Biến mất

Cuộc tìm kiếm từ lâu đã rơi vào tuyệt vọng, vào buổi sáng của ngày thứ mười trên biển.

Một người đàn ông bị sóng cuốn.

Anh bắt đầu cảm thấy mệt nhoài khi tìm không ra dấu vết. Như thể một trò chơi trốn tìm của biển, sự nhọc công cũng chỉ tựa muối bỏ bể. Ở phía văn phòng cứu hộ, người vợ đã chờ đợi từ rất sớm. Anh cố gắng lục lọi trong mớ ngôn từ ít ỏi của mình trong suốt hơn 20 năm làm nghề, lần nào cũng thấy cổ họng mình khô cứng. Cụm từ chúng tôi rất tiếc đã bao hàm cả sự bất lực trong đó, cố đi thêm chút nữa vào việc giải thích cũng giống như đang đi sâu vào một con đường cùng không lối thoát.

Không phải ai cũng đủ bình tâm để chấp nhận.

Người vợ không chấp nhận. Chết thì phải thấy xác, giọng chị rưng rưng, như thể đang cố bấu víu vào một thứ gì đó mông lung không sao cắt nghĩa được. Và khi ấy, một khoảng không bắt đầu hiện ra, giống như vừa có một cơn lốc trườn tới và cuốn phăng tất thảy mọi thứ trên đường đi của nó.

"Nếu thấy thì tụi tôi đã vớt lên rồi" - anh nói với giọng hơi kìm nén.

Bữa đó anh thấy mình quay ngược lại mươi ngày trước. Hình ảnh người đàn bà tìm đến đội cứu nạn để thông báo về một vụ mất tích. Hai vợ chồng đang bơi giữa biển thì mưa. Vài cơn mưa biển thì nhằm nhò gì, người chồng xẵng giọng. Nhưng mưa lớn quá, người vợ réo chồng chui vào khách sạn. Mỗi người luống cuống chạy vội tìm chỗ trú thân.

Chồng không theo sau.

Đợi hết một đêm dài trên biển, viễn cảnh chồng bị những con sóng níu chân cứ lởn vởn trong suy nghĩ. Sau này ý nghĩ đó cứ dằn vặt chị vì đã không chịu thông báo sớm hơn, biết đâu những con sóng kia đã không cuốn chồng tới một xó xỉnh nào đó của biển để rồi yên vị tại đó chẳng thể nào tìm ra.

***

Đội cứu hộ ngừng theo đuổi vụ này. Anh hiểu, có cố gắng đến mấy cũng không thể thắng nổi trước sức mạnh của biển, chỉ hy vọng một ngày nào đó cái xác tự nổi lên và một tàu cá đi ngang qua nhìn thấy và thông báo thì họa may. Những trường hợp như thế này không hiếm nhưng nó vẫn gây ra ám ảnh khi anh nhìn vào những cái xác đang biến dạng và bị cá rỉa không thương tiếc. Nhưng dù sao thì vẫn còn đỡ hơn những cái xác đang trôi nổi giữa lòng đại dương kia. Trời ơi, người ta chết đâu phải để lênh đênh kiểu đó, họ cần một nấm mồ, tạm bợ thôi cũng được, thiếu gì những ngôi mộ lẻ loi ở thị trấn này, dù sao nó cũng đủ ấm áp và ít nhiều nhang khói từ những người làm cứu hộ như anh.

Những ngày sau đó ở thị trấn, người vợ vẫn còn nán lại. Anh chứng kiến hình ảnh đơn độc của người đàn bà hết lang thang bờ bãi lại ngó nghiêng ra biển. Một sự vô vọng trong ánh nhìn. Người đàn bà địa phương biết chuyện, níu tay chị dò hỏi. Rồi từ vành môi của người đàn bà xa lạ, những câu chuyện cửa miệng được đem ra hong khô giữa cái nắng gay gắt của biển. Cũng là những vụ mất tích, người ta dựng lên thành những ngôi mộ gió, rồi thời gian bước nhẹ vài ba năm đã thấy người chợt xuất hiện, không phải từ trong những giấc mơ. Người bằng xương bằng thịt đàng hoàng, đang hạnh phúc và ấm êm bên cạnh người đàn bà khác và mấy đứa nhỏ. Lúc đó người ta ngầm tin, thế giới song song là có thật, nó thông nhau bởi cái tivi hay báo đài, khi đập vào mắt là hình ảnh quen thuộc của một người tưởng đã khuất.

Minh họa: Hoàng Đặng

Minh họa: Hoàng Đặng

Anh không biết người vợ có tin vào giả thiết đó hay không, chỉ biết chị ta vẫn đều đặn ghé văn phòng cứu hộ mỗi sáng. Có lẽ chị ta là người kiên trì nhất mà anh từng biết. Lần đó anh hiểu thêm một chút về người đàn bà này. Chị ta cũng là một trong những đứa trẻ có tuổi thơ không êm đềm, mẹ mất sớm, bố nghiện rượu nặng. Năm 12 tuổi, chị có thêm một người mẹ khác, rồi những đứa em ra đời, đi kèm theo đó là những trận đòn không cơn cớ. Điều đó cũng lý giải tại sao chị quyết định lấy một gã thuộc dạng lông bông nhất nhì trong xóm làm chồng, mà nói theo cách của chị, là để thoát ra khỏi ngôi nhà không có tiếng cười. Nhưng lúc đó anh lại nghĩ khác, nó giống như một sợi dây thừng, không trói ở chỗ này thì cũng chỗ khác.

