Biển – Miền văn hóa trong từng hơi thở

Cả nước với hơn 3.260 km chiều dài bờ biển, trải khắp 28/63 tỉnh thành phố, sẽ thật thiếu sót khi nhắc về văn hóa Việt Nam mà thiếu biển. Đó là một nền văn hóa được cất giữ ở một không gian vừa bao la, rộng lớn, lại vừa gần gũi. Biển như sống trong từng hơi thở của mỗi người con lớn lên từ gió mặn khơi xa.

Trăm năm miền Biển vẫn còn

Văn hóa là những gì còn lại khi tất cả đã mất đi. Và với người dân miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng, hình ảnh các cụ ông khăn đóng áo dài chỉn chu dự lễ Nghinh Ông, nhắc chuyện con cháu về truyền thuyết cá Ông, cá Bà. Những em nhỏ theo cha mẹ chen chân nhau quanh Lăng thờ. Rồi đoàn người nối nhau rước lễ dọc bãi biển.

Đến phần hội thì thanh niên hò điệu chèo thuyền, thi đan lưới đầy sôi nổi là những điều vẫn đang được gìn giữ đến ngày hôm nay ở mọi làng biển. Thế nhưng, sâu xa hơn một lễ hội bày tỏ lòng thành kính cầu mưa thuận gió hòa, mùa đánh bắt thắng lợi, no đủ, đó còn là minh chứng cho một nền văn hóa tồn tại hàng trăm năm.

Biển gắn liền với đời sống người dân Việt Nam

Tại Đà Nẵng, những làng chài đang ngày càng bị thu hẹp do phát triển đô thị. May mắn, những Lăng Ông vẫn được người dân gìn giữ. Làng cá Nam Ô là một trong số ít những nơi còn giữ được Lăng Ông với tuổi đời trăm tuổi. Lăng Ngư Ông tại làng được xây dựng từ 1823 với kết cấu, kiến trúc cổ truyền thống, được trùng tu bảo tồn qua nhiều đời, đặc biệt trong khuôn viên có một giếng Chăm cổ và những ngôi mộ cá Ông gắn liền với văn hóa tâm linh địa phương.

Cụ Lê Bôi – một cao niên làng kể tường tận, lăng thờ cá Ông của làng đã có từ nhiều đời nay. “Nhiều câu chuyện về việc cá Ông, cá Bà dìu tàu, cứu ngư dân vẫn được truyền tai nhau. Nhiều người có thể chưa từng thấy hay chứng kiến sự việc nhưng đó là một đức tin và là cách ngư dân chúng tôi thể hiện sự tôn trọng với người mẹ thiên nhiên biển cả cho đến tận hôm nay” - cụ Bôi chia sẻ.

Cũng theo các cụ cao niên trong làng, từ ngày lập làng Nam Ô, ngư nghiệp đã gắn liền với đời sống người dân. Vì vậy, liên tiếp trong nhiều thế kỷ, các triều đại vua khác nhau đã ban sắc phong cho thần Nam Hải, chính thức công nhận tục thờ cúng Cá Ông tại các làng quê dọc ven biển miền Trung.

Hôm nay, những cây cột và nhiều mảnh gỗ tại Lăng Ông vẫn được gìn giữ. Đặc biệt, đưa chúng tôi vào gian thờ trong cùng của Lăng, ông Bôi cẩn thận chạm tay vào những hủ cốt Ông. “Cứ vài ba năm là người làng lại vớt được xác cá Ông, cá Bà tấp vào bờ. Với ngư dân, điều đó có nghĩa là Ông Bà đã chọn làng biển này làm nơi yên nghỉ. Vì vậy, chúng tôi đưa xác cá Ông, cá Bà về làng chôn cất cẩn thận. Ba năm sau thì hốt cốt, làm lễ tế đưa vào Lăng thờ. Đến nay, tại Lăng có hàng chục bộ cốt Ông, cốt Bà” – ông Bôi kể với giọng tôn kính và tự hào về lịch sử trăm năm của làng biển.

“Biển trong chúng ta”

Biển nuôi lớn những đứa trẻ làng chài bằng những mẻ lưới đầy tôm cá, biển tạo nên những người đàn ông lưng trần cõng trên vai trên chiếc thuyền mà mắt lấp lánh niềm vui. Cả đời họ “ăn sóng nói gió”. Và, còn có một “Biển trong chúng ta” – dự án ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng, người dành 3 năm đi khắp dọc các miền biển từ Móng Cái đến Cà Mau, ghi lại những văn hóa biển tồn tại hàng trăm năm của người Việt, những cảnh đẹp của bờ biển quê hương. Ông khiến nhiều người thốt lên ngỡ ngàng.

Bởi, “Biển trong chúng ta” không chỉ đẹp rạng ngời mà còn xúc động lắm thay khi đời biển, đời người còn được kể bằng những câu ca dao thấm đẫm vị mặn của muối, của mồ hôi nước mắt những ngư dân Việt Nam.

