'Biển người' dâng sao giải hạn đầu năm, Bộ VHTT&DL yêu cầu chấn chỉnh

Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) vừa ban hành công văn số 73/VHCS-NSVH gửi Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động lễ hội đầu Xuân.

Theo nhận định của Bộ VHTT&DL, mùa hội 2019 vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục, ví dụ như: tràn lan các hoạt động kinh doanh dịch vụ hàng hóa trong khuôn viên di tích. Việc cúng dâng sao giải hạn đầu năm, từ một nét tâm linh truyền thống nay biến tướng, nhu cầu chính đáng của người dân bị lợi dụng để trục lợi. Cùng với đó, trong lễ hội Xuân còn tồn tại các hành vi đánh bạc, cá cược ăn tiền núp bóng trò chơi truyền thống; xem bói, gieo quẻ, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch; tăng giá dịch vụ bán hàng, trông giữ xe vào di tích và lễ hội; đốt đồ mã, vàng mã nhiều tại các di tích, đền, phủ; ùn tắc giao thông, mất an toàn trên sông, nước; vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, bày bán thịt động vật hoang dã...

Để thực hiện nghiêm các quy định, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tham mưu, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tại địa phương có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hiện tượng nêu trên và báo cáo về Cục Văn hóa cơ sở trước ngày 30 tháng 3 năm 2019.

Cả biển người ngồi ở lòng đường chờ làm lễ dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh- Hà Nội

Cả biển người ngồi ở lòng đường chờ làm lễ dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh- Hà Nội

Theo nhiều chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giáo lý nhà Phật không có sao xấu, sao tốt có thể ảnh hưởng đến vận mệnh của con người. Thế nhưng, trên thực tế, việc cúng dâng sao giải hạn lại được diễn ra rất nhộn nhịp vào dịp đầu năm với nhiều biến tướng.

Trả lời phóng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy lý giải: Khi đời sống ngày càng phát triển, nhu cầu của người dân càng nhiều. Rất khó để kết luận, dâng sao giải hạn có phải là mê tín hay không. Nhưng nếu chứng kiến cảnh cả nghìn người xếp hàng ngồi dưới lòng đường để dâng sao giải hạn thì rõ ràng phải có giải pháp nào đó cho vấn đề này.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng cho biết thêm, một khi nó đã trở thành tập tục và ăn sâu vào suy nghĩ thì cần sớm có những giải pháp chấn chỉnh. Đặc biệt là, tuyên truyền để người dân có thể hiểu một cách đúng đắn nhất về phong tục này. Chỉ khi người dân hiểu đúng bản chất của việc thực hành tín ngưỡng thì mới có thể cải thiện được tình hình hiện tại.

“Mùa lễ hội năm 2018, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản đề nghị tăng ni trên toàn quốc kêu gọi các Phật tử không đốt vàng mã. Văn bản này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo dư luận và quần chúng nhân dân. Tôi cho rằng trong hoạt động cúng dâng sao giải hạn cũng vậy, nếu như Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục lên tiếng cảnh tỉnh, thậm chí nghiêm cấm việc dâng sao ở các chùa dịp đầu năm thì sẽ giúp cho người dân hiểu, tự nhận thức và có định hướng đúng đắn trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của mình”- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Quỳnh Vân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/bien-nguoi-dang-sao-giai-han-dau-nam-bo-vhttdl-yeu-cau-chan-chinh/799620.antd