Biển người trẩy hội đầu Xuân

Hôm nay, mùng 6 Tết Nguyên Đán, hàng loạt các lễ hội lớn chính thức khai hội, mở đầu cho hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ diễn ra cho đến hết tháng 3 âm lịch. Sau một thời gian vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý, nhiều 'điểm nóng' đã được hạ nhiệt. Tuy nhiên, chuyện tắc đường, tắc đò, tắc cáp treo…vẫn là bài toán nan giải.

Chùa Hương: Tắc lối lên động và thịt sống vẫn bày bán

Hôm nay, Lễ hội chùa Hương, lễ hội lớn nhất trong năm và kéo dài tới tháng 3 âm lịch đã chính thức khai hội tại sân Thiên Trù. Tuy nhiên, không phải chờ đến ngày khai hội, chùa Hương mới đông, bắt đầu từ mùng 3 Tết, khách thập phương đã đổ về đây đến tắc cả đường.

Ông Nguyễn Bá Hiển (Phó Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương, Trưởng Ban Quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, trong 3 ngày, từ mùng 3 đến hết ngày mùng 5 Tết, chùa Hương đón khoảng 124 nghìn lượt khách. Riêng trong ngày khai hội hôm nay, lượng khách ước đạt 130 nghìn lượt.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ sáng sớm, dòng xe cộ đã nườm nượp đổ về chật kín các bãi xe phía bên ngoài suối Yến. Đặc biệt, lo ngại tình trạng tắc đường, tắc cáp treo, tắc đò, nhiều du khách đã thay đổi giờ đi lễ. Thay vì đi vào lúc sáng sớm, họ lại vào chùa vào lúc chiều muộn và lên động Hương Tích lúc nửa đêm.

Dòng người nhẫn nại xếp hàng chờ vào động

4.500 đò hoạt động đã hết công suất vào ngày khai hội. Giá vé khứ hồi tuyến Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Hương Tích là 130.000 đồng/người, trong đó 80.000 đồng là vé vào cửa thắng cảnh; 50.000 đồng là vé đò thuyền. Tuy nhiên, để cho "vui vẻ đôi bên khách đi đò vẫn chi thêm một khoản “bồi dưỡng” cho lái đò tùy thỏa thuận.

Cả biển người đổ về động Hương Tích trong cùng một thời điểm gây ra ùn ứ cục bộ

Liên tục trong các ngày 4 và 5 Tết, đường lên động Hương Tích ùn tắc nghiêm trọng. Ông Nguyễn Bá Hiển- Trưởng BQL di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, do lượng người quá đông dồn đến cùng vào một thời điểm nên đã xảy ra ùn ứ cục bộ. Thêm vào đó, cửa động lại nhỏ, trong lòng động mặc dù rộng nhưng cũng chỉ chứa được một số lượng nhất định nên việc xếp hàng chờ đợi rồi chầm chậm vào là đương nhiên. BTC cũng đã cố gắng khắc phục bằng cách đặt các trạm chắn, phân luồng…

Ngoài việc ùn tắc cục bộ trong những ngày đầu năm trẩy hội chùa Hương, mùa hội năm 2019 này cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức tại đây. Các hoạt động kinh doanh phía trong các chùa, các động, đoạn đường hẹp hầu như không còn. Hơn 300 gian hàng được cấp phép kinh doanh đều lùi sâu vào trong. 100% hộ kinh doanh được tập huấn, có chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hai bên bờ suối Yến có nhiều bảng, biển tuyên tuyền, hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh ở nơi thờ tự; đồng thời công khai số điện thoại đường dây nóng của Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2019, để du khách có thể phản ánh mọi vấn đề còn tồn tại.

Vẫn còn tình trạng bày bán thịt sống ở chùa Hương

Riêng chuyện treo móc thịt sống dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền thậm chí quyết tâm dẹp, đảm bảo xóa bỏ hình ảnh phản cảm, thiếu trang nghiêm quanh khu vực di tích và nơi thờ tự…nhưng nhiều hộ kinh doanh vẫn cố tình vi phạm.

Hy vọng về những mùa hội an toàn

Cũng trong sáng nay, 10 – 2, cùng với Di tích thắng cảnh Hương Sơn, nhiều lễ hội lớn cũng đã khai hội. Lễ hội kỷ niệm 1979 năm Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa (40 - 2019) đã diễn ra tại Mê Linh với các nghi lễ truyền thống như dâng hương, rước kiệu và tế lễ cũng như các hoạt động diễn xướng dân gian, tái hiện lại chiến tích oai hùng năm xưa. Lễ hội đền Cổ Loa (Đông Anh) hấp dẫn du khách bởi những nghi thức dân gian với màn rước kiệu Bát xã Loa Thành...

Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) sau nhiều năm ầm ĩ bởi màn chém lợn giữa sân đình đẫm máu thì nay đã được thay đổi. Khu vực làm cỗ ngọc tế thánh được hạn chế người ra vào. Tại đây, hai đao phủ sẽ thực hiện việc giết mổ hai “ông ỉn” và BTC đã lấy một phần thịt làm cỗ ngọc tế thánh.

Để có một mùa lễ hội an toàn, theo đúng nghi thức truyền thống, trước đó, ngay từ tháng 11-2018, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTT&DL đã có nhiều cuộc gặp gỡ với các địa phương- nơi có các điểm nóng về lễ hội cho phép loạn đả hay các lễ hội hiến sinh, mang tính bạo lực, không còn phù hợp với thời đại mới. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy khẳng định, sẽ phải thay đổi theo hướng văn minh, an toàn, tuy nhiên những giá trị truyền thống cốt lõi vẫn sẽ phải bảo tồn.

Quỳnh Vân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/bien-nguoi-tray-hoi-dau-xuan/798723.antd