Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030

Tại Hội nghị trực tuyến về bệnh lao, các chuyên gia cho biết, cũng như bệnh COVID-19 đang được thế giới quan tâm hiện nay, bệnh lao là bệnh lây nhiễm. Tuy nhiên, lao là bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được sự quan tâm và chung tay của cả cộng đồng, mục tiêu loại bỏ bệnh lao vào năm 2030 của Việt Nam sẽ sớm trở thành hiện thực.

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 - bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện, là mối quan tâm của tất cả các quốc gia trên thế giới. Dù là một căn bệnh truyền nhiễm, nhưng bệnh lao đã tồn tại 140 năm qua, khiến khoảng 10 triệu người mắc bệnh và gây ra cái chết cho 1,5 triệu người mỗi năm.

Lần đầu tiên tổ chức Hội nghị trực tuyến đặc biệt về bệnh lao

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi trung ương, chưa bao giờ có một hội nghị trực tuyến về bệnh lao đặc biệt như vậy trong Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3/2020. Tất cả những người tham gia đều trong hình ảnh đeo khẩu trang phòng chống dịch COVID-19.

116 điểm cầu là các chuyên gia, các y bác , nhân viên y tế có nhiều năm gắn bó với công tác phòng chống lao, thậm chí Hội nghị đã kết nối với một số trung tâm y tế huyện như huyện Chi Lăng, huyện Cần Giờ. Điều này chứng tỏ bệnh lao được sự quan tâm nhiều hơn của các y bác sĩ và của cả cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Nguyễn Trường Sơn

Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Nguyễn Trường Sơn

Tại Việt Nam, mỗi năm, bệnh lao khiến cho 174.000 người mắc và 13.000 ca tử vong, bao gồm cả lao/HIV, bệnh xảy ra ở tất cả các tỉnh thành phố trên cả nước. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nói: “Với tinh thần chống COVID-19 không quên chống lao, đây là cơ hội để chúng ta cùng nhau chấm dứt bệnh lao”.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cho biết, năm 2019 là một năm thành công của chương trình chống lao, ngoài việc duy trì phát hiện và điều trị có chất lượng, chương trình đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới với phương pháp tiếp cận hiệu quả như việc phát hiện chủ động dựa trên sàng lọc bằng X-quang sau đó khẳng định bằng xét nghiệm X-pert. Chiến lược “2X” (X-quang – X-pert) phát hiện chủ động đạt hiệu quả cao gấp 7 lần so với phát hiện thụ động hiện nay. “Việt Nam đạt thành công bước đầu góp phần ngăn chặn dịch COVID-19. Đây là cơ hội thuận lợi để giúp cả hệ thống chính trị ý thức được bệnh lao là bệnh truyền nhiễm lây qua hô hấp. Vì vậy, chúng ta tập trung quyết liệt giống như phòng, chống COVID-19”, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nói.

Việt Nam vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 57%, còn tới 43% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và báo cáo trong cộng đồng. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức cao, trên 90% với bệnh nhân lao mới, 75% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn, tỷ lệ điều trị thành công bệnh nhân lao mới trên thế giới là 85%, con số này ở bệnh nhân kháng đa thuốc là 56%.

Mục tiêu của Chương trình chống lao quốc gia là đến năm 2030 giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân, giảm số người chết do bệnh lao.

Mặc dù bệnh lao là một bệnh lây nhiễm, tuy nhiên, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn. Nếu công tác phòng chống lao nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức, được sự chung tay của các cấp, các ngành và của cả công đồng, mục tiêu loại bỏ bệnh lao vào năm 2030 hoàn toàn có thể thực hiện được.

Theo PGS Nhung, chìa khóa để chấm dứt bệnh lao chính là việc phát hiện chủ động, phát hiện sớm, điều trị triệt để. Trong thời gian tới, với việc ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng phác đồ mới của thế giới trong 6 tháng, việc phát hiện và điều trị lao hy vọng sẽ có một bước đột phá mới.

Hội nghị trực tuyến phòng chống bệnh lao

Cần một chiến lược phòng chống bệnh lao trong giai đoạn mới

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị, trong thời gian tới Chương trình chống lao quốc gia phải có đề xuất với Bộ Y tế chiến lược phù hợp cho giai đoạn mới để định hướng thực hiện Chương trình chống lao Quốc gia tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Thứ 2, xây dựng trình dự thảo Chỉ thị tăng cường phòng chống bệnh lao tiến tới chấm dứt bệnh lao năm 2030 và Chương trình hành động quốc gia phòng chống bệnh lao 2020-2030 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thứ 3, Chương trình cần đề xuất các quy định liên quan đến việc chấm dứt bệnh lao để đưa vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Y tế, công tác truyền thông về phòng chống bệnh lao cần phải có những bước đột phá hơn nữa, vận động các cấp chính quyền và cộng đồng tham gia làm sao phát hiện sớm và nhiều nhất các trường hợp lao, điều trị, quản lý với kết quả cao, kể cả lao thường và lao kháng thuốc

Về vấn đề hậu cần thuốc và trang thiết bị, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị khẩn trương lập kế hoạch năm 2021 và phương án nguồn vốn để bảo đảm đủ thuốc chống lao, vật tư y tế điều trị cho bệnh nhân lao. Chương trình cần chuẩn bị tốt cho việc chuyển đổi nguồn kinh phí từ nhà nước sang sử dụng kinh phí bảo hiểm y tế cho thuốc chống lao. Bên cạnh ngân sách nhà nước, Chương trình cần tiếp tục tranh thủ vận động sự ủng hộ từ các đối tác, nhà tài trợ quốc tế cả về kỹ thuật và tài chính... cho công tác phòng, chống lao tại Việt Nam.

Hải Yến

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bien-hiem-hoa-covid-19-thanh-co-hoi-de-viet-nam-cham-dut-benh-lao-vao-nam-2030-n170850.html