Biện pháp mạnh

Thanh tra Chính phủ đang soạn thảo một văn bản pháp lý để việc kê khai tài sản của hàng triệu cán bộ, công chức cả nước không còn nặng hình thức như từ trước tới nay.

Theo đó, tại dự thảo Nghị định của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, Thanh tra Chính phủ đã đưa ra hàng loạt chủ trương, biện pháp mới để việc kê khai tài sản thực chất hơn như: thành lập cơ quan chuyên trách kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập; bản kê khai phải được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, đơn vị...

Đáng chú ý có biện pháp quy định Thanh tra Chính phủ là một trong những cơ quan tiếp nhận và quản lý các bản kê khai tài sản, thu nhập của những người giữ chức danh lãnh đạo từ giám đốc sở và tương đương trở lên thay vì chỉ được lưu giữ tại cơ quan quản lý cán bộ, nơi người phải kê khai đang công tác như trước. Đồng thời, một cơ quan chuyên trách về kiểm soát việc kê khai tài sản thu nhập sẽ được thành lập và có đặc quyền trong việc xác minh ngẫu nhiên khi nghi ngờ về tính trung thực của bản kê khai.

Những quy định mới nhằm tạo ra bước chuyển thực chất trong Nghị định từ khái niệm minh bạch sang kiểm soát tài sản và thu nhập nhằm làm rõ tài sản, thu nhập của những "công bộc" để việc kê khai không còn nặng về hình thức, góp phần nâng cao hiệu quả của biện pháp phòng chống tham nhũng quan trọng này.

Số liệu mới nhất đưa ra tại báo cáo tổng kết công tác năm 2019 của ngành thanh tra cho thấy qua xác minh đã phát hiện 10 trường hợp vi phạm về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, trong đó đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp, xem xét xử lý kỷ luật 2 trường hợp. Điều đáng nói là số trường hợp vi phạm này chiếm tỉ lệ vô cùng nhỏ trong tổng số gần 1,1 triệu người đã kê khai tài sản, thu nhập. Số trường hợp vi phạm trên còn tăng 4 người so với số liệu tổng kết trước đó 1 năm.

Những số liệu nêu trên cho thấy điều mà tất cả cùng băn khoăn về căn bệnh hình thức trầm kha lâu nay của việc minh bạch tài sản và thu nhập của cán bộ, công chức nhà nước.

Việc buộc cán bộ, công chức nhà nước kê khai tài sản bắt đầu được triển khai từ khi Luật Phòng chống tham nhũng có hiệu lực từ năm 2005. Đây được xem là một biện pháp quan trọng để phòng chống tham nhũng bởi có kiểm soát được tài sản của cán bộ, công chức mới có thể phát hiện họ có dấu hiệu tham nhũng hay không. Tuy nhiên, thực tế hơn chục năm qua cho thấy việc kê khai tài sản chưa hiệu quả, không đáp ứng trông đợi là một biện pháp hữu hiệu để phòng chống tham nhũng. Điều đó thấy rất rõ qua việc phát hiện trường hợp tham nhũng từ những bản kê khai tài sản, thu nhập của quan chức.

Kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức không dễ, hy vọng nghị định mới sẽ đưa ra những biện pháp mạnh mẽ, chặt chẽ hơn nữa để góp phần nâng cao hiệu quả của cuộc chiến đẩy lùi tham nhũng.

PHAN ĐĂNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/bien-phap-manh-20200216214826226.htm