Biến 'nguy' thành 'cơ'

Không chủ quan, lơ là, cũng không được hoang mang, dao động, chống dịch đồng bộ, quyết liệt, đồng thời giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, đây là quyết tâm kép của Chính phủ, Thủ tướng. Cũng từ đó, ngay lập tức các Bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc để thực hiện những nhiệm vụ không hề dễ dàng khi mà thách thức quá lớn.

Nông sản bị ùn ứ ở các cửa khẩu tại Lạng Sơn đã bắt đầu được xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị từ chiều ngày 5/2.

Nông sản bị ùn ứ ở các cửa khẩu tại Lạng Sơn đã bắt đầu được xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị từ chiều ngày 5/2.

Dịch bệnh tác động xấu tới nhiều mặt đời sống xã hội

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở dự kiến những tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch bệnh nCoV tới các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, Bộ dự kiến 2 kịch bản về tăng trưởng GDP. Theo kịch bản 1, nếu dịch nCoV được khống chế kịp thời trong quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với mục tiêu), trong đó quý I tăng 3,8%; quý II tăng 6,55%; quý III tăng 7,07% và quý IV tăng 6,81%. Kịch bản 2, nếu dịch được khống chế trong quý II/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với mục tiêu), trong đó quý I tăng 3,8%; quý II tăng 5,81%; quý III tăng 7,05% và quý IV tăng 6,81%.

Dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra cho tới thời điểm này đã tác động tới nhiều mặt đời sống xã hội, ở nhiều quốc gia. Với Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, trong trường hợp dịch sớm được kiểm soát trong ngắn hạn (dưới 3 tháng), dự kiến trong quý I/2020, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể giảm khoảng từ 400 triệu USD đến 600 triệu USD, tương đương mức giảm khoảng 5-8%, tùy theo diễn biến của dịch. Trong khi đó, số lượng nông sản đang ùn ứ tại các cửa khẩu do dịch là thực trạng đáng buồn của ngành nông nghiệp trong cơn bão corona. Thiệt hại nặng nhất có lẽ là ngành du lịch, hiện số lượng khách du lịch giảm mạnh. Nhiều địa phương, lượng khách sụt giảm 20-30%, thậm chí có địa phương đã giảm tới 60-70%.

Sự ảnh hưởng từ virus crona không chi tác động đến kinh tế Việt Nam, theo Bloomberg, ảnh hưởng của nó lên nền kinh tế toàn cầu có thể lớn gấp 3 đến 4 lần so với SARS, có thể gây tổn thất kinh tế 160 tỷ USD. Không chỉ kinh tế Trung Quốc mà Hong Kong (Trung Quốc) có thể giảm tăng trưởng 1,7 điểm %, Hàn Quốc và Việt Nam giảm 0,4 điểm %. Nhật Bản 0,2% trong quý I/2020. Về phía Thái Lan, theo Phòng Thương mại Thái Lan, dịch bệnh từ nCoV là một trong các nguyên nhân sẽ kéo tăng trưởng kinh tế Thái Lan năm 2020 xuống dưới 2,5% do Thái Lan dự kiến thất thu khoảng 80 - 100 tỷ Baht, chủ yếu trong ngành du lịch và các ngành kinh tế Thái Lan phải ưu tiên các biện pháp ứng phó với dịch bệnh.

Lửa thử vàng

Trước tác động của bệnh dịch, gần như ngay lập tức Chính phủ đã chủ động, linh hoạt các giải pháp quyết liệt giữ đà tăng trưởng.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chống dịch đồng bộ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu, Thủ tướng cũng yêu cầu, tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội theo kịch bản mới. Thủ tướng nhấn mạnh, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, nhiệm vụ này là một thử thách đối với bản lĩnh, sự quyết tâm của chúng ta. Đồng thời, giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô, nhất là lạm phát, tỉ giá, xuất khẩu.

