Biên giới là quê hương

Không chỉ hiến dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân cho biên cương Tổ quốc, rất nhiều người lính Biên phòng còn gắn bó cả cuộc đời mình với biên giới, hải đảo xa xôi. Giấu những gian lao, nhọc nhằn, chịu đựng những gió sương, gian khổ, người chiến sĩ Biên phòng lặng thầm canh giữ miền đất Mẹ để mảnh đất quê hương luôn bình yên. Họ chính là những 'nốt trầm' trong bản nhạc hoan ca mùa Xuân…

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý tuần tra bảo vệ biển, đảo. Ảnh: Đăng Bảy

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý tuần tra bảo vệ biển, đảo. Ảnh: Đăng Bảy

Hơn 7.000 ngày gắn bó với hải đảo xa xôi

Chưa phải là “lão làng”, nhưng Thượng tá Đặng Văn Mạnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Sơn, BĐBP Kiên Giang lại có thâm niên gần 20 năm liên tục bám trụ ở những hòn đảo xa xôi như Nam Du, Hòn Sơn (huyện đảo Kiên Hải). Hơn 7.000 ngày ròng rã công tác nơi hải đảo ngàn trùng sóng vỗ, dấu chân anh đã in mòn trên những hòn đá, nẻo đường tuần tra. Anh Mạnh kể, chu vi trên 16km bao quanh đảo cũng chính là đường tuần tra bộ, ngày nào cũng in dấu chân anh và các chiến sĩ Biên phòng. Gắn bó với đảo Hòn Sơn 11 năm, anh nhớ từng gềnh đá ở đảo, biết tên và rành từng mái nhà người dân trong xã.

Đến năm 2012, anh lại được cấp trên tin tưởng điều ra xã đảo Nam Du - hòn đảo xa xôi, khó khăn thuộc hàng thứ 2 của tỉnh Kiên Giang (chỉ sau xã đảo Thổ Chu). Sau 8 năm làm người “đứng mũi chịu sào” nơi đầu sóng ngọn gió, đầu năm 2018, Thượng tá Mạnh lại được cấp trên điều quay trở lại đảo Hòn Sơn. Bàn chân anh lại tiếp tục in dấu trên những hòn đá, những nẻo đường tuần tra xưa kia anh và đồng đội đã đi qua.

Thượng úy Phạm Nguyễn Chiến tâm sự, 4 năm rồi chưa có điều kiện đưa vợ con về quê Lạng Sơn. Tết này, anh lại xung phong trực ngoài đảo. Và đêm 30 Tết, cả nhà sẽ đưa nhau lên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý đón giao thừa như mọi năm…

Thượng tá Mạnh kể, ngày anh khoác ba lô ra đảo, cậu con trai đầu vừa tròn 1 tuổi, nay cháu đã học đại học năm thứ 2. Đó cũng là cái mốc để nhắc anh nhớ rằng, đã 20 năm nay chưa lần nào anh được đón Tết cùng vợ con. Anh nói, năm nào cũng trực ở đảo, quen đến nỗi “nghiện” cái không khí ở đảo luôn. Thông cảm với công việc của người lính, đã không ít lần vợ con anh dắt díu nhau, đi tàu đò từ Rạch Giá ra tận đảo Hòn Sơn, đảo Nam Du thăm chồng...

Sinh ra ở Thái Thụy, Thái Bình, nhưng trong chặng đường 33 năm quân ngũ, Thượng tá Đặng Văn Mạnh đã có 30 năm gắn bó với biên giới, biển đảo Kiên Giang. Mảnh đất đầy ắp tình người nơi cuối trời Tổ quốc này đã níu chân và trở thành quê hương thứ hai của anh. Và Tết này “cũng giống Tết xưa”, Thượng tá Mạnh lại trực ngoài đảo xa. Để rồi những ngày Xuân, anh lại cùng đồng đội sải bước tuần tra trên những con đường xưa cũ…

“Nghệ nhân kết bè”

Gặp nhau nơi “thâm sơn cùng cốc” của biên giới Bình Phước, tôi rất ấn tượng với biệt danh “nghệ nhân kết bè” mà đồng đội dành tặng cho Thiếu tá chuyên nghiệp Cao Hoài Sơn. Tính tình vui vẻ, xởi lởi, Thiếu tá Sơn kể, sông Đa Quýt, đoạn chạy dọc theo đường biên giới do đơn vị quản lý, có nơi rộng tới 60-70m, nhiều chỗ nước chảy xiết, có đá ngầm hoặc búng nước sâu nên rất nguy hiểm. Vào mùa mưa, mỗi lần đi tuần tra biên giới, anh em phải kết bè để đi từ điểm biên giới đầu nguồn đến đoạn cuối nguồn.

