Biển Hội An liệu có tiếp tục 'nuốt chửng' 42 triệu Euro?

Hơn 200 tỷ đồng đã được đổ xuống bờ biển Cửa Đại và bây giờ Quảng Nam đang dự kiến rót tiếp 42 triệu Euro để tìm đáp án cho 'bài toán' mang tên sạt lở.

Dựng kè cứng và đê ngầm, Cửa Đại vẫn sạt lở

Thời gian vừa qua, các cơ quan, ban ngành từ Trung ương cho tới địa phương dành sự quan tâm sát sao đến diễn biến bồi lấp – sạt lở ở vùng biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Tất cả đều có chung nhận định, quá trình bồi lấp – sạt lở ở bãi biển một thời được ví von đẹp nhất châu Á này là hết sức phức tạp.

8km bờ biển Cửa Đại đã bị sóng biển công phá suốt 15 năm qua.

8km bờ biển Cửa Đại đã bị sóng biển công phá suốt 15 năm qua.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, vấn đề xói lở và bồi lấp ở Cửa Đại diễn biến theo mùa, bắt đầu từ năm 2004 đến nay.

Tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở là 8km, trầm trọng nhất là 2 năm qua với chiều dài 3km. Thậm chí, cách đây 5 năm, xói lở đã khiến khu resort Fusion Alya bị sập một phần lớn và dường như bị bỏ hoang khi chưa đưa vào sử dụng.

Để ứng phó với tình trạng sạt lở kéo dài triền miên suốt 15 năm qua, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học nhằm tìm phương án tối ưu “giải cứu” bờ biển Cửa Đại.

Những giải pháp như đóng cọc tre hay bồi cát vào vị trí xói lở chưa mang lại hiệu quả.

Đến thời điểm hiện tại, 3 giải pháp mang tính xử lý khẩn cấp để đối phó với tình trạng sạt lở ở Cửa Đại được áp dụng là: Làm kè cứng, đê mềm cách bờ 200m và bổ sung cát vào các điểm xói lở.

Tuy nhiên, hết thảy những phương án trên đều mang tính chất tạm thời và bằng chứng là Cửa Đại vẫn chưa thôi “điệp khúc” sạt lở từ năm này qua năm khác.

Ngay cả tuyến kè cứng kèo dài 714m từ khách sạn Sunrise đến khu resort Fusion Alya cũng thường xuyên lâm vào tình cảnh bị sóng biển công phá tan tành vào mùa mưa bão.

Ngay cả tuyến kè cứng kéo dài 714m này cũng thường xuyên bị sóng biển công phá vào mùa mưa bão.

Hơn 200 tỷ đồng đã được đổ xuống biển Cửa Đại theo các giải pháp mang tính xử lý khẩn cấp.

“Trăm phương nghìn kế” của chính quyền địa phương suốt hàng chục năm qua rõ ràng chưa thể giải quyết dứt điểm vấn đề xâm thực ở bãi biển Cửa Đại.

42 triệu Euro liệu có giải được “bài toán” sạt lở?

Nhiều năm hứng chịu sạt lở, Cửa Đại đã đón không biết bao nhiêu đoàn chuyên gia, nhà chức trách từ khắp 5 châu đến khảo sát, hiến kế.

Mới đây nhất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Tài nguyên & Môi trường cùng Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan – bà Cornelia Van Nieuwenhuizen có chuyến thực tế khu vực bờ biển Cửa Đại.

Tại đây, nhà chức trách cùng chuyên gia Hà Lan đã gợi ý Việt Nam nên xây đảo nhân tạo ngay tại vùng biển Cửa Đại và cho rằng đó là điều hoàn toàn phù hợp.

Trước những ý kiến đóng góp của Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước cùng chuyên gia Hà Lan, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà bày tỏ, việc xây dựng đảo nhân tạo là một ý tưởng hết sức táo bạo.

Trong khi đó, ở buổi tiếp đón đoàn công tác của Quốc hội do ông Phùng Quốc Hiển (Phó Chủ tịch Quốc hội) dẫn đầu khảo sát vùng biển Cửa Đại, ông Đinh Văn Thu (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) đã trình bày kế hoạch chống sạt lở ở Cửa Đại.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (áo xanh, ở giữa) dẫn đầu đoàn công tác tại chuyến khảo sát thực tế bãi biển Cửa Đại vào ngày 25/4.

Ông Thu cho biết, tỉnh Quảng Nam đã lập phương án trình Chính phủ và xin cấp vốn đầu tư 700 tỷ đồng để triển khai thêm tuyến đê ngầm, nuôi bãi, kè bờ và nạo vét ngay ở khu vực bờ biển thuộc bãi tắm Cửa Đại. Phạm vi đề xuất dự án kéo dài 2,5km tại đoạn xảy ra sạt lở nghiêm trọng nhất.

Ngoài ra, cũng theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, một dự án mang tính lâu dài trị giá 42 triệu Euro cũng đang được chuẩn bị thực hiện nhằm giải quyết triệt để sạt lở ở Cửa Đại.

Với 42 triệu Euro, liệu Cửa Đại có thoát khỏi cảnh bị xâm thực hay tất cả lại “đổ sông đổ biển” như hàng chục năm qua?

Địa phương đã mời các chuyên gia quốc tế và trong nước nghiên cứu, lập chủ trương đầu tư 42 triệu Euro. Cụ thể, 2 nhóm chuyên gia nước ngoài đến từ Pháp và Nhật cùng các chuyên gia hàng đầu Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu phương án tối ưu”, ông Thu nói.

Như vậy, sau khi đầu tư cả trăm tỷ đồng để ứng phó với sạt lở, giờ đây, Cửa Đại đang hướng đến việc được rót thêm 42 triệu Euro.

Và với ngần ấy số tiền, liệu Cửa Đại có thoát khỏi cảnh bị xâm thực, hay tất cả lại “đổ sông đổ biển” như hàng chục năm qua?

Ngoài vấn đề sạt lở, việc ở hạ nguồn Cửa Đại hình thành đảo cát cũng đang khiến dư luận xôn xao.

Cồn cát khổng lồ hình thành ở Cửa Đại cũng đang khiến dư luận xôn xao.

Theo đó, cồn cát này đã xuất hiện từ rất lâu. Tuy nhiên, đến tháng 2/2018, cồn cát mới nhô lên mặt nước. Đặc biệt, từ tháng 2/2019, tốc độ bồi bắt đầu nhanh hơn.

Đảo cát hiện tại có kích thước như sau: Diện tích phần nổi: 13,625ha, chu vi: 3,649km, chiều dài (2 điểm xa nhất): 1.126m, chiều rộng lớn nhất: 220m, chiều cao trung bình so với mặt nước biển: 2m.

THANH BA

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bien-hoi-an-lieu-co-tiep-tuc-nuot-chung-42-trieu-euro-d471585.html