Biên giới Việt Nam - Lào trước khi Pháp xâm lược Đông Dương (bài 15)

Việt Nam và Lào là hai quốc gia láng giềng cùng nằm trên bán đảo Đông Dương. Nhân dân hai nước đã gắn bó với nhau trong quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước, có mối quan hệ láng giềng thân thiện, có truyền thống hữu nghị từ lâu đời.

Mặc dù là hai quốc gia có quá trình lập quốc khác nhau, nhưng do có chung các dải núi cao từ Phu Xám Sấu đến dãy Trường Sơn, cho nên biên giới giữa hai nước cơ bản đã hình thành trên thực tế và nhìn chung đều được chính quyền địa phương và nhân dân hai bên thừa nhận, tôn trọng. Tuy nhiên, biên giới giữa hai nước cũng trải qua nhiều biến động.

Đầu thế kỷ XIV, phía Tây Việt Nam có một quốc gia lớn đã hình thành và phát triển, đó là Vương quốc Lạn Xạng (Vạn Tượng). Nhưng sau đó, Vương quốc Vạn Tượng từng bước suy tàn. Năm 1770, Xiêm La cường thịnh đã đánh chiếm hết đất đai ở hữu ngạn sông Mê Kông của Lạn Xạng sát nhập vào Xiêm (gồm 13 Mường Lào là Nọng Khai, Na Khon, Mục Đa Hán, Khôn Khều, U Đông, Bát Sác... tức là vùng Đông Bắc của Thái Lan ngày nay).

Năm 1828, Xiêm lại đánh Vạn Tượng (Lạn Xạng) lần thứ hai và đến năm 1829, chiếm nốt Viêng Chăn. Đến đây, nước Lạn Xạng do Phạ Ngừm xây dựng từ thế kỷ XIV hoàn toàn bị tiêu diệt (trừ Vương quốc Lão Qua đã đổi là Vương quốc Nam Chưởng và thuần phục nhà Nguyễn).

Vào cuối thế kỷ XIX (1880 - 1885), trong lúc triều đình nhà Nguyễn bận đối phó với thực dân Pháp, Xiêm đánh chiếm Nam Chưởng cùng với các vùng đất của Việt Nam ở phía tả ngạn sông Mê Kông.

Thực dân Pháp phân định lãnh thổ Đông Dương và sự hình thành biên giới Việt Nam – Lào

Sau khi chiếm xong Việt Nam (1884) và Cao Miên (1868), chính quyền Pháp chia các vùng đất mới chiếm đóng thành các xứ với các chế độ chính trị khác nhau để cai trị. Trong đó, Việt Nam bị Pháp chia làm ba xứ là Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, còn Cao Miên là một xứ. Đồng thời, nhận thấy các vùng đất phía Đông sông Mê Kông mà Xiêm mới chiếm là đất của Việt Nam và Cao Miên, nên Pháp đã gây sức ép buộc Xiêm phải trả lại. Trước sức ép của Pháp, Xiêm đã buộc phải ký hòa ước Pháp - Xiêm (03/10/1893), trả lại cho Pháp những vùng đất mà Xiêm đã chiếm của Việt Nam và Cao Miên, kể cả một số mường Lào ở phía Đông sông Mê Kông.

 Khu vực cửa khẩu Nậm Cắn biên giới Việt - Lào. Đây là một khu liên hợp với đầy đủ các dịch vụ như: Tạp hóa, phòng nghỉ trọ, bưu điện, cây xăng, .. phục vụ cho dân vận tải. Ảnh: Sơn Phạm.

Khu vực cửa khẩu Nậm Cắn biên giới Việt - Lào. Đây là một khu liên hợp với đầy đủ các dịch vụ như: Tạp hóa, phòng nghỉ trọ, bưu điện, cây xăng, .. phục vụ cho dân vận tải. Ảnh: Sơn Phạm.

Năm 1893, Pháp thành lập hai cụm Thượng Lào và Hạ Lào trên cơ sở những đất đai còn lại của Ai Lao cũ được Xiêm trả lại. Các cụm Thượng Lào và Hạ Lào là hai đơn vị hành chính độc lập và ở mỗi cụm Lào, Pháp đều đặt một đạo quan binh do một viên chỉ huy cấp cao trực thuộc Toàn quyền Đông Dương trực tiếp cai quản.

Ngày 30/9/1893, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định thành lập hai đạo Sông Khôn và Cam Môn thuộc sự quản lý của triều đình Huế và Khâm sứ Trung Kỳ trên cơ sở những đất đai còn lại của Việt Nam mà Xiêm buộc phải trả lại.

Năm 1895, để tạo cơ sở thành lập xứ Ai Lao sau này, Toàn quyền Đông Dương quyết định sát nhập hai đạo Sông Khôn và Cam Môn vào khu Quan Binh, Hạ Lào.

