Biên giới không phải chiến trường khốc liệt nhất của Ấn - Trung

Bloomberg tin rằng, đụng độ dọc biên giới Trung Quốc - Ấn Độ lúc này là kết quả của việc New Delhi bị kéo vào cuộc cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington, khiến thương mại và đầu tư giữa 2 quốc gia châu Á chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cả.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Năm 2019, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Đó được xem là một bước ngoặt, tương tự khi Mỹ vượt lên trước Nhật Bản để trở thành đối tác lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2004.

Thêm vào đó, New Delhi đã thắt chặt luật đầu tư nước ngoài hồi tháng 4 vừa qua, một động thái mà theo Economic Times là nhằm vào Bắc Kinh, khi các hạn chế đầu tư chủ yếu tác động đến cổ phần từ Trung Quốc.

Trước đó, vào tháng 11/2019, Ấn Độ đã quyết định rời khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP - một khối thương mại được Bắc Kinh hậu thuẫn nhằm gia tăng kết nối của Trung Quốc với các nền kinh tế khác ở châu Á. Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu của Ấn Độ tăng gần một nửa trong khoảng trong giai đoạn 2010 - 2019, nhưng con số đến Trung Quốc đã giảm 14% trong giai đoạn này, làm thâm hụt thương mại giữa 2 nước gia tăng.

Theo Bloomberg, tất cả những điều trên là có liên quan, bởi quan hệ thương mại luôn đóng vai trò là một trong những hạn chế quan trọng đối với xung đột giữa 2 quốc gia bất kỳ. Thiệt hại kinh tế ngay lập tức do chiến tranh với một đối tác thương mại lớn là một yếu tố có thể ngăn chặn các cuộc giao tranh diễn biến xấu hơn trong các trận chiến lớn.

Một nghiên cứu về xung đột cuối thế kỷ XX của các nhà kinh tế tại ĐH Sorbonne năm 2008 cho thấy, mặc dù mở cửa thương mại không trực tiếp ngăn chặn chiến tranh, nhưng nguy cơ xung đột có xu hướng tăng cao hơn khi các quốc gia ngày càng ít phụ thuộc vào nhau về kinh tế - vấn đề có lẽ đang xảy ra với Trung Quốc và Ấn Độ lúc này.

Quan hệ thương mại giữa Ấn Độ - Trung Quốc dần lạnh nhạt.

Trớ trêu thay, toàn cầu hóa, theo góc độ nào đó, đang khiến vấn đề trên trở nên nghiêm trọng: Khi các quốc gia trở nên hòa nhập hơn với nền kinh tế thế giới, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều khả năng chịu đựng sự mất mát thương mại với một đối thủ lân cận. Một ví dụ dễ thấy nhất là điểm nóng Hàn Quốc - Triều Tiên, với thương mại giữa 2 miền gần như bằng 0.

Nếu nhìn lại lịch sử, rất khó để có cách lý giải nào khác về việc Trung Quốc và Ấn Độ dần trở thành đối thủ của nhau. Mỗi nước có phạm vi ảnh hưởng khu vực riêng biệt và đều đứng ngoài các trận đánh chiến lược lớn.

Từ đó, Bloomberg tin rằng làn sóng đụng độ dọc biên giới Trung Quốc - Ấn Độ lúc này là kết quả của việc New Delhi bị kéo vào cuộc cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington, mà trong đó mục tiêu là kiềm chế sự trỗi dậy ngày một hung hăng của Trung Quốc.

New Delhi được cho chắc chắn cũng cảm thấy sức nóng từ các dự án Vành đai và Con đường của Bắc Kinh ở Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar, tương tự như sự bành trướng của NATO khắp Đông Âu trong những năm 1990 đã khiến Nga phải khó chịu đến tận bây giờ.

Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang bùng nổ, cùng sự đối đầu quân sự, việc giữ những cái đầu lạnh càng trở nên khó khăn. Tuy nhiên, thực tế là một cuộc đối đầu ở Himalaya hồi năm 2017 đã không đảo ngược mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc - Ấn Độ sau đó. Vì vậy, để giải quyết xung đột hiện tại, 2 láng giềng châu Á được cho cần phải tăng cường hơn nữa các liên kết kinh tế và xã hội, để bất kể cuộc đối đầu tiếp theo sẽ không trở nên tồi tệ hơn lúc này.

Hương Thảo

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bien-gioi-khong-phai-chien-truong-khoc-liet-nhat-cua-an-trung-387438.html