Hơn 10 năm gắn bó với Đồn Biên phòng Bù Gia Mập, anh đã có hàng trăm chuyến tuần tra bảo vệ biên giới. Chỉ 16,5km đường biên giới với 7 vị trí mốc phụ, nhưng mỗi đợt tuần tra, các anh phải mất gần 2 ngày vượt sông, cắt rừng với nhiều vất vả, hiểm nguy. Mỗi lần đi là một lần kết bè. Là người to khỏe, nhanh nhẹn, có kinh nghiệm nên Thiếu tá Sơn luôn đảm nhiệm vai trò chính từ việc chặt lồ ô cho đến kết bè. Làm riết rồi thành quen, anh được anh em trong đơn vị mệnh danh là “nghệ nhân kết bè”. Dẫu còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng Thiếu tá Sơn và anh em trong đơn vị vẫn luôn đoàn kết, lạc quan, hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc đoạn biên giới được giao...

Khi tôi viết những dòng này thì Thiếu tá Sơn và đồng đội đang chuẩn bị đón Tết ở đơn vị mới - Đồn Biên phòng Đắk Nô (thành lập tháng 11-2019). Nơi đây cách đơn vị cũ hơn 20km, nhưng khó khăn, gian khổ hơn nhiều. Không điện, không đường, không nước sạch và không sóng điện thoại.

Tôi rất cảm phục tinh thần lạc quan của Thiếu tá Sơn và đồng đội của anh ở nơi biên giới gian nan này. Anh nói, lính Biên phòng mình ở đâu cũng vất vả như nhau. Quan trọng là mình vượt qua được khó khăn để hoàn thành trọng trách mà đơn vị giao.

Biển đảo là quê hương

Ở đảo Phú Quý (Bình Thuận), có hơn 20 quân nhân của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý lấy vợ, gắn bó với hòn đảo này. Trò chuyện với “Hội đồng rể Biên phòng đảo Phú Quý”, tôi ấn tượng với 2 quân nhân trẻ, quê ngoài Bắc, đẹp trai, khỏe mạnh, đã chọn hòn đảo này để “gửi gắm đời trai”.

Người dân địa phương cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bù Gia Mập gói bánh chưng đón Tết. Ảnh: Hồng Ánh

Thượng úy Phạm Nguyễn Chiến quê ở thành phố Lạng Sơn, trước kia từng là vận động viên whusu, cấp kiện tướng, đã từng đoạt nhiều huy chương tại các giải đấu chuyên nghiệp. Năm 2012, Chiến theo học Trung cấp Biên phòng rồi được điều vào công tác tại đảo Phú Quý. Hết thời hạn 3 năm theo dạng tăng cường, Chiến làm đơn xin ở lại, lấy vợ, ổn định cuộc sống tại đảo Phú Quý luôn.

Còn Trung úy Nguyễn Minh Hoàng quê ở Gia Lâm, Hà Nội. Năm 2014, anh nhận quyết định vào công tác tại BĐBP Bình Thuận. Theo ước nguyện của gia đình, hết hạn 3 năm tăng cường, Hoàng sẽ chuyển ra Bắc, nhưng tình yêu biển đảo đã làm Hoàng thay đổi ý định. Anh lấy vợ và lập nghiệp ngay tại huyện đảo Phú Quý này.

Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng khi trò chuyện với tôi, không chỉ Chiến, Hoàng mà rất nhiều anh em Biên phòng lấy vợ tại huyện đảo Phú Quý đều rất lạc quan về một tương lai tươi sáng. Bởi họ tin vào tình yêu và nghị lực của tuổi trẻ. Bởi với họ, biên giới là quê hương…

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bien-gioi-la-que-huong/