Năm 1899, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh hợp nhất hai vùng Thượng Lào và Hạ Lào thành một đơn vị hành chính Lào thống nhất và gọi là xứ Ai Lao. Như vậy là xứ Ai Lao trong Đông Dương thuộc địa ra đời trên cơ sở những mường Lào còn lại và những vùng đất đai rộng lớn của Việt Nam trước đây.

Sau khi thành lập xứ Ai Lao, từ năm 1893 đến 1905, nhà cầm quyền Pháp đã có một số điều chỉnh đất đai giữa Ai Lao với các xứ khác. Sau giai đoạn này, lãnh thổ các xứ trong Đông Dương cơ bản đã được ổn định, nhà cầm quyền Pháp đã bắt đầu phân định ranh giới giữa các xứ trong Đông Dương. Đối với biên giới Việt - Lào, sự phân định chỉ được thực hiện ở đoạn ranh giới giữa Ai Lao và Trung Kỳ (thực tế cũng chỉ thực hiện được một phần). Cụ thể, ngày 27/12/1913, có quyết định thành lập Ban phụ trách tiến hành phân định biên giới giữa Trung Kỳ và Lào (từ Hà Trại đến ngã ba Việt - Lào - Cao Miên), nhưng cho đến ngày 12/10/1916, khi Toàn quyền Đông Dương ra nghị định ấn định biên giới giữa Trung Kỳ và Lào cũng chỉ xác định rõ biên giới từ Hà Trại đến Thừa Thiên, còn đoạn phía Nam chưa bàn đến. Như vậy, toàn bộ phần biên giới Việt - Lào còn lại chưa được Pháp phân định.

Đặc điểm đường biên giới giữa Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Ai Lao trên bản đồ của Pháp

Từ năm 1908 đến năm 1934, nhà cầm quyền Pháp đã cơ bản hoàn thành việc khảo sát, đo đạc trên thực địa để thể hiện ranh giới hành chính giữa Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Ai Lao lên bản đồ Đông Dương do Pháp xuất bản.

Theo thống kê của Cục Đo đạc bản đồ Nhà nước, trong những năm 1957 - 1964, trên loại bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản (loại bản đồ mà sau này Việt Nam và Lào dùng làm căn cứ chính để giải quyết đường biên giới Việt Nam - Lào), ranh giới giữa Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Ai Lao có những đặc điểm sau:

- Toàn bộ ranh giới có chiều dài tổng cộng 2.095 km được thể hiện trên 48 mảnh bản đồ. Trong đó có 812 km được biên vẽ trên cơ sở kết quả đo đạc tại thực địa (chiếm 38,7 %) còn lại 1.282,8 km là được biên vẽ trên cơ sở ảnh chụp từ máy bay (chiếm 61,3 %);

- Trên 48 mảnh bản đồ, còn có bảy đoạn dài khoảng 4,5 km đường ranh giới được thể hiện ở các khu vực chưa có địa hình (địa hình để trắng) và tám khu vực chưa thể hiện đường ranh giới.

- Bản đồ của Pháp tái bản nhiều lần, sau mỗi lần tái bản đều có sửa chữa nên các mảnh bản đồ cùng ký hiệu nhưng năm in khác nhau, đường ranh giới cũng được thể hiện khác nhau.

Cách thị trấn Mộc Châu 30 km, đỉnh Pha Luông được ví như nóc nhà của Mộc Châu, nằm giữa biên giới Việt - Lào. Từ đồn biên phòng Pha Luông ở chân lên tới đỉnh núi phải mất 3 - 4 tiếng đi bộ.

Cho đến năm 1945, biên giới (thực chất là ranh giới hành chính) giữa các xứ trong Đông Dương đã dần dần ổn định trên thực tế và sau khi Việt Nam và Lào cùng giành được độc lập, ranh giới hành chính giữa các xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Ai Lao đương nhiên trở thành biên giới do lịch sử để lại (xin lưu ý: không phải là biên giới lịch sử) giữa hai nước Việt Nam và Lào. Do được hình thành trên thực tế và trải qua quá trình quản lý lâu dài, đã trở thành tập quán nên phần lớn đường biên giới đó được nhân dân hai bên thừa nhận là đường biên giới Việt Nam - Lào (đường biên giới do lịch sử để lại).

Cần phải nói thêm là, trong các loại bản đồ địa hình do nhà cầm quyền Pháp xuất bản trong thời gian cai trị Đông Dương, thì loại bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000, tuy còn có nhiều hạn chế nhưng là loại bản đồ chính xác nhất, thể hiện đường biên giới đầy đủ nhất và tương đối phù hợp với đường biên giới mà hai bên đang quản lý ở giai đoạn cùng giành được độc lập (1945).

Phạm Bích Phấn

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/bien-gioi-viet-nam-lao-truoc-khi-phap-xam-luoc-dong-duong-bai-15-114450.html