Biển là bộ phận cấu thành chủ quyền Tổ quốc

Từ ngàn xưa trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, cha ông ta đã xây dựng nên hình ảnh cha Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển, mẹ Âu Cơ dẫn 50 người con lên rừng. Hình ảnh này cho thấy tổ tiên ta không chỉ gắn bó với đất liền, với rừng xanh mà còn gắn bó với biển khơi. Tuy chỉ là truyền thuyết, nhưng hội đủ tầm tư duy chiến lược của cha ông ta đối với chủ quyền biển đảo.

Bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Ảnh: Hồng Quân

Bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Ảnh: Hồng Quân

Kể từ khi Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (938), xưng Vương, khôi phục nền độc lập của dân tộc, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ - kỷ nguyên Đại Việt, đến các thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê… các chiến công của quân và dân Đại Việt đều gắn liền với các chiến tích cửa sông, cửa biển.

Dưới thời Tây Sơn, Nguyễn Huệ đã tổ chức và phát triển mạnh kinh tế biển, xây dựng được một đội thủy quân hùng mạnh. Quân thủy Tây Sơn đã nhiều lần vào Nam ra Bắc đánh đổ hai triều đại phong kiến chúa Trịnh (ở Đàng Ngoài) và chúa Nguyễn (ở Đàng Trong). Năm 1785, Nguyễn Huệ đã trực tiếp chỉ huy quân thủy tấn công và giành thắng lợi vang dội trước quân Xiêm ở Rạch Gầm - Xoài Mút trong trận quyết chiến chiến lược lịch sử. Tiếp đó, đến năm 1816 Vua Gia Long xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và một số đảo khác…

Kế thừa và phát huy những giá trị về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải mà tổ tiên để lại, trong suốt những thế kỷ qua, dù trải qua bao biến thiên của lịch sử và thời đại, nối tiếp các thế hệ người Việt Nam đã đoàn kết một lòng, máu của những nghĩa sĩ, chiến sĩ đã hòa vào nước biển Đông xanh thẳm để kiên quyết giữ trọn chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Là một quốc gia biển, có diện tích mặt biển lớn và bờ biển dài, nên từ ngày giành độc lập (2/9/1945) đến nay, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế biển gắn với an ninh - quốc phòng nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của đất nước. Ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó nhấn mạnh: “Thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Khi năm cũ khép lại, năm mới 2021 mở ra, trước đó những con tàu nối đuôi nhau đưa những hàng Tết, “tình Tết” của bà con đất liền ra với quân, dân các đảo cũng là lúc trong tôi bất chợt vang lên những câu thơ của thi sĩ Huy Cận: “Biển cho ta cá như lòng mẹ/Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”; đến những giai điệu lãng mạn nhưng hào sảng trong bài hát “Chút thư tình người lính biển”: Cho dấu mai đây xa ánh đèn thành phố/Anh đến buông neo nơi thăm thẳm ánh sao trời/Anh vẫn thấy đời không lẻ loi/Biển một bên và em một bên/Đất nước gian lao không bao giờ bình yên/Cơn bão chưa ngưng trong tâm hồn biết bao người/Anh đứng gác trời khuy đảo vắng/Biển một bên và em một bên…

Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam”.

Ngày nay, trong bối cảnh thế giới có nhiều chuyển biến, toàn cầu hóa là xu thế không thể đảo ngược, nhưng vấn đề cạnh tranh địa chính trị đang diễn ra gay gắt giữa các quốc gia, đặc biệt giữa các nước lớn với nhau. Thêm vào đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan khiến tình hình thế giới nói chung, trong đó có vấn đề Biển Đông trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.

Là quốc gia ven biển, có diện tích mặt biển rộng lớn, có lợi ích gắn liền với Biển Đông, trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng xác định kiên quyết bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, bảo vệ lợi ích của chúng ta, quan điểm xuyên suốt của Đảng là không nhượng bộ vấn đề chủ quyền, lãnh hải, mọi tranh chấp đều phải giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp quốc.

Đồng thời thông qua diễn đàn quốc tế, các kênh ngoại giao đa phương và song phương để khẳng định về chủ quyền hợp pháp, chính đáng, phù hợp với lịch sử, các công ước, luật pháp quốc tế, của vùng biển nước ta.

Để bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh hải của Tổ quốc, để cụ thể hóa Nghị quyết 36 của Đảng, những năm qua Đảng, Nhà nước đã song hành đẩy mạnh phát triển quốc phòng gắn với phát triển kinh tế biển. Đồng hành cùng các chiến sĩ của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng vẫn ngày đêm giữ vững chủ quyền không phận, hải phận, đảo chìm, đảo nổi, đất liền của Tổ quốc là những cư dân không sợ phong ba, bão táp, nối tiếp nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác quanh năm chài lưới bám đảo, giữ biển. Ở các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Trường Sa, Thổ Chu, Phú Quý… các ngư dân ra khơi vừa để mưu sinh, vừa để góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc!

Một lão ngư chia sẻ với người viết: “Đi biển hiện tại so với trước đây khó khăn hơn rất nhiều. Nếu chỉ vì thu nhập, tôi có thể rời quê vô Sài Gòn làm ăn, song chúng tôi không đi vì đơn giản biển là quê hương mà tổ tiên để lại cho chúng tôi. Tôi và mọi ngư dân ở đây phải cùng với chính quyền ra sức bảo vệ”.

Lê Hà

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bien-la-bo-phan-cau-thanh-chu-quyen-to-quoc-117976.html