Biến khó khăn, thách thức thành những mùa quả ngọt

Thời gian qua, Hội Nông dân (ND) tỉnh Hậu Giang đã có sự phối hợp tốt với các sở, ngành trong tỉnh, đặc biệt là Sở NNPTNT về công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp hàng hóa thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH). Phóng viên Báo NTNN ghi nhận những đánh giá của ông Lê Văn Đời (ảnh) - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang.

Thưa ông, thời gian qua, Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với Hội ND tỉnh trong những hoạt động lớn nào?

- Trong những năm gần đây, tình hình sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến tiêu cực của BĐKH. Tình trạng này làm cho chất lượng nông sản không cao, kéo theo đầu ra sản phẩm chủ lực của tỉnh như lúa, mía, khóm, bưởi, cam sành, quýt đường, chanh không hạt, xoài cát Hòa Lộc, cá thát lát, cá rô… luôn gặp nhiều trở ngại, đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn.

Hoạt động phối hợp giữa Hội ND và Sở NNPTNT những năm qua đã giúp nông dân huyện Phụng Hiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. Ảnh: H.X

"Hội ND các cấp cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các bộ, ngành, địa phương, chỉ đạo Hội ND các cấp trong việc đẩy mạnh liên kết 5 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp, nhà ngân hàng) đạt hiệu quả. Làm được điều này, Hội sẽ góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nâng cao kiến thức kỹ thuật, tay nghề và đời sống của hội viên, nông dân”.

Ông Lê Văn Đời

Để góp phần vượt qua những khó khăn, thách thức nêu trên, Sở NNPTNT đã ký kết chương trình liên tịch với Hội ND tỉnh Hậu Giang trong việc hỗ trợ nông dân các địa phương phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc hỗ trợ này được cụ thể hóa qua việc thực hiện các đề án như đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi (Đề án 1.000); đề án phát triển trạm bơm điện; đề án cơ giới hóa trong sản xuất lúa, đề án nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã (HTX); dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT)…

Cũng nhờ phối hợp tốt giữa 2 ngành, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm đã giúp tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đạt được một số kết quả khả quan, đóng góp tích cực vào tỷ trọng tăng trưởng kinh tế, tỷ trọng tăng GRDP của tỉnh.

Cụ thể hơn, những hoạt động phối hợp đó đã mang lại hiệu quả ra sao?

- Đề án 1.000 mang lại hiệu quả rất khả quan (kinh phí tổng đề án là 63,5 tỷ đồng, với 778 hộ dân tham gia). Cụ thể, đề án đã giúp chuyển đổi hàng trăm ha vườn tạp, hàng trăm ha mía kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; chuyển đổi hàng trăm ha lúa 3 vụ sang 2 vụ lúa, 1 vụ màu và 2 vụ lúa, 1 vụ nuôi thủy sản; chuyển hàng trăm hộ dân chăn nuôi heo, gà nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung trên nền đệm lót sinh học.

Còn dự án VnSAT đã tuyên truyền, hướng dẫn hơn 10.000 nông dân tham gia chương trình sản xuất 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tham gia lớp tư vấn thành lập Tổ hợp tác, HTX.

Sở NNPTNT còn phối hợp Hội ND tỉnh tổ chức khảo sát và đề xuất đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị (trạm bơm, nhà kho, lò sấy, đường nội đồng, hạ thế điện, máy cấy…) cho nhiều đơn vị, HTX nằm trong các địa phương như xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy), xã Thạnh Hòa (Phụng Hiệp), xã Xà Phiên và xã Thuận Hưng (Long Mỹ).

Riêng đề án phát triển trạm bơm điện ứng phó với BĐKH đã đầu tư 45 trạm bơm (năm 2017 đầu tư 32 trạm bơm, năm 2018 đầu tư 13 trạm bơm) với tổng mức đầu tư lên đến 27 tỷ đồng.

Theo đánh giá của ông, việc phối hợp trên của 2 ngành có góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân trong sản xuất nông nghiệp không?

- Công tác phối hợp giữa Hội ND với Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang thời gian qua phần nào đã giúp cho nông dân trang bị thêm những kiến thức mới vào sản xuất. Đa số người dân đã có năng lực lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, có thể định hướng sản xuất, có kinh nghiệm hay giúp gia tăng năng suất trên cùng đơn vị diện tích.

Hiện nay, người dân đã có thể bắt đầu kết nối trực tiếp với thị trường, tiếp cận nhiều thông tin từ đó không chỉ sản xuất được những mặt hàng thị trường cần mà còn biết tìm ra những kênh tiêu thụ cho sản phẩm của mình một cách phù hợp nhất, qua đó tăng thu nhập, phát triển kinh tế nông hộ.

Chưa dừng lại ở đó, nông dân trên địa bàn tỉnh dần thay đổi nhận thức, tập quán, cách làm truyền thống của mình. Nhiều nông dân đã ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất góp phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh và tận dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi lãi suất của Nhà nước. Nông dân cũng chủ động hơn trong phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH.

Là lãnh đạo của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, ông có đề xuất, kiến nghị gì để hoạt động của Hội ND thiết thực, hiệu quả, sát tình hình nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới?

- Thời gian tới đây, Sở NNPTNT sẽ phối hợp tốt hơn nữa với Hội ND tỉnh để thực hiện các chương trình, dự án, đề án mà tỉnh Hậu Giang đề ra. Đồng thời, 2 đơn vị sẽ phối hợp giúp người dân hình thành thêm các mô hình liên kết sản xuất, kinh tế tập thể như tổ hợp tác, HTX sản xuất, dịch vụ đa ngành nghề, tiến tới hình thành các vùng sản xuất lớn, sản xuất tập trung và thích ứng với BĐKH.

Theo tôi, để hỗ trợ tốt hơn cho người dân các địa phương, Hội ND các cấp cần có biện pháp nâng cao năng lực cán bộ Hội. Cán bộ Hội có năng lực, trình độ cao, nhiệt tình trong công việc, gần với nông dân sẽ giúp nông dân thích ứng tốt với quá trình hội nhập của đất nước cũng như hỗ trợ nông dân thích ứng, ứng phó được những diễn biến phức tạp, cực đoan của BĐKH.

Xin cảm ơn ông!

Huỳnh Xây (thực hiện)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/bien-kho-khan-thach-thuc-thanh-nhung-mua-qua-ngot-938028.html