Biện pháp đối phó với COVID-19 tại Nhật Bản từ bài học dịch cúm Tây Ban Nha

Với các biện pháp tương tự cách đây hơn một thế kỷ trong đại dịch cúm Tây Ban Nha, Nhật Bản đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá trong việc ứng phó với dịch COVID-19 đang diễn biến khó lường.

Du khách được kiểm tra nhiệt độ khi đến công viên giải trí Toshimaen ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Du khách được kiểm tra nhiệt độ khi đến công viên giải trí Toshimaen ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Nhật Bản đang đứng trước cuộc khủng hoảng về sự bùng phát mạnh mẽ của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) và sự phản đối của nhiều quốc gia trước quyết định tổ chức Thế vận hội Tokyo Olympic 2020 theo đúng kế hoạch. Trong bối cảnh đó, có thể nhận thấy Nhật Bản đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng dịch quyết liệt tương tự đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.

Đại dịch cúm Tây Ban Nha đã bắt đầu lan đến Nhật Bản vào mùa xuân năm 1918, khi 3 đô vật sumo thi đấu từ Đài Loan (Trung Quốc) trở về Tokyo. Dịch bùng phát lần hai vào tháng 5/1918 khi một thủy thủ trên tàu chiến đang neo đậu tại căn cứ hải quân Yokosuka được chẩn đoán mắc bệnh, ban đầu được gọi là “bệnh dịch lạnh”.

Đến mùa thu năm 1918, mức độ của căn bệnh đã dần trở nên nghiêm trọng hơn. Tờ The Japan Time & Mail ngày 26/10 đưa tin với tiêu đề: “Hàng nghìn người chết vì dịch cúm trên toàn cầu”. Sau đó, căn bệnh được biết đến với tên gọi “dịch cúm Tây Ban Nha”.

Trên khắp thành phố Tokyo, các trường học đều đóng cửa, hàng nghìn học sinh và giáo viên không thể đến trường. Dịch bệnh lan rộng ra các văn phòng, nhà máy. Vào cuối những năm 1920, dịch cúm Tây Ban Nha đã khiến nhiều người Nhật Bản thiệt mạng. Một số ngôi làng thậm chí không còn người dân nào sống sót, những người sống trong các khu đô thị cũng phải chịu hậu quả tương tự.

“Một ngôi làng đã bị hủy hoại vì căn bệnh cảm lạnh. Có đến 970 trong tổng số 1.000 cư dân của làng Omotani, tỉnh Fukui đã qua đời. Các bệnh viện đều quá tải, nhiều người bị bệnh chỉ còn cách nằm chờ chết. Hai đứa trẻ tại trường Tiểu học Kurikawa, thành phố Morioka, phía Bắc Tokyo, đã qua đời vào ngày 5/11/1919. Mọi cửa hàng và doanh nghiệp trong thành phố đều phải đóng cửa. Hai nhà hỏa táng duy nhất ở Kobe đã quá tải và hơn 100 thi thể phải xếp chồng lên nhau chờ hỏa táng”, một đoạn miêu tả tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản trong cuốn sách của tác giả Yuu Hayami, cho biết.

Các học giả ước tính rằng có khoảng 256.000 đến 480.000 người Nhật đã qua đời trong đại dịch cúm Tây Ban Nha. Trong khi đó, một nghiên cứu của các học giả Mỹ được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm mới cho thấy con số thực chỉ có thể là khoảng 2,02 triệu người chết. Số ca tử vong chiếm 3,71% trong số 56 triệu dân Nhật Bản tại thời điểm đó, tương đương với số người chết ở các khu vực khác của châu Á.

Người dân Nhật Bản tuân thủ khuyến cáo đeo khẩu trang khi đến Vườn quốc gia Shinjuku Gyoen, Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg

Vào tháng 1/1919, Bộ Nội vụ Nhật Bản đã đưa ra khuyến cáo về cách phòng ngừa dịch bệnh. Thời điểm này, các cơ quan y tế vẫn tin dịch cúm Tây Ban Nha là một loại vi khuẩn. Những cảnh báo này hiện vẫn đang được các quan chức Nhật Bản nhắc lại trong thời điểm hiện tại, khi dịch COVID-19 lan rộng sang nhiều quốc gia thế giới. Dịch bệnh sẽ lây lan từ các giọt bắn khi người mắc bệnh ho hoặc hắt hơi, mọi người nên cách nhau ít nhất 1 mét. Người dân được khuyến cáo nên hạn chế các cuộc tụ họp đông người và đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng như tàu hỏa hoặc xe buýt. Tương tự đại dịch cúm Tây Ban Nha, bất kỳ ai cảm thấy có những triệu chứng mắc bệnh đều được khuyên nghị tham khảo ý kiến của bác sĩ và thực hiện tự cách ly nhằm tránh lây lan cộng đồng.

Giống với tình hình ngày nay, trong đại dịch cúm Tây Ban Nha, việc sản xuất khẩu trang không thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, chính phủ Nhật bản cũng đã yêu cầu các trường học đóng cửa và hủy bỏ các cuộc tụ họp đông người, chương trình biểu diễn sân khấu và các rạp chiếu phim, các giải đấu sumo cũng bị hoãn lại.

Trong đợt dịch cúm Tây Ban Nha, nhu cầu sử dụng khẩu trang cũng gia tăng đáng kể. Ảnh: Getty Images

Giống như những thông tin không chính xác cho rằng bệnh COVID-19 đã có phương pháp điều trị, người Nhật 100 năm trước cũng đã tin rằng uống nước ở nhiệt độ từ 57 – 60 độ C có thể ngăn ngừa dịch bệnh. Thậm chí, nhiều người thiếu hiểu biết còn mua bùa hộ mệnh và “huy hiệu an toàn” để bảo vệ bản thân.

Nhật Bản từng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu trước khi virus bùng phát mạnh ở châu Âu và châu Mỹ. Quốc gia này cũng đã thực hiện một số biện pháp chặt chẽ như cách ly những người đến từ vùng dịch để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Tính đến ngày 24/3, nước này đã ghi nhận ít nhất 1.128 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, với 42 trường hợp tử vong, chưa tính hơn 700 ca nhiễm trên tàu du lịch Diamond Princess ở Yokohama.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/bien-phap-doi-pho-voi-covid19-tai-nhat-ban-tu-bai-hoc-dich-cum-tay-ban-nha-20200324112919907.htm