Biện pháp giúp nông dân tránh cảnh 'được mùa, mất giá'

Trong chương trình làm việc của phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với hai dự án luật quan trọng với nền nông nghiệp là Luật Chăn nuôi và Luật Trồng trọt.

Nghiêm cấm sử dụng kháng sinh để kích thích sinh trưởng

Sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt trong nước là nguồn chủ yếu cung cấp thực phẩm cho người dân, vì vậy, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi, trồng trọt được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có chính sách cụ thể để ngăn chặn tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng”, đồng thời, cũng phải có giải pháp để giúp người chăn nuôi, trồng trọt tránh được cảnh “được mùa mất giá”.

Dự thảo Luật Chăn nuôi đã luật hóa những quy định về thức ăn chăn nuôi tại Nghị định 39/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản đã được kiểm nghiệm trong thực tế.

Để bảo đảm ATVSTP, quản lý hiệu quả chất lượng thức ăn chăn nuôi, Dự thảo Luật quy định thức ăn thương mại phải có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; được sản xuất tại cơ sở đủ điều kiện; phải được công bố sản phẩm trên Cổng thông tin của Bộ NN&PTNT. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định quản lý đối với từng loại thức ăn chăn nuôi cụ thể, đảm bảo an toàn cho sản phẩm.

Dự thảo cũng tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh sửa quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh. Theo đó, chỉ được phép sử dụng kháng sinh thuộc danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam, nghiêm cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam và sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng.

Đồng thời, chỉ được sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích trị bệnh cho vật nuôi nhiễm bệnh và phòng bệnh cho vật nuôi ở giai đoạn con non khi có kê đơn của bác sỹ thú y.

Cho ý kiến và Dự luật, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị quy định cụ thể việc xử lý dịch bệnh, dập dịch, các chính sách hỗ trợ khi xảy ra dịch, cũng như trách nhiệm Nhà nước, của các địa phương.

Đối với xử lý chất thải trong chăn nuôi, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, theo thông tin của Bộ NN&PTNT, hàng năm có 84,5 triệu tấn thải rắn và 50 triệu m3 thải lỏng từ chăn nuôi thải ra môi trường. Nhưng tính đến tháng 7-2017, chỉ có 60% lượng chất thải được xử lý, 40% còn lại thải trực tiếp ra môi trường.

Tuy nhiên, trong Dự thảo luật, quy định về xử lý chất thải chăn nuôi còn quá ít và chưa rõ ràng, nên Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần quy định chi tiết, cụ thể hơn.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị quy định cụ thể về xử lý chất thải chăn nuôi. Ảnh QH

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị quy định cụ thể về xử lý chất thải chăn nuôi. Ảnh QH

Tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn phổ biến

Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trồng trọt, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, tiếp thu ý kiến các đại biểu, Dự thảo Luật đã quy định rõ yêu cầu quản lý đối với giống cây trồng chính, điều kiện cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính, bỏ quy định về thành lập Hội đồng tư vấn giống cây trồng.

Đồng thời, bổ sung quy định về thời hạn của quyết định công nhận lưu hành đối với giống cây trồng chính là 7 năm đối với cây hàng năm, là 15 năm đối với cây lâu năm để bảo đảm duy trì chất lượng giống.

Theo Thường trực Ủy ban KHCN&MT, hiện tại thị trường phân bón rất đa dạng, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn phổ biến. Báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật cho biết, lượng phân bón sản xuất trong nước hiện ở tình trạng cung vượt quá cầu (tổng công suất sản xuất 29,5 triệu tấn/năm, chưa kể 4-5 triệu tấn phân bón nhập khẩu hàng năm, trong khi nhu cầu sử dụng khoảng 10-11 triệu tấn/năm). Do vậy, việc quy định “một tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký một tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón đăng ký” là cần thiết.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho rằng, Dự thảo Luật có 84 điều, nhưng lại có 42 điều quy định về giống, phân bón. Trong khi đó, khâu quan trọng và là khâu yếu trong hoạt động trồng trọt là bảo quản, chế biến, thương mại, quản lý chất lượng trồng trọt thì chỉ có 6 Điều.

Trong khi đây là vấn đề giải quyết mấu chốt tình trạng “được mùa, mất giá”, “rau hai luống, lợn hai chuồng”, xây dựng thương hiệu trồng trọt. Dự thảo Luật cũng không nhắc đến vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với sức khỏe con người, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường ra sao? Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo cần giải trình, tiếp thu về chuỗi sản xuất trong trồng trọt, nước và bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, nhiều thành viên UBTVQH cũng cho rằng, một số quy định trong dự thảo Luật có thể làm phát sinh “giấy phép con” quy định cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón đối với người kinh doanh phân bón, cấp quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính…

Theo thông tin của Bộ NN&PTNT, hàng năm có 84,5 triệu tấn thải rắn và 50 triệu m3 thải lỏng từ chăn nuôi thải ra môi trường. Nhưng tính đến tháng 7-2017, chỉ có 60% lượng chất thải được xử lý, 40% còn lại thải trực tiếp ra môi trường.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/bien-phap-giup-nong-dan-tranh-canh-duoc-mua-mat-gia-120584.html