Biển Đông: Trọng tâm được 'nhấn mạnh' trong chính sách xoay trục của Mỹ

Hoa Kỳ sẽ hợp tác với hải quân của các nước ASEAN, nhằm hỗ trợ khối củng cố năng lực giám sát của khối gồm 10 quốc gia thành viên này,

- Hoa Kỳ sẽ hợp tác với hải quân của các nước ASEAN, nhằm hỗ trợ khối củng cố năng lực giám sát của khối gồm 10 quốc gia thành viên này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh bên lề cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại Hawaii. Ông Ashton Carter cũng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ ASEAN trong vấn để đảm bảo an ninh hàng hải tại Biển Đông.

Đây là lần thứ 2, sau cuộc họp tháng 4 năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và các nước ASEAN gặp gỡ ngay trên đất Mỹ nhằm rút ngắn thời gian di chuyển đồng thời thúc đẩy tiềm năng hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và ASEAN. Đây cũng là cuộc họp đầu tiên của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN cùng Hoa Kỳ kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague ra phán quyết hồi tháng 7, bác bỏ các yêu sách chủ quyền biển với 'đường lưỡi bò' của Trung Quốc tại Biển Đông.

"Chúng tôi tái xác nhận cam kết mà lãnh đạo các nước chúng ta đã đưa ra tại Sunnylands và tại kỳ họp thượng đỉnh thứ tư Hoa Kỳ - ASEAN tại Lào hồi đầu tháng này, đó là tăng cường hợp tác trước các thách thức an ninh chung tại khu vực trọng yếu của vùng Châu Á - Thái Bình Dương" Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter nói. Trước đó, các quan chức Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á trong chính sách tái cân bằng ở Châu Á-Thái Bình Dương giống như cam kết của Mỹ được đưa ra tại Hội nghị thượng Đỉnh Mỹ-ASEAN tại Sunnylands hồi tháng 2.

Các cuộc tập trận của Trung quốc tại Biển Đông thời gian gần đây đã khiến bầu không khí trong khu vực nóng lên. Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung quốc mới đây đưa tin Bắc Kinh sẽ xây dựng một nhà máy khử mặn nước biển tại đảo phú Lâm; đồng thời đăng tải một bài viết về hệ thống tàu biển mới của Hạm đội Nam Hải. Giới phân tích cho rằng “sự nổi lên trong năng lực quân sự của Trung quốc đang đe dọa làm suy yếu vị thế của Mỹ trong khu vực”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh chính sách xoay trục của Mỹ tại Hawaii.

Tuy nhiên, phát biểu tại Sydney nhân chuyến thăm chính thức Australia mới đây, Phó Tổng thống Biden nhấn mạnh quân đội Mỹ sẽ tiếp tục củng cố tự do hàng hải ở Biển Đông, cho dù đảng nào nắm quyền kiểm soát Nhà Trắng từ năm 2017. Ông Biden nói: “Mỹ đã và sẽ duy trì sự tập trung mạnh mẽ vào tương lai của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Khi các nước lên tiếng

"Chính sách tái cân bằng của Hoa Kỳ và việc phát triển mạng lưới an ninh khu vực là điều quan trọng vào thời điểm có những thay đổi và thách thức trong vùng". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói cần phải có sự phối hợp chung với ASEAN nhằm ứng phó được với các vấn đề an ninh hàng hải và đảm bảo an ninh khu vực.

Theo phía Mỹ, ASEAN ngày càng đóng một vai trò quan trọng, một vai trò không thể thiếu được trong chính sách xoay trục của Mỹ. Đặc biệt trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng do tham vọng bá chủ của Trung quốc. Bản thân Singapore, một quốc gia không có tranh chấp ở Biển Đông, cũng đã lên tiếng cho rằng các nước cần tìm kiếm những biện pháp thực tiễn nhằm tháo gỡ những thách thức ở Biển Đông. "Với Singapore, một quốc gia không có tranh chấp ở Biển Đông, mối quan tâm chính của chúng tôi là cho dù có hay không có phán quyết của Tòa Trọng tài, thì làm thế nào để quý vị đảm bảo được rằng khu vực này sẽ vẫn ổn định, với những cơ chế nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang”, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nói.

Hãng tin AP cũng dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Siungapore Ng Eng Hen nói rằng “các vụ đụng độ không nhất thiết phải là liên quan tới tàu chiến, mà có thể phát sinh giữa các tàu cá hay các tàu dân sự với nhau, và đây là vấn đề mà cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng tại Hawaii cần xem xét đề tìm cách ngăn chặn”.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cho rằng tuy không có tranh chấp biển đảo, nhưng Singapore quan tâm tới vấn đề này bởi Biển Đông là nơi có tuyến hải hành thương mại quan trọng và là yếu tố chi phối phát triển kinh tế của các quốc gia.

Trong khi đó, tại hội thảo về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông trong an ninh hàng hải rộng hơn của Ấn Độ-Thái Bình Dương” vừa diễn ra tại Australia, các nước thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Hague là một phần của luật pháp quốc tế. Giáo sư Carlyle A.Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia cho rằng sau phán quyết của Tòa Trọng tài hồi tháng 7, bất kể Trung Quốc có chấp nhận hay không, thì các cường quốc hàng hải còn lại như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Anh, Pháp, Liên minh châu Âu… đều thừa nhận phán quyết đó nay như một phần của luật pháp quốc tế.

“Tòa đã nói rất rõ rằng không có đảo đá nào ở Trường Sa mà Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế với 200 hải lý và chỉ có các cấu trúc nổi khi thủy triều lên cao sẽ tạo ra quyền với lãnh hải 12 hải lý và mọi tàu thuyền quân sự đều có quyền đi qua mà không bị cản trở”, ông Carlyle A.Thayer nhấn mạnh.

N.Minh

((Theo BBC, AP, Reuters))

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/bien-dong-trong-tam-duoc-nhan-manh-trong-chinh-sach-xoay-truc-cua-my-n123141.html