Biến giờ học khô khan thành trải nghiệm đáng nhớ

Để học tốt môn Hóa học, học sinh phải nhớ những kiến thức cơ bản, biết áp dụng vào thực tế. Các thầy cô đã biến giờ học thành những buổi trải nghiệm sáng tạo, giúp học sinh đam mê môn học, từ đó tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.

Cô Châu Thị Sâm (thứ 2 từ trái sang) nhận giải thưởng giáo viên tiêu biểu quận Tây Hồ. Ảnh: NVCC

Cô Châu Thị Sâm (thứ 2 từ trái sang) nhận giải thưởng giáo viên tiêu biểu quận Tây Hồ. Ảnh: NVCC

Thường xuyên đặt câu hỏi

Trong tiết học môn Hóa, cô Châu Thị Sâm - giáo viên Trường THCS Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội) thường xuyên đặt các câu hỏi tại sao và hướng cho học sinh cách tư duy logic. Khi trò chưa có đáp án, cô tiếp tục gợi mở, dẫn dắt để tìm lời giải cho câu hỏi chính, trọng tâm.

Đối với mỗi lớp cô lại có phương pháp dạy phù hợp. Với các lớp học tốt, cô thường nâng dần kiến thức dễ đến khó. Nhưng đối với lớp học trung bình cô lại luyện kiến thức cơ bản là chủ yếu. Khi kiểm tra đánh giá kiến thức, cô thường kiểm tra đầu giờ bằng cách cho học sinh chọn gói câu hỏi 1, 2 hay 3 câu hỏi dành cho từng đối tượng.

Cô Sâm cho biết: Đặc trưng của bộ môn Hóa học là làm các thí nghiệm để quan sát hiện tượng, từ đó suy ra tính chất của các chất. Vì vậy, lúc đầu phần lớn trò ngại thực hành, tỏ ra lo lắng. Bởi vậy khi thực hiện, cô hướng dẫn tỉ mỉ, giúp HS tự tin và hào hứng khi được thực tế.

Có nhiều thí nghiệm cô đã cải tiến sao cho học sinh làm dễ dàng, hiệu quả hơn. Ví dụ: Thí nghiệm chứng minh thể tích oxy bằng 1/5 thể tích không khí. Thí nghiệm đốt sắt trong không khí phải quấn dây sắt vào viên than củi, chỉ việc thay than củi bằng việc cuốn dây sắt (dây phanh xe đạp) vào 3 que diêm đã bỏ đầu thì phản ứng đó xảy ra dễ dàng.

Nắm bắt được chìa khóa học tốt môn Hóa học chính là công thức hóa học và phương trình hóa học, vì vậy cô động viên các em học ký hiệu và hóa trị các nguyên tố hóa học ngay khi làm quen với bộ môn. Cô luôn thưởng điểm khi trò thuộc ký hiệu, hóa trị 10 nguyên tố, cho HS phân từng cặp, theo bài học và trao đổi tự kiểm tra nhau, tổ chức cặp thi với nhau về ký hiệu hóa trị các nguyên tố hóa học. Chính vì vậy, HS của cô đều nắm vững nền tảng cơ bản của bộ môn Hóa học.

Khuyến khích tính chủ động, sáng tạo

Những giờ học đổi mới của cô Nguyệt. Ảnh: NVCC

Tại Trường THPT Thanh Oai B, cô Nguyễn Thị Ánh Nguyệt luôn trăn trở, tìm tòi các phương pháp để có những bài giảng hay cho học sinh. Cô chú trọng đến việc đổi mới và linh hoạt sử dụng các phương pháp dạy học theo đặc thù bộ môn, phù hợp với HS từng lớp nhằm khuyến khích tính chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực tự học.

Dựa trên phương pháp sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, cô xem xét từng bài hóa học cụ thể và học hỏi kinh nghiệm của các trường khác để có giờ dạy hiệu quả. Cô còn say mê tìm tòi cách đổi mới trong và ngoài nước để HS tiếp thu nhanh, hội nhập quốc tế.

Theo cô Nguyệt, Hóa học là môn học có nhiều công thức. Để HS dễ dàng tiếp thu, cô dẫn chứng nhiều ví dụ thực tế trong từng bài giảng, linh hoạt ứng dụng vì mỗi bài học đòi hỏi phương pháp riêng nhằm khuyến khích tính chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực tự học của các em.

Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy ở những lớp mũi nhọn, cô Nguyệt thường xuyên quan tâm, bồi dưỡng HS yếu kém ở những lớp thông thường. Nhiều em trước đó cảm thấy nhàm chán, ghét môn học này sau khi nhận được hướng dẫn cũng như truyền cảm hứng trong mỗi giờ giảng đã có chuyển biến tích cực, kết quả học tập tốt hơn.

Cô Nguyệt cho biết: Ban giám hiệu Trường THPT Thanh Oai B luôn tạo điều kiện cho giáo viên trong hoạt động chuyên môn để có thể phát huy hết năng lực và cống hiến. Thời gian qua, nhà trường cũng trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, dụng cụ thí nghiệm phục vụ cho các môn học đòi hỏi phải thực hành nhiều.

Tuy nhiên, cô Nguyệt và học sinh của mình vẫn tự tìm tòi, sáng tạo ra nhiều đồ dùng độc đáo để ứng dụng hiệu quả trong việc dạy học. Những đồ dùng dạy học tự làm của cô Nguyệt khá độc đáo, có sản phẩm đạt giải Nhì trong cuộc thi đồ dùng dạy học tự làm cấp ngành. Điều này góp phần không nhỏ vào việc đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học.

Ngoài ra, cô Nguyệt luôn biến giờ học khô khan của môn Hóa thành buổi trải nghiệm sáng tạo. Thông qua tiết học thực hành trong phòng thí nghiệm, các em được tự tay làm hay xem những clip sinh động liên quan đến kiến thức môn Hóa và cả những hoạt động trải nghiệm thực tế. Nhờ vậy, giờ học luôn sôi động và cuốn hút. Học sinh thấy được những ứng dụng thực tiễn của hóa học vào cuộc sống, từ đó, thấy yêu và trân trọng môn học này hơn.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/bien-gio-hoc-kho-khan-thanh-trai-nghiem-dang-nho-20200329093250520.html