Biện pháp phòng ngừa cúm A

Thời tiết khô, lạnh thích hợp cho vi rút cúm phát triển. Cúm có nhiều loại, nhưng nguy hiểm và có khả năng bùng phát thành dịch hơn cả là cúm A. Để cúm A không phát triển và lây lan, mỗi người cần chủ động phòng, chống bằng cách:

- Tăng cường vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi ra đường, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

- Vệ sinh và mở cửa để nơi ở, lớp học, phòng làm việc thoáng mát; lau chùi bề mặt vật dụng, đồ chơi bằng hóa chất sát khuẩn.

- Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm, đặc biệt là nhóm đối tượng nguy cơ như người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em...

- Tăng cường sức đề kháng bằng cách nghỉ ngơi, ăn uống, sinh hoạt hợp lý, tập thể dục hằng ngày.

- Khi có các biểu hiện như sốt, ho, sổ mũi, đau họng, đau đầu..., nên đến khám ở các cơ sở y tế để xác định bệnh và có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh.

- Không tự ý sử dụng thuốc nếu không có chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.

Cúm A đa số lành tính và có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, bệnh có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng, và nếu không được điều trị, chăm sóc kịp thời, đúng cách, người bệnh có thể bị những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não... Người dân có thể tiêm vắc xin để phòng cúm A.

Trần Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/984606/bien-phap-phong-ngua-cum-a