Biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia

Theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục được duy trì đến năm 2020. Như vậy, kỳ thi THPT quốc gia '2 trong 1' vẫn tiếp tục được tổ chức trong 2 năm tới.

Nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực có thể phát sinh trong cả khâu coi thi và chấm thi tại một số địa phương như đã xảy ra trong kỳ thi năm nay, nhiều chuyên gia giáo dục đã gợi ý những giải pháp nhằm cải tổ mạnh mẽ cách tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, đặc biệt là khâu chấm thi để tăng độ tin cậy của của kỳ thi này.

Đề xuất một số giải pháp để tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia trong những năm tới, ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ cho rằng: Bộ GD-ĐT cần tiếp tục tiếp thu ý kiến của các Sở GD-ĐT để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung một số điểm chưa được quy định chặt chẽ trong Quy chế thi. Đặc biệt là việc quy định phải có cán bộ của trường đại học cùng tham gia giám sát việc chấm bài thi trắc nghiệm, làm phách bài thi tự luận.

Thí sinh dự thi tại Cụm thi do Trường Đại học Bách khoa chủ trì năm 2016. Ảnh minh họa.

Về coi thi: Bộ GD-ĐT cần quy định rõ vai trò của thanh tra cắm chốt tại các điểm thi ở các địa phương. Lưu ý chọn các phó trưởng điểm là cán bộ, giảng viên của các trường đại học.

Về chấm thi: Ban làm phách cần có thêm cán bộ giám sát của trường đại học; việc chấm bài thi trắc nghiệm khách quan có thể cử cán bộ xử lý bài thi trắc nghiệm (cán bộ kỹ thuật) của các trường đại học trực tiếp tham gia chấm thi từ 3 - 5 người.

Về bảo quản đề thi, bài thi: Cần quy định chặt chẽ hơn khâu giám sát; quy trình bàn giao chìa khóa và mở niêm phong cần có đủ lực lượng công an, thanh tra… chứng kiến.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cần công khai rộng rãi hơn nữa số điện thoại, địa chỉ email đường dây nóng trên Đài Truyền hình Trung ương để mọi người dân có thể phản ánh tiêu cực (hoặc các nghi vấn tiêu cực) xảy ra trong kỳ thi. Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT kịp thời phối hợp với Bộ Công an để có thể vào cuộc bất kỳ thời điểm nào nếu nghi vấn có tiêu cực.

Trước khi công bố điểm thi, Bộ GD-ĐT cần có một bộ phận chuyên gia phân tích phổ điểm của các tỉnh để nếu có bất thường ở địa phương nào có thể tiến hành thanh, kiểm tra ngay. Nhất là việc chấm môn tự luận Ngữ văn nếu địa phương nào để phổ điểm cao bất thường so với phổ điểm các bài thi trắc nghiệm cần chấm thẩm định luôn.

Ông Nguyễn Minh Tường hy vọng rằng, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục duy trì Kỳ thi THPT quốc gia với những định hướng và điều chỉnh hợp lý.

Trước sai phạm ở một số địa phương trong kỳ thi năm nay, ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên cho rằng lỗi không phải do quy trình, kỹ thuật mà là do các bộ phận thực hiện quy trình không chặt chẽ. Do đó, có thể thay đổi cách giám sát, cách chấm, chẳng hạn cho chấm chéo để bảo đảm khách quan hơn và giảm thiểu tiêu cực có thể xảy ra.

Không đồng tình với ý kiến cho rằng kỳ thi THPT quốc gia không còn phù hợp là bởi những vi phạm đáng tiếc xảy ra vừa qua, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Quốc gia về Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cho rằng, những cán bộ vi phạm nghiêm trọng quy chế thi đã bị cơ quan chức năng khởi tố hoặc sẽ bị khởi tố. Tham nhũng và lợi ích nhóm là hai vấn nạn mà Đảng và Nhà nước ta đang quyết tâm và bằng mọi biện pháp chống lại và loại trừ.

Một nhóm người vi phạm pháp luật, không thể làm xấu đi hình ảnh đẹp đẽ của hàng triệu cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục, đang miệt mài, ngày đêm lo cho thế hệ trẻ, hết lòng gieo cái chữ ở vùng khó khăn. Do đó, chúng ta nên nhìn nhận đánh giá về giáo dục trước những tiêu cực của một nhóm người thoái hóa, biến chất gây ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay dưới góc nhìn khách quan, thực tiễn và tích cực nhất.

Với mong muốn kỳ thi năm tới tốt hơn, ông Đặng Tự Ân cho rằng, Quy chế thi cần quán triệt, quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Mỗi công đoạn hay mỗi hoạt động tổ chức coi và chấm thi phải do một cá nhân chịu trách nhiệm, không thể dựa vào tập thể, một nhóm người được phân công để chứng kiến, giám sát và nghĩ là họ phải làm đúng theo quy chế.

Mặt khác, Ban chỉ đạo thi cần giao thêm trách nhiệm, tức là phải vừa chỉ đạo vừa trực tiếp tham gia các hội đồng thi. Thực tế cho thấy, những địa phương nào có đội ngũ cán bộ tham gia tổ chức thi nghiêm túc, chuyên nghiệp thì kỳ thi không xảy ra sự cố và ngược lại.

Lãnh đạo các trường đại học và cao đẳng cần tham gia trực tiếp vào các hội đồng chấm thi ở cả 63 tỉnh, thành phố; phải trực tiếp chịu trách nhiệm về kết quả chấm thi và chất lượng tuyển sinh vào các trường mà mình sẽ có nhiệm vụ giáo dục và đào tạo. “Năm nay, tuy có quy định rõ ràng cho các thành viên giám sát trong quá trình chấm thi trắc nghiệm, nhưng vẫn có tiêu cực xảy ra. Nếu các trường đại học, cao đẳng trực tiếp chấm thi, tôi nghĩ những địa phương có ý đồ tiêu cực khó có thể thực hiện”, ông Đặng Tự Ân đề xuất.

Ông Đặng Tự Ân tin tưởng với một số chỉnh sửa, bổ sung về mặt tổ chức thi và kỹ thuật trong quy định về chấm thi, thì kỳ thi THPT quốc gia 2019 thực sự sẽ nhẹ nhàng và hiệu quả, đáp ứng mong muốn và kỳ vọng của Chính phủ và toàn thể người dân.

Bài, ảnh: KHÁNH HÀ - NGUYỄN HIẾU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/bien-phap-ngan-chan-tieu-cuc-trong-ky-thi-thpt-quoc-gia-545492