nguyên giấy bao bì' do nhóm năm sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM đã giành giải cao nhất khối Sinh viên trong cuộc thi 'Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp' năm 2020 (SV_Startup 2020), do Bộ GD - ĐT tổ chức. Dự án đang được nhóm hợp tác với các đơn vị để chuyển giao công nghệ và đưa sản phẩm ra thị trường.

Cô trò “chạy đua” cùng dự án

Dự án có tên “Phế phẩm nông nghiệp - tài nguyên giấy bao bì” do nhóm năm sinh viên gồm: Trịnh Ngọc Vân Anh, Lê Thị Bích Phượng, Phạm Thái Bình, Lê Thụy Tường Vân và Trần Út Thương thực hiện, dưới sự hướng dẫn của TS Hoàng Thị Tuyết Nhung, Phó Trưởng Bộ môn Môi trường, khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm. Nhóm dự án cho biết, nhóm muốn tận dụng thân cây chuối dùng làm nguyên liệu cho quá trình tạo giấy xanh, thân thiện môi trường. Bởi đây là một trong những loài cây chính ở Việt Nam với hơn 150.000 ha và 1,4 triệu tấn chuối mỗi năm.

Nói về ý tưởng ban đầu cho dự án này, TS Hoàng Thị Tuyết Nhung chia sẻ, cô và các sinh viên đã nhen nhóm dự án từ hơn một năm trước và nhóm cũng trải qua rất nhiều khó khăn khi thực hiện.

Sản phẩm giấy từ thân cây chuối mà nhóm dựa án tạo ra (Ảnh: Nguyễn Nguyên Nhi)

Sản phẩm giấy từ thân cây chuối mà nhóm dựa án tạo ra (Ảnh: Nguyễn Nguyên Nhi)

Nhóm phải tự chở cây chuối từ nhà (Tây Ninh và Củ Chi) về TP. HCM để làm giấy. Nhóm phải thử nghiệm rất nhiều phương pháp khác nhau, thay đổi thành phần các chất để tạo ra giấy có độ bền chắc. "Ban đầu, do làm thủ công, giấy làm ra dễ bị nhăn. Sau thời gian nghiên cứu khá dài, đổ khuôn quen tay hơn, giấy làm ra được đều hơn, cộng thêm có phương pháp hút nước trong khuôn đổ để giấy mau khô nên chất lượng giấy làm ra tốt hơn”, Vân Anh (thành viên dự án) nhớ lại.

Giấy làm từ thân cây chuối không phải là nghiên cứu mới, tuy nhiên, hầu hết quy trình thực hiện đều sử dụng hóa chất trong quá trình làm giấy. Nhóm dự án tìm cách đơn giản hóa quy trình tạo giấy, không sử dụng hóa chất và giữ lại những vân chuối trên giấy hay màu sắc theo giống chuối để tạo sự độc lạ, tự nhiên cho sản phẩm. Đồng thời, nó có khả năng phân hủy nhanh, thân thiện với môi trường.

Nhóm dự án giành giải Nhất khối Sinh viên của cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020.

Đưa dự án vào đời sống

TS Tuyết Nhung cho rằng, việc sử dụng phế phẩm nông nghiệp để làm giấy không phải mới, vì từ xưa, mọi người đã từng chế tạo ra giấy từ rơm rạ. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, mọi người quen dùng giấy đẹp mà quên đi loại giấy thô của ngày xưa. Do đó, nhóm muốn tạo ra giấy từ các loại phế phẩm như lá dứa, vỏ bắp, thân cây chuối... Khi chế tạo thành công và quyết định theo đuổi dự án, nhóm muốn tập trung vào một nguyên liệu phổ biến và dồi dào nhất cho dự án nên chọn loại thân cây chuối. “Giấy được tạo ra từ nguồn phế phẩm nông nghiệp trong nước sẽ là một trong những xu hướng của ngành giấy, có thể giải quyết được những thiếu hụt sản lượng giấy do nhu cầu trong nước tăng cao, đồng thời giá thành thấp hơn so với giấy sản xuất từ bột giấy. Chi phí ước tính cho một túi giấy từ phế phẩm nông nghiệp sản xuất hàng loạt là từ 4.000 - 8.000 đồng. Ngoài ra, với mục đích bảo vệ môi trường, những sản phẩm thân thiện môi trường đang có xu hướng lên ngôi, hứa hẹn tiềm năng phát triển không hề nhỏ cho giấy từ phế phẩm nông nghiệp trong lĩnh vực giấy bao bì, thay thế cho các sản phẩm nhựa dùng một lần”, TS Tuyết Nhung chia sẻ.