Đây không phải lần đầu tiên chồng chị biến mất không dấu vết.

Những lần trước đó, chồng bỏ đi theo một sới bạc trên thuyền, sau khi vơ vét một ít tiền bạc mà chị dành dụm từ mấy đồng lời bán buôn ở chợ. Lần khác đã thấy chồng chạy theo đám dân chơi đá gà xa hơn trăm cây số. Dăm ba tuần nửa tháng lại thấy chồng xuất hiện tại nhà, tiều tụy. Chồng vội lùa cơm để ních vào cái dạ dày lép kẹp từ những trận đói của canh bạc. Những lần đó chị ngầm hiểu không phải vì mình mà đứa trẻ trong thân xác đàn ông này tìm về giống như lời thủ thỉ khi còn đứng trước cửa. Người ta luôn có những cái cớ cho sự trở về.

Không có đứa trẻ nào được sinh ra từ cuộc hôn nhân này, bởi những lần biến mất của chồng. Chị đã quá quen thuộc với những bữa làm công chóng vánh của chồng chỉ để phục vụ cho thói mê cờ bạc. Đi và trở về, làm được vài ngày, rồi lại đi. Một vòng tròn không lối thoát. Đôi lúc chị thèm nghe tiếng trẻ, hoặc ở một giây nào đó trong suy nghĩ, chị đã tin rằng những đứa trẻ sẽ thức tỉnh bản năng bao bọc của người đàn ông này. Biết đâu khi mang trên mình một chức danh, chồng sẽ trở thành một con người khác.

Vậy nên khi chồng chủ động đòi đi biển dài ngày, chị có hơi bất ngờ nhưng vẫn cố vịn vào cái giả thiết mình đặt ra. Rằng những đứa trẻ sẽ được sinh ra từ biển, sau khi chạy dọc theo quốc lộ chừng 20 cây số rồi men theo đường núi, là tới. Viễn cảnh đó khiến chị hạnh phúc, chỉ có điều trái với suy nghĩ của chị, nó lại là một sự biến mất khác, từ chồng.

***

Từ lời kể, anh bắt đầu xâu chuỗi lại câu chuyện. Anh cũng tự lý giải nguyên nhân tại sao chị không xuất hiện sớm hơn tại văn phòng cứu hộ khi chồng mất dấu. Có lẽ chị vẫn còn hồ nghi, nhưng dù gì cũng là một sinh mạng, nó không giống như cách chồng bất ngờ xuất hiện tại nhà và chờ đợi những bữa ăn dọn sẵn.

"Lần gần nhất hai người nói về gì?" - anh hỏi.

"Về biển".

Chồng luôn đặt ra những câu hỏi lúc chị diện đồ bộ khi xuống biển. Nhìn không hấp dẫn, chồng nói. Nhưng chị sợ phơi bày cơ thể dưới cái nắng của biển, bởi nó trưng trổ những vết sẹo từ những trận đòn. Những vết sẹo đó chồng đã thấy qua những đêm trăng sáng, nó giống như những thân rắn ngổn ngang uốn lượn sau lưng. Đôi lần cố trấn an bằng cách hôn lên những vết sẹo của vợ nhưng nó không đủ để chị xua đi cơn mặc cảm. Lần cuối cùng chị nhớ về chồng là hình ảnh người đàn ông chú mục vào thân hình rám nắng của một người phụ nữ khác. Lúc đó, chị ở bên kia đường mua vài chai nước ướp lạnh, chồng thì đang cười nói với người phụ nữ vừa gặp. Khi chị tiến lại gần, chồng nói nóng quá, rồi cả hai lao xuống biển.

***

Lần chia tay ở văn phòng trước khi chị về nhà, anh nhận ra rãnh trắng tròn trên vùng da chưa bị ăn nắng đã thế chỗ cho chiếc nhẫn cưới. Chị đã để lại nó ở một tiệm vàng, sau khi cố gắng chống chọi hơn nửa tháng ở thị trấn. Thời khắc đó anh biết, dù có nuôi hy vọng đến đâu đi nữa thì cuộc sống khắc nghiệt này sẽ khiến người ta phải lờ đi, bởi gánh nặng cơm áo không cho phép người ta trông mong vào những thứ mông lung trước mặt.

Vài hôm sau khi chị rời đi, anh ngạc nhiên khi tìm thấy người chồng. Không phải từ biển. Bữa đó, người chồng đi bên cạnh người phụ nữ với nước da rám nắng mà chị đã kể. Anh chợt nhận ra sau ngần ấy năm làm cứu hộ trên biển, người ta có thể biến mất theo một cách khác, không phải từ những con sóng cuốn…

Truyện dự thi của KAI HOÀNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/bien-mat-20190525203757002.htm