Những văn hóa biển cho đến hôm nay vẫn được người dân gìn giữ

Xúc động bởi có câu “Lấy chồng nghề ruộng em theo. Lấy chồng làm biển hồn treo cột buồm”, thế nhưng vẫn còn đó hình ảnh người vợ ôm đứa con đợi chồng nơi bãi cát. Người đàn ông chạy đến ôm hôn hai mẹ con, tất cả khắc họa một tình cảm to lớn như biển khơi.Xúc động cũng bởi những yêu thương bình dị nhưng chan chứa “Không có gì bằng cơm với cá. Không có gì bằng má với con”, rằng “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.

Điều đó khiến chính NSNA Mỹ Dũng tâm đắc: “Biển giữ trong mình một nền văn hóa đồ sộ mà với tôi, đó là một trong những ngọn nguồn của dân tộc Việt Nam. Biển nuôi dưỡng những người con đất Việt không chỉ bằng tôm cá mà còn bằng một tình yêu lớn lao, dạy chúng ta cách đối nhân xử thế, cách sống hòa hợp với thiên nhiên. Vẻ đẹp của đời sống bên biển rất bình dị nhưng đi hết cuộc đời vẫn không thể hiểu hết về biển”.

Biển có còn dành cho chúng ta!

Đẹp đẽ là thế, nhưng trước cơn lốc đô thị hóa, ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hội Lịch sử Đà Nẵng phải nhìn nhận, văn hóa miền biển của Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng đang bị tổn thương! Các làng chài, cái nôi tín ngưỡng dân gian miền biển, không gian sinh tồn của làng nghề ngư nghiệp đang dần xa, dần qua. Kéo theo đó, quy mô cộng đồng cư dân ngư nghiệp bản địa ngày càng teo tóp, dẫn đến những đền miếu thờ Cá Ông, giếng cổ hoặc bị triệt phá xóa sổ, hoặc bị tách khỏi làng chài, khỏi cộng đồng cư dân ngư nghiệp và trở nên vô hồn, lạc lõng cô đơn giữa không gian xa lạ.

Nụ hôn của biển

“Một thành phố biển, dẫu hiện đại đến mấy cũng không thể không có những làng chài. Vì thế để gìn giữ nền văn hóa biển Việt Nam, không chỉ phải dành biển mà còn phải giành biển cho ngư dân trước nhiều tham vọng” – ông Tiếng chia sẻ.

Tận mắt chứng kiến những làng biển chết ở Bắc Trung Bộ, những manh lưới thay vì đầy cá thì nay đầy rác, NSNA Nguyễn Dũng trăn trở: “Cuộc sống của người ngư dân hiện nay không còn êm đềm như xưa. Họ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm môi trường, xả rác, xả thải. Nếu trước đây họ phải đối mặt với thiên tai thì nay, nhân tai còn đáng sợ hơn như vậy. Sức tàn phá của nó khiến cho một vùng biển bị chết, thuyền được ngư dân trùm những lớp vải trắng như đang đội tang! Tôi khao khát được nhìn thấy những bãi biển đầy ắp những con thuyền, người ngư dân có chỗ đứng trong đời sống hiện đại. Và đó sẽ là nơi giữ gìn văn hóa biển – một vốn liếng vô cùng lớn mà nếu phát triển được, đó là thứ tiềm năng để thu hút du khách tìm đến, chiêm ngưỡng.

Biển trong tôi đã mất đi ít nhiều nhưng biển của thế hệ tương lai sẽ còn mất đi nhiều hơn nữa bởi hành động của chính con người hôm nay. Xin đừng để những bức ảnh tôi chụp hôm nay, rồi 5 hay 10 năm nữa nó sẽ chỉ còn là bức ảnh. Chúng ta phát triển nhưng đừng mất đi cái gốc của mình, điều đã và đang nuôi dưỡng tâm hồn con người Việt”.

Buồn vui cùng chuyện đời biển với những trăn trở của những người làm văn hóa văn nghệ là vậy, nhưng có lẽ, chẳng ai yêu biển, hiểu biển như những người ngư dân.Giữa năm 2016 đến nay, Đà Nẵng có kế hoạch giảm số lượng tàu công suất nhỏ hơn 20CV. Điều này đồng nghĩa với những làng chài ven biển Nam Ô, Thọ Quang, Mân Thái sẽ gần như sạch bóng thuyền thúng. Câu chuyện về những người dân chài tối ra khơi, sáng về tôm cá đầy khoang trong nay mai cũng sẽ trở thành kí ức ngay giữa vùng đất biển.

Gặp mọi ngư dân Đà Nẵng bây giờ đều là những cái lắc đầu, khó nghĩ. Vậy mà, dù tự nhận là người ít chữ, ngư dân Nguyễn Dũng tại phường Thọ Quang lại có câu nói khiến nhiều người giật mình: “Chẳng biết mấy tòa nhà cao tầng thế nào chứ thuyền thúng, lưới mủng rồi cả dân chài lưới chúng tôi đều đã lên khung hình của du khách mà đi khắp thế giới. Hỏi thử dẹp chúng tôi rồi, khách đến đây còn gì để ngắm, để biết về làng chài này”. Đà Nẵng hay những chính mỗi người dân Việt, liệu có quên mất điều gì chăng.

THÙY TRANG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/bien--mien-van-hoa-trong-tung-hoi-tho-655849.ldo