Gian hàng của nhóm dự án được trưng bày tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020.

TS Tuyết Nhung cho biết, trước khi vào Chung kết khởi nghiệp do Bộ GD - ĐT tổ chức năm nay, dự án này cũng đã là một trong các dự án đoạt giải Nhất cuộc thi “Sáng kiến giảm rác thải nhựa” do Quỹ quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) dành cho khu vực Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang). Kết quả này đã giúp dự án được tổ chức này tài trợ 100 triệu đồng và chi phí hỗ trợ về đào tạo, đưa sản phẩm ra thị trường cũng như hỗ trợ tiếp cận nguồn nguyên liệu ở địa phương để dự án hoàn thiện trong một năm cho vựa chuối tại Kiên Giang năm 2021. Vì vậy, nhóm dự án chọn Kiên Giang là nơi sản xuất giấy từ thân cây chuối cho quy mô sản xuất đầu tiên của dự án: “Tôi và các em mang mấy tờ giấy đi giới thiệu các nơi, không ngờ được đón nhận rất nhiều. Có người đặt hàng cả ngàn tờ, có người đặt túi giấy, đặt hàng online… Rất nhiều người liên hệ nhưng nhóm không dám nhận vì không có nhân lực và máy móc để làm ra nhiều được. Nó cho thấy, người tiêu dùng rất quan tâm đến sản phẩm thân thiện với môi trường. Điều này đã tạo động lực để chúng tôi theo đuổi tiếp dự án”.

Sản phẩm giấy làm từ thân cây chuối có thể ứng dụng được nhiều lĩnh vực trong đời sống. (Ảnh: Nguyễn Nguyên Nhi)

Để đồng hành với dự án, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM cũng đã tài trợ 100 triệu đồng tiền mặt để nhóm thực hiện dự án và hỗ trợ sử dụng thiết bị, máy móc, văn phòng thực hiện... Cộng với giải Nhất vừa đoạt được từ Bộ GD - ĐT, dự án đã huy động được hơn 300 triệu đồng để tiếp tục đầu tư.

Sản phẩm giấy làm từ thây cây chuối đã thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm. (Ảnh: Nguyễn Nguyên Nhi)

Nói về việc triển khai dự án vào thực tiễn, TS Tuyết Nhung cho biết, hiện nhóm đang dồn hết tiền có được từ các giải thưởng cũng như từ các nhà tài trợ để hoàn thiện quy trình sản xuất, như hoàn thiện sản phẩm, chế tạo máy làm giấy… để có thể bắt đầu sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường. Sau đó, sẽ tiến hành chuyển giao công nghệ cho địa phương để các hộ nông dân thực hiện theo đơn đặt hàng từ doanh nghiệp. “Nhóm cũng mới kết hợp với một công ty và hiện đang chuyển qua bán thủ công”, TS Nhung tiết lộ.

“Sáng tạo khởi nghiệp trước tiên cần phải có ý tưởng và triển khai được ý tưởng. Ngay từ năm thứ hai, sinh viên ngành Công nghệ Môi trường trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM được học môn Nghiên cứu giải pháp môi trường. Ở môn học này, sinh viên sẽ được tự do đưa ra những giải pháp, ý tưởng để giải quyết một vấn đề nào đó. Mặc dù lúc này các bạn chưa được cung cấp đủ kiến thức chuyên môn, tuy nhiên, các bạn có đủ sáng tạo, đủ khả năng tìm hiểu các vấn đề cần giải quyết và bắt đầu có sự đam mê với nghề. Vì vậy, nhiều đề tài nghiên cứu của sinh viên ngành Công nghệ Môi trường bắt đầu từ đây. Các bạn phải tự mày mò, hỏi giáo viên chuyên môn, hỏi những kiến thức ngành khác... để có thể hoàn thiện ý tưởng của mình. Đây là điểm đặc thù của chương trình đào tạo phù hợp theo xu thế mới ngày nay: learning by doing, project based learning”, TS Hoàng Thị Tuyết Nhung chia sẻ.

Hà Chi

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-song-tre/bien-phe-pham-nong-nghiep-thanh-tien-1772314.tpo