Biện pháp nào cho những bê bối tình dục làm chao đảo chính trường Anh?

Bê bối quấy rối tình dục thật sự trở thành một cuộc khủng hoảng trên chính trường nước Anh, khiến các chính đảng tại xứ sở sương mù phải gác lại những bất đồng chính sách khác cùng ngồi lại để bàn biện pháp.

Thủ tướng Theresa May (ngoài cùng bên phải) trong cuộc gặp với lãnh đạo các chính đảng nhằm đưa ra các biện pháp chung giải quyết những cáo buộc về quấy rối tình dục

Lãnh đạo các chính đảng tại Anh ngày 6-11 đã nhóm họp và thống nhất đưa ra các biện pháp chung nhằm giải quyết những cáo buộc về quấy rối tình dục đang xuất hiện ngày càng nhiều làm rúng động chính trường nước này những ngày vừa qua. Đỉnh điểm của các vụ bê bối tình dục là Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon đã đệ đơn từ chức vào tối 1-11 sau khi xuất hiện cáo buộc vị chính khách này có hành vi quấy rối tình dục với một nữ nhà báo từ 15 năm trước.

Đúng 1 ngày sau khi ông Michael Fallon đệ đơn xin từ chức, sáng 2-11, Thủ tướng Anh Theresa May phải ra lệnh mở một cuộc điều tra đối với đương kim Phó Thủ tướng Damian Green vì có hành vi khiếm nhã với một nữ nhà văn trẻ tuổi. Tuy nhiên, ông Damian Green đã bác bỏ mọi lời cáo buộc rằng ông đã nhắn tin “gạ gẫm” nhà báo nữ trẻ hơn mình tới 30 tuổi.

Cùng lúc đó, Bộ trưởng Bộ Thương mại Quốc tế Mark Garnier cũng phải thừa nhận ông đã từng yêu cầu trợ lý cá nhân mua đồ chơi tình dục và có những lời nói khiếm nhã với cô. Văn phòng Thủ tướng Theresa May tuyên bố mọi trường hợp tố cáo bị quấy rối tình dục sẽ được điều tra nghiêm ngặt và hối thúc các nạn nhân đi trình báo với phía cảnh sát.

Những vụ bế bối, cáo buộc quấy rối tình dục liên tiếp liên quan tới các thành viên cao cấp của Đảng Bảo thủ cầm quyền đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Nội các do nữ Thủ tướng Theresa May đứng đầu. Trước những áp lực rất lớn từ dư luận, Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd vẫn khẳng định: “Chắc chắn “không có chuyện” Chính phủ của Thủ tướng Theresa May bị sụp đổ do vụ bê bối quấy rối tình dục gây ra”.

Đảng Bảo thủ cầm quyền và Chính phủ của Thủ tướng Theresa May đang “gặp khó”, song các đảng đối lập, nhất là Công đảng - đảng đối lập lớn nhất, cũng không tận dụng được cơ hội hiếm có này để tấn công bởi chính họ cũng có những thành viên cấp cao dính vào bê bối tình dục. Đó là các Nghị sĩ Công đảng như Kelvin Hopkins, Jared O’Mara và Carl Sargeant, trong đó ông Kelvin Hopkins đã bị đình chỉ chức vụ vì hành vi không đúng mực với một sinh viên đại học.

Bê bối quấy rối tình dục là một vấn nạn tại nước Anh khi kết quả một điều tra mới đây của Kênh phát thanh BBC Radio 5 cho thấy, có khoảng 50% số lao động nữ và 20% số lao động nam người Anh từng bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc hoặc nơi học tập. Trong đó có tới 63% số phụ nữ từng bị quấy rối tình dục cho biết họ không báo cáo sự việc với bất kể ai và con số này với nam còn cao hơn, lên tới 79%.

Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) ngày 5-11 đã lên tiếng kêu gọi xóa bỏ tình trạng quấy rối tình dục ở nơi làm việc trong bối cảnh xuất hiện một loạt cáo buộc về những hành vi thiếu đứng đắn của một số chính trị gia tại Nghị viện Anh và một số cơ quan khác. Tổng Giám đốc CBI Carolyn Fairbairn cho rằng, quấy rối tình dục dưới bất kể hình thức nào cũng không thể chấp nhận được trong thời đại hiện nay ở Anh.

Để dập ngọn lửa khủng hoảng trước khi bốc lên quá cao, các đảng lớn trong cuộc gặp ngày 5-11 đã thỏa thuận thành lập một cơ quan khiếu kiện độc lập, tăng cường hỗ trợ nhân viên và thành lập nhóm công tác triển khai những sửa đổi nhằm bảo vệ nhân viên làm việc dưới quyền các chính trị gia và đặt ra những quy chuẩn về hành xử của các nhân vật này. Lãnh đạo các đảng cũng đạt được thống nhất ban đầu về việc đào tạo quy chuẩn lãnh đạo và hành xử cho các Nghị sĩ sau mỗi kỳ bầu cử; nâng cấp hệ thống hỗ trợ hiện nay dành cho các nhân viên.

Minh Thu

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/bien-phap-nao-cho-nhung-be-boi-tinh-duc-lam-chao-dao-chinh-truong-anh/747315.antd