Biên giới Tây Nam: Hàng lậu được kìm hãm nhờ tăng cường kiểm soát

Thuốc lá điếu, đồ điện gia dụng, điện lạnh cũ, mỹ phẩm… là những mặt hàng buôn lậu phổ biến ở các tỉnh biên giới Tây Nam. Tuy nhiên trong hai năm qua, nhờ sự chỉ đạo thống và tăng cường kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường, hoạt động buôn lậu những mặt hàng này đã được kìm hãm đáng kể.

Tại khu vực biên giới Tây Nam, theo đánh giá của ngành quản lý thị trường (QLTT), tình hình vận chuyển hàng lậu qua biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp, gia tăng về phương thức hoạt động, được tổ chức thành nhóm, đường dây chặt chẽ; thuê người theo dõi thường xuyên mọi hoạt động của các lực lượng chống buôn lậu để đối phó. Tuy nhiên, kể từ khi kiện toàn bộ máy QLTT theo nguyên tắc tập trung thống nhất, lực lượng QLTT các địa phương đã tăng cường nhân lực, tần suất kiểm tra; tổ chức phối hợp chặt với các lực lượng, đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra và xử lý. Nhờ đó, hoạt động buôn lậu hàng hóa qua biên giới đã được kéo giảm, không còn diễn ra công khai, manh động như trước.

Lực lượng chức năng bắt giữ thuốc lá lậu tại Long An

Lực lượng chức năng bắt giữ thuốc lá lậu tại Long An

Ông Hồng Văn Hoàng - Cục phó QLTT kiêm Phó Ban Chỉ đọa 389 tỉnh Tây Ninh đánh giá: thời gian gần đây ở Tây Ninh tình hình buôn lậu không còn hoạt động manh động như trước, tuy nhiên tình hình vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn còn phức tạp, nhất là một số mặt hàng như thuốc lá, đường cát, đồ tiêu dùng… Đơn cử như các khu vực cửa khẩu Xa Mát, Kà Tum, Phước Tân, Mộc Bài hoạt động buôn lậu vẫn còn diễn ra với tính chất nhỏ lẻ, do các cư dân chẻ nhỏ vận chuyển hàng qua hai bên cánh gà cửa khẩu. Một số doanh nghiệp lợi dụng loại hình quá cảnh khi xuất khẩu hàng hóa sang Campuchia, sau đó tổ chức vận chuyển vào Việt Nam qua các đường mòn tiểu ngạch.

Thuốc lá nhập lậu bị thu giữ

Còn ở An Giang, theo ông Huỳnh Ngọc Hồ - Phó Cục trưởng phụ trách Cục QLTT kiêm Phó Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, từ sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Cục QLTT, lực lượng QLTT An Giang đã tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp với các lực lượng kiểm soát chặt khu vực biên giới, góp phần khống chế hàng hóa nhập lậu qua biên giới.

Cụ thể, trong tháng 10/2020, các lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã phát hiện 187 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu với tổng trị giá hàng hóa khoảng 4,8 tỷ đồng. Trên tuyến biên giới, lực lượng tuần tra, kiểm soát liên ngành kiểm tra đã bắt giữ 80 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa hơn 3,5 tỷ đồng. Tính trong 10 tháng đầu năm 2020, đã phát hiện 1.950 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa 49,44 tỷ đồng; tổng số tiền xử phạt và bán hàng tịch thu 19,52 tỷ đồng. Trong đó đã bắt giữ 920.357 gói thuốc lá và 342.174 kg đường cát nhập lậu.

Trên địa bàn khu vực biên giới Long An trong 9 tháng 2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện gần 2.600 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kém chất lượng; trong đó có gần 1.100 vụ kinh doanh, vận chuyển hàng lậu. Ông Phạm Đức Chinh - Cục trưởng QLTT kiêm Phó Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An - thông tin, công tác phòng chống buôn lậu thời gian qua đạt được hiệu quả khá tích cực, đây là kết quả của việc lực lượng QLTT tỉnh Long An ra quân thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ Công Thương, Tổng Cục QLTT về công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn.

Trong nội địa, lực lượng QLTT các tỉnh cũng liên tục tham gia đoàn kiểm tra liên ngành các cấp kiểm tra giá thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế và giám sát việc tuân thủ các quy định trong kinh doanh trong mùa đại dịch Covid-19. Kết quả, đa phần các cơ sở kinh doanh đều chấp hành tốt các quy định, không xuất hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý và kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng.

Thời gian tới, để đẩy lùi hàng hóa nhập lậu qua biên giới cũng như tình trạng buôn bán hàng lậu trên thị trường nội địa, lực lượng QLTT các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Long An… cho biết sẽ chỉ đạo các Đội QLTT thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn. Công việc cụ thể gồm tập trung lực lượng để kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu hàng hóa qua biên giới, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc. Các mặt hàng được kiểm soát chặt gồm thuốc lá điếu ngoại, đường cát nhập lậu. Qua đó tích lũy kinh nghiệm để làm cơ sở cho những giải pháp sát với thực tiễn, đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết nhiệm kỳ 2020 - 2025 và góp phần lập lại trật tự thị trường hàng hóa, tiếp sức cho hoạt động sản xuất hàng hóa trong nước cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bien-gioi-tay-nam-hang-lau-duoc-kim-ham-nho-tang-cuong-kiem-soat-146279.html