Thủ tướng yêu cầu, cần triển khai thực hiện ngay các đối sách, giải pháp để giảm thiểu tác động kinh tế của bệnh dịch này, có kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn với tinh thần phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2020. Trước sự chỉ đạo quyết liệt như vậy, tất cả các địa phương đã vào cuộc để đưa ra các giải pháp chặn đà suy giảm của kinh tế. Chẳng hạn Hà Nội tiếp tục đưa mục tiêu phấn đấu năm 2020 tăng trưởng GRDP của Thành phố đạt từ 7,5% trở lên.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá thường xuyên tình hình thị trường để xây dựng kịch bản, tham mưu phương án sản xuất, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, sức mua thực phẩm, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế dùng cho công tác phòng chống lây nhiễm dịch tăng đột biến do người tiêu dùng Trung Quốc lo ngại thiếu hụt, tăng cường mua sắm, tích trữ đề phòng hoặc giai đoạn sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tăng trưởng về tiêu dùng, mua sắm hồi phục nhanh.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thông điệp không điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, bên cạnh những thuận lợi, nền kinh tế cũng đối mặt không ít thách thức, như năm 2016 là sự cố ô nhiễm môi trường biển ngay sau khi Chính phủ nhiệm kỳ mới được bầu; tăng trưởng GDP quý I năm 2017 cũng chỉ đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ (5,48%)…thế nhưng với tinh thần “biến nguy thành cơ”, “biến bại thành thắng”, vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục, đưa nền kinh tế tiến bước, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói gì?

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, trước tác động bởi dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra, Bộ NNPTNT đã đưa ra nhiều giải pháp để chặn đà suy giảm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ nhất, rà soát lại khối lượng nông sản các nhóm mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc từ nay cho đến cuối năm để đề ra các kịch bản căn cứ với diễn biến tình hình của từng giai đoạn.

Thứ hai, tăng cường thương mại tiêu thụ nội địa, tìm biện pháp phục vụ thị trường hơn 96 triệu dân Việt Nam.

Thứ ba, tập trung chế biến sâu. Các doanh nghiệp chế biến phải liên kết chặt chẽ với những vùng nguyên liệu để giảm bớt khối lượng xuất khẩu tươi. Thứ tư, Bộ đã thống nhất yêu cầu ngành logistics kiểm tra lại khối lượng kho dự trữ đông lạnh để đưa một số sản phẩm vào ướp đông, kéo dài thời gian phân phối.

Thứ năm, thúc đẩy mở cửa một số thị trường khác. Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT tiếp tục tổ chức các đoàn đi nước ngoài như đoàn công tác do lãnh đạo Bộ dẫn đầu cùng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Dubai (UAE) từ ngày 15/2 để mở rộng thị trường Trung Đông; Đoàn công tác sang Hoa Kỳ từ ngày 22/2; Đoàn công tác do Bộ trưởng dẫn đầu sang Brazil trong tháng 3/2020…

Đặc biệt, Bộ NNPTNT cũng tính toán các biện pháp dài hạn dựa theo căn cứ tình hình như tái cơ cấu một số đối tượng sản xuất nông nghiệp. Đơn cử như các vùng hiện nay đang trồng dưa hấu, tới đây không trồng dưa hấu mà chuyển sang cây trồng khác dễ tiêu thụ hơn.

“Chúng ta cần nhìn nhận, đây cũng là cơ hội tạo một áp lực bức bách để đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở chuỗi liên kết. Không thể để mãi tình trạng đưa ra thị trường sản phẩm thô, sản phẩm chưa qua chế biến, có rủi ro lại tập trung vào giải quyết. Qua việc này, chúng ta cần nhìn nhận và xác định tập trung tái cơ cấu vùng hàng hóa, chế biến sâu, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị và mở ra nhiều thị trường mới, không để trứng vào một giỏ”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR): Linh hoạt trong điều hành

Tác động của dịch bệnh do virus corona gây ra sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc - Việt Nam, từ đó lan ra quan hệ kinh tế với các nước khác. Cùng với đó, gây sự xáo trộn nền kinh tế nội địa Việt Nam, tạo ra chi phí lớn hơn trong quá trình sản xuất và đời sống người dân. Đây là rủi ro thị trường bất khả kháng, nên người bị rủi ro phải chấp nhận và cần có biện pháp giải quyết rủi ro cho mình, như chuyển đổi thị trường, phương thức sản xuất. Tiếp theo đó mới đến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Theo đó, Nhà nước cần thận trọng khi sử dụng các chính sách hỗ trợ thông qua công cụ vĩ mô như tiền tệ, tài khóa, tín dụng. Hỗ trợ cần trúng và đúng ngành thiệt hại để tránh hiện tượng chảy sang các ngành khác như bất động sản sẽ dễ gây ra bong bóng thị trường hoặc hỗ trợ kém hiệu quả. Thay vì vội vàng trong việc sử dụng các công cụ tài chính, vĩ mô, các cơ quan chức năng nên tập trung vào các biện pháp hỗ trợ vi mô trong nội bộ ngành, thị trường nhất định để hỗ trợ, khơi thông trong tổ chức ngành, giúp doanh nghiệp có thêm những giải pháp mới mang tính kỹ thuật và đặc thù của ngành.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/bien-nguy-thanh-co-tintuc458505