Biến động lớn nhân sự sau khi ông Putin nhậm chức

Ông Vladimir Putin sẽ nhậm chức Tổng thống Nga vào ngày 2/5, được dự đoán sẽ thay đổi nhiều mục tiêu nhân sự Chính phủ nhiệm kỳ mới.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Aleksey Kondrachev cho hay, các cơ quan chính phủ của nước này dự kiến sẽ có những thay đổi nhân sự lớn sau lễ nhậm chức của Tổng thống Putin.

Theo ông Kondrachev, trong bản Thông điệp liên bang được đọc trước Quốc hội vào tháng 3 vừa qua, Tổng thống Putin đã đặt ra các kế hoạch đổi mới chính phủ, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và thương mại trong giai đoạn mới.

Tổng thống Putin sẽ có sự thay đổi mới về nhân sự Chính phủ?

Những thay đổi về mặt nhân sự Chính phủ sẽ là nhằm thực hiện nhiệm vụ tạo ra bước phát triển vượt trội về công nghệ và đa dạng hóa nền kinh tế, tạo tiền đề để trở thành nền kinh tế tiên phong sau 20 năm nữa.

Nga sẽ có chính sách nhân sự mới đề cao năng lực của cán bộ, ủng hộ các nhân sự trẻ. Ngoài ra, chính sách trừng phạt của phương Tây khiến Nga phải chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, vì vậy trong chính phủ có thể xuất hiện thêm các bộ mới.

Trước đó cũng đã có các quan sát cho rằng Chính phủ của Thủ tướng Dmitry Medvedev đang đứng trước những thách thức lớn về nhân sự sau khi Tổng thống Putin nