Biển Đông trên diễn đàn ASEAN

Vấn đề biển Đông trở thành một trong những chương trình nghị sự được quan tâm hàng đầu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 cũng như các hội nghị liên quan đang diễn ra ở thủ đô Bangkok - Thái Lan.

Trong tất cả các phiên họp của Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 và các hội nghị liên quan, trong đó có Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều đề cập tới vấn đề biển Đông, đặc biệt là những diễn biến vừa qua trên vùng biển chiến lược trọng yếu hàng đầu của khu vực và thế giới này.

Vấn đề biển Đông trở thành mối quan tâm hàng đầu tại các hội nghị cấp cao thường niên năm nay của ASEAN khi mà Trung Quốc liên tục có những hành vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam được thừa nhận theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Trong đó đặc biệt là việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), vùng thềm lục địa của Việt Nam thuộc khu vực bãi Tư Chính ở phía Nam biển Đông suốt từ đầu tháng 7 tới tháng 10 vừa qua.

Những hành vi của Trung Quốc đã gây căng thẳng, tạo mối đe dọa đối với tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông - tuyến vận tải biển huyết mạch quan trọng hàng đầu, đồng thời đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới. Điều đó có thể thấy rất rõ qua những phát biểu cùng mối lo ngại sâu sắc của chính giới và dư luận khu vực và quốc tế thời gian vừa qua.

Nhìn nhận rõ những nguy cơ, thách thức, đồng thời tìm kiếm tiếng nói chung, giải pháp để giải quyết tranh chấp, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên biển Đông là một trong nội dung được quan tâm hàng đầu khi các thành viên tham dự hội nghị cấp cao thường niên quan trọng nhất của khu vực đều có lợi ích liên quan mật thiết với tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, an ninh và ổn định trên biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam về tình hình biển Đông là rất rõ ràng, nhất quán. Quan điểm này đã được khẳng định nhiều lần. Đó là Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với UNCLOS 1982. Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật để duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông. Việt Nam cũng đồng thời, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại UNCLOS 1982, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển Đông.

Tìm được tiếng nói chung, tạo sự đồng thuận và đoàn kết, trước hết là trong các thành viên ASEAN, là nhân tố quan trọng hàng đầu tạo nên sức mạnh để đáp trả, ngăn ngừa các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền các bên liên quan ở biển Đông.

PHAN ĐĂNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/bien-dong-tren-dien-dan-asean-20191103230227448.htm