Biên giới đóng cửa, người nghèo Mỹ khổ sở vì thiếu thuốc men

Với những người dân Mỹ gặp khó khăn, việc biên giới với Canada và Mexico đóng cửa có nghĩa là họ bị chặn đứng con đường mua thuốc và dịch vụ y tế giá rẻ hơn hẳn ở Mỹ.

Con trai 9 tuổi của Stephanie Boland bị chẩn đoán mắc tiểu đường từ tháng 12/2019. Cô phải lái xe nửa ngày tới Canada từ Minnesota (Mỹ) để mua insulin đủ dùng trong vài tháng cho con. Dù mất thời gian những cũng bõ công vì mua thuốc ở Canada đơn giản, giá chưa ới 100 USD trong khi giá ở Mỹ là 530 USD. Khi thuốc gần hết và Boland định sang Canada mua tiếp thì đại dịch ập đến, biên giới đóng cửa.

Nhiều bệnh nhân Mỹ phải sang Mexico hoặc Canada mua thuốc giá rẻ. Ảnh: Washington Post

Nhiều bệnh nhân Mỹ phải sang Mexico hoặc Canada mua thuốc giá rẻ. Ảnh: Washington Post

Boland làm nghề xoa bóp và buộc phải nghỉ việc. Chồng cô là cố vấn tài chính tự do, chật vật với việc kiếm tiền trong đại dịch. Nguồn insulin giá rẻ đã không thể tiếp cận khi biên giới hai nước đóng cửa.

Theo kênh CNN, phân tích hồi tháng 6 của các nhà nghiên cứu Đại học Florida Gainesville cho thấy chỉ có 1,5% người trưởng thành Mỹ mua thuốc kê đơn ở nước ngoài, nhưng 1,5% đó tương đương với 2,3 triệu người.

Nhiều thuốc và dịch vụ y tế rẻ hơn khi mua ở Canada và Mexico nhờ biện pháp kiểm soát giá và đồng USD mạnh.

Tại các thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Mexico như Cabo San Lucas ở Bờ Tây hay Tulum ở Bờ Đông, các nhà thuốc, bác sĩ và nha sĩ thường phục vụ khách quen người Mỹ. Mức giá chênh giữa thuốc ở Canada và Mexico với Mỹ có thể quyết định mạng sống của người bệnh.

Loại thuốc có mức giá chênh rõ nhất là insulin. 7 triệu người Mỹ mắc bệnh tiểu đường và cần insulin. Nếu không có insulin, tính mạng họ sẽ lâm nguy. Trong nhiều trường hợp, thiếu insulin có thể gây tử vong trong ba ngày.

Một số người Mỹ mua thuốc ở hiệu thuốc Canada. Ảnh: Reuters

Dân Mỹ đã tới Canada mua insulin từ khi các nhà khoa học biết cách sản xuất loại hoóc môn này trong phòng thí nghiệm tại Đại học Toronto năm 1921.

Một số bệnh nhân tiểu đường ở Mỹ không có tiền mua insulin và đôi khi phải nhịn ăn nhiều ngày liền để kiểm soát đường huyết. Ông Daniel Carlisle, bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 ở Texas kể: “Tôi luôn phải tính toán xem còn đủ insulin cho bao nhiêu ngày nữa”.

Ông luôn tới Mexico để mua insulin với giá niêm yết 70 USD và có thể mặc cả xuống 20 USD. Trong khi đó, cũng lượng insulin đó có giá tới 274,7 USD ở Mỹ. Mexico là nơi duy nhất ông mua insulin cho tới khi biên giới đóng cửa.

Nhân viên một số hiệu thuốc ở thị trấn biên giới tại cả Canada và Mexico đều cho biết số khách Mỹ tới mua thuốc giảm hẳn từ khi đóng cửa biên giới.

Về mặt kỹ thuật, mang thuốc kê đơn vào Mỹ là bất hợp pháp. Nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã thiết lập một vùng xám cho các loại thuốc với số lượng nhỏ. FDA cho phép mang thuốc từ ngoài vào nếu lượng thuốc không vượt quá liều dùng ba tháng.

Nhân viên tại hiệu thuốc Mark’s Marine ở Vacouver (Canada), thường bán cho hàng trăm khách hàng Mỹ mỗi ngày và hiếm khi gặp vấn đề trong vận chuyển. Khi biên giới đóng cửa, số lượng đặt hàng qua mạng tăng vọt.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đặt thuốc qua mạng vì luôn có rủi ro thuốc sẽ bị tịch thu hoặc thuốc cần bảo quản trong điều kiện nhiệt độ nhất định có thể hỏng khi chờ thông quan.

Tiến sĩ Vikas Saini, Chủ tịch Viện Lown, nói: “Trong ngắn hạn, việc tới Canada mua thuốc là giải pháp phù hợp, nhưng không phải giải pháp hệ thống”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi cho phép nhập khẩu số lượng thuốc lớn hơn từ Canada đề giảm giá một số loại thuốc ở Mỹ. Tuy nhiên, ông Saini cho rằng điều đó không thể làm thay đổi thị trường Mỹ: “Canada là nước 30 triệu dân. Họ không có đủ thuốc để cung cấp cho mọi đơn thuốc ở Mỹ, quốc gia có dân số gấp 10 lần”.

Biên giới Canada-Mỹ đóng cửa khiến nhiều người không thể mua thuốc giá rẻ. Ảnh: Getty Images

Một số tập đoàn y tế Canada đã cảnh báo từ năm 2019 rằng kế hoạch nhập khẩu thuốc của Mỹ có thể khiến người Canada thiếu thuốc.

Trong khi đại dịch tiếp tục kéo dài, một số người Mỹ thiếu tiền mua thuốc chữa bệnh ở Mỹ không còn nhiều lựa chọn. Ngay cả với giá thuốc rẻ hơn nhiều lần ở Canada, họ cũng phải chật vật và phải mua thuốc chịu ở Canada tại hiệu thuốc quen.

Để người dân dễ tiếp cận insulin hơn, một số bang ở Mỹ đã có một số biện pháp hỗ trợ. Ba công ty kiểm soát thị trường insulin Mỹ đã đưa ra kế hoạch giảm giá, theo đó người bệnh bị ảnh hưởng bởi COVID-19 có thể xin mua insulin giá rẻ hoặc miễn phí. Tập đoàn Walmart cũng bán insulin không cần đơn thuốc.

Dù vậy, nhiều người vẫn gặp khó khăn. Ngay cả người có bảo hiểm y tế, được mua thuốc với giá thấp hơn giá niêm yết đôi khi cũng không đủ tiền để điều trị bệnh tiểu đường.

Trong bối cảnh đó, đã xuất hiện thị trường đen insulin trên mạng xã hội ngày càng đông người tham gia. Các thị trường này kết nối người có insulin và người không có.

Dù FDA khuyến cáo không chia sẻ hay bán lại thuốc chữa tiểu đường, trong đó có insulin, nhưng nhiều người không có lựa chọn. Có người đã chết vì phải dùng dè xẻn insulin.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bien-gioi-dong-cua-nguoi-ngheo-my-kho-so-vi-thieu-thuoc-men-20200901172330634.htm