Biên giới còn có những người thầy mặc áo lính

Đến công tác ở biên giới, chúng tôi nhiều lần chứng kiến người lính Biên phòng đêm đêm hướng dẫn những người dân nghèo nắn nót viết từng chữ cái, làm từng phép tính đơn giản. Điều chúng tôi nhớ nhất là sự nhẫn nại của những người lính và đặc biệt là những nụ cười hạnh phúc của những người phụ nữ tay chân thô ráp vừa hoàn thành một bài tập viết.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ea H’Leo, BĐBP Đắk Lắk hướng dẫn người dân viết chữ. Ảnh: Bích Nguyên

Hàng ngàn người biết chữ nhờ BĐBP

Cuối tháng 3 năm nay, chúng tôi đã có một buổi tối đáng nhớ khi tham dự lớp học xóa mù chữ do Đồn Biên phòng Ea H’Leo, BĐBP Đắk Lắk phối hợp với Trường Tiểu học Cầm Bá Thước tổ chức.

Sau bữa cơm tối, chúng tôi tới lớp học đã thấy bà con có mặt đông đủ, đa phần là phụ nữ, tuổi từ 30 trở lên. Trung úy Trần Thế Mạnh cùng 3 đồng đội tất bật xếp chỗ, phát vở, bút, sách cho từng học viên. Trong suốt buổi học, anh Mạnh cùng đồng đội luôn túc trực tại lớp, kèm cặp trực tiếp từng học viên khi họ gặp khó, không hiểu bài. Thậm chí, các anh còn hướng dẫn học viên từ cách cầm bút, bắt đầu nét chữ như thế nào.

Chị Vi Thị Thương, 33 tuổi, người dân tộc Thái, xã Ia Lốp, vì “khát con chữ” đã mang theo cả cậu con trai 4 tuổi tới lớp học. Cậu bé dường như hiểu lòng mẹ, ngồi ngoan để chị Thương học. “Ngày xưa tôi không được đi học. Không biết chữ nên đi đâu tôi cũng e ngại, tự ti với mọi người. Nghe tin đồn Biên phòng mở lớp học, tôi phấn khởi vô cùng. Dù khó khăn thế nào, tôi cũng cố gắng học cho kỳ được” - Chị Thương chia sẻ.

Những người lính Biên phòng chia sẻ với tôi rằng, qua tiếp xúc với người dân, các anh thấy còn rất nhiều người không biết chữ. Họ mong muốn biết đọc, biết viết, nhưng không có điều kiện để học tập. Vì thế, đơn vị quyết tâm mở lớp xóa mù chữ. Đồn liên hệ với Trường Tiểu học Cầm Bá Thước mượn phòng học và đề nghị cử giáo viên tham gia giảng dạy. Do ban ngày bà con bận đi làm, nên lớp học được mở vào buổi tối. Tài liệu học tập do đơn vị mua sắm. Đồn Ea H’Leo cử 4 cán bộ chuyên trách đứng lớp, kèm cặp giúp đỡ học viên.

Lớp xóa mù chữ được khai giảng từ tháng 10-2017, với 33 học viên, độ tuổi từ 15 đến 60, đa số là người đồng bào dân tộc Thái, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Sau 8 tháng học tập, tất cả các học viên đã đọc và viết thông thạo, làm được các phép tính căn bản, được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ mức độ 1.

Trong những năm qua, nhờ những lớp xóa mù chữ như Đồn Biên phòng Ea H’Leo tổ chức, hàng ngàn người dân nơi biên giới đã biết chữ. Thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Đẩy mạnh công tác chống mù chữ, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và phát triển trung tâm học tập cộng đồng khu vực biên giới, hải đảo” (giai đoạn 2011- 2017), các đồn Biên phòng đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo ở địa phương mở gần 300 lớp xóa mù chữ cho gần 10.000 học viên, 196 lớp phổ cập giáo dục tiểu học cho hơn 3.000 học sinh; 45 lớp học tình thương cho 934 học sinh; vận động 48.054 học sinh bỏ học trở lại trường, 66.078 học sinh trong độ tuổi đến lớp.

Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập

Bằng nhiều hình thức, các đơn vị BĐBP đã huy động sự tham gia công tác giáo dục của toàn xã hội, đẩy mạnh phong trào học tập trong cộng đồng, như: BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu vận động lập quỹ khuyến học để động viên các cháu con nhà nghèo hiếu học; BĐBP Quảng Nam lập quỹ học bổng để khuyến khích, động viên phong trào học tập; BĐBP Nghệ An phối hợp tổ chức phổ biến kiến thức pháp luật, quốc phòng, an ninh cho học sinh phổ thông trung học trên địa bàn biên giới; BĐBP Lai Châu phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền cho thiếu niên, nhi đồng ở địa bàn biên giới học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ; Thành ủy Đà Nẵng thành lập Ban “Mở rộng xóa mù chữ và chống tái mù”, giao cho BĐBP chủ trì thực hiện...

“Cán bộ, chiến sĩ BĐBP sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thầy cô giáo để chăm lo sự nghiệp trồng người nơi biên giới với những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, như: “Nâng bước em tới trường”, “Chia sẻ cùng thầy cô”, phát huy truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, hình ảnh người “Thầy giáo quân hàm xanh” để góp phần vào sự nghiệp giáo dục, xây dựng xã hội học tập ở khu vực biên giới ngày càng sáng lên và nhân rộng trên phạm vi toàn quốc” - Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP khẳng định.

Bên cạnh đó, các đơn vị BĐBP đã phối hợp với ngành giáo dục, đào tạo triển khai xây dựng điểm 3 trung tâm học tập cộng đồng tại tỉnh Lạng Sơn, Hà Tĩnh và Tây Ninh. Các trung tâm này đã có chuyển biến rõ nét về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, nội dung, hình thức đa dạng, hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, từ năm 2011-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với BĐBP mở 500 lớp chuyên đề với hơn 9.000 lượt học viên tham gia học tập về các kiến thức quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo...; góp phần giúp cho nhân dân nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, giảm số hộ nghèo ở địa phương. Nhờ đó, hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong mỗi người dân ngày càng được nâng lên; tình hình chính trị, trật tự xã hội khu vực biên giới được đảm bảo, tệ nạn xã hội giảm, ý thức bảo vệ môi trường được cải thiện rõ rệt...

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bien-gioi-con-co-nhung-nguoi-thay-mac-ao-linh/