Biển giờ không còn mặn

'Biển giờ không còn mặn' (NXB Phụ nữ, quý III, 2018) là tập thơ thứ năm của Trần Gia Thái.

Từ một cậu bé học sinh Hà Nam yêu văn chương và sớm gắn bó với sự nghiệp báo chí, Trần Gia Thái đã từ một phóng viên phấn đấu trở thành Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, trước khi về hưu năm 2016. Ông là tác giả của nhiều tập truyện, nhiều kịch bản điện ảnh và phim truyền hình, nhưng với thơ, tuy là mùa quả “chín muộn” nhưng đã để lại nhiều hương vị, hẳn là thể loại ông thể hiện mình được nhiều nhất và là nơi ông gửi gắm nhiều tình yêu, suy ngẫm của mình với cuộc đời nhất. “Biển giờ không còn mặn”, nghe cái tên đã thấy mất mát, chót xát...

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét về tập thơ này: “Thơ trực diện đi vào những vấn đề của hôm nay. Cái tình vẫn đậm sâu nhưng cái trí, cái dũng trở nên mạnh mẽ, sắc sảo hơn. Cuộc đời nó táp vào mình như thế, phải thét lên, vùng lên, đứng dậy nhận diện cái ác, cái xấu là rất cần thiết vào lúc này”.

Ấy là tính chiến đấu của thơ. Ấy là lương thiện của thơ, của người. Cái lương thiện bị bủa vây lâu rồi bây giờ phải đánh trả. Đánh vào cái thói hay chửi đời “Anh Chí xưa chỉ say mới chửi/ Bây giờ con cháu anh chửi không đợi say”. Đánh vào thói nói ngược “Người ta bây giờ thích nói ngược/ Nói ngược với số đông được khen là có chủ kiến/ Nói ngược với vĩ nhân được khen là có bản lĩnh/ Nói ngược với lịch sử được khen thông tuệ/ Cứ thế ồn ào, cứ thế công kênh nhau nói ngược”. Khổ thế! Có những cái bao đời vẫn vậy, bây giờ người ta cứ nói ngược, đi ngược để tự coi và được không ít người coi là đổi mới, là cấp tiến. Cái sự ấy thật hại, có những sự “đổi mới” không thành - mà chẳng thể thành được, lại còn phá hỏng nhiều nền tảng tốt đẹp đã được xây dựng. Đó không phải là đổi mới, mà là đảo lộn giá trị: “Sông chưa chết mà dòng đã đổi/ Khinh mạn lên ngôi/ Buông thả diễu cười đức hạnh” (Biển giờ không còn mặn).

Từ một đám tang, Trần Gia Thái cũng vung bút đánh vào thói nói dối, thói hẹp bụng; sống không coi người ta ra gì, chết mới hết lời khen ngợi. Và buồn hơn cả đám tang là: “Người hôm nay không yêu được người hôm nay / Ngày hôm nay không thương được ngày hôm nay” (Nghe lời điếu trong đám tang bạn); là “bệnh tham lam, bệnh đố kỵ hẹp hòi, ngộ nhận, háo danh… lan nhanh hơn dịch ốc bươu vàng” (Mấy dòng sử lược)… Trong tập thơ này của Trần Gia Thái còn có một chủ đề về tình yêu đôi lứa. Đúng hơn là những kỷ niệm tình yêu. Vẫn đẹp, vẫn tươi trong sôi nổi và đủ sức làm cho người ta thắp dậy những tình yêu.

Riêng tôi, tôi thích một mạch khác. Đó là sự trở về với bản ngã. Sự rũ bụi phù hoa. Nó hợp với tâm trạng của những người tuổi ngoài sáu mươi. Tuổi này, nhớ mẹ, nhớ quê mới thật da diết. Mới thấy hết cái cao cả của đời người trong những điều giản dị.

Bài thơ “Về với mẹ” của Trần Gia Thái mang tâm trạng của một đợi chờ hạnh phúc, tưởng trên đời này không gì vui sướng hơn là sắp được gặp mẹ: “Gió nhạt, đồng thưa, người vắng bóng/ Cải vườn vàng muộn đất mong hoa/ Bếp thơm khói mỏng còn thoang thoảng/ Con đã về đây, mẹ có nhà?”. Thể thơ truyền thống, lời thơ giản dị, bố cục bền vững như khắc một nét đẹp vĩnh hằng.

Người ta sau khi qua những chặng đời dài, kể cả những người được coi là “thành đạt”, trở thành ông nọ bà kia, có đủ lầu son gác tía, “kim ngọc mãn đường”; lúc nào đó cũng không tránh khỏi nỗi buồn của sự vong ngã, tha hương. Thơ Trần Gia Thái của chặng này đầy những nỗi quê, mơ làng, hoài niệm lúa. Anh đi tìm mình, tìm lại những cái của mình: “Tìm lại yêu thương/ Tìm lại nhớ/ Yêu thương cũng vắng, nhớ chưa về/ Chỉ con mắt ướt chiều ngưng khói/ Cả một trời cay/ Se nỗi quê…”.

Và bàng hoàng: “Thanh minh con lại về đây/ Bàng hoàng trước cỏ xanh đầy tháng ba/ Mưa giăng hay mắt con nhòa/ Một trời trĩu nặng la đà khói hương!”.

Trên con đường trở về ấy, hơn sáu mươi tuổi, Trần Gia Thái mới hiểu hết về mẹ mình, sự giàu có, vàng ngọc của một tấm lòng, thông thái của một bộ óc: “Tai mẹ xâu hạt đỗ/ Như ngày xưa được rồi/ Mẹ không cần vàng bạc/ Xuyến, kiềng mang nặng người/ Chỉ mong con yên ổn/ Lội sông cho đến bờ/ Thấy người khen con giỏi/ Mẹ không mừng mà lo…”.

Với Gia Thái sẽ tìm được bình an và những bài thơ chân thành sự thức nhận ấy, tôi tin Trần ấy cũng chỉ lối cho ai đọc thơ anh biết thương quý, nâng niu những điều cần thương quý, nâng niu.

NGUYỄN SĨ ĐẠI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/37968402-bien-gio-khong-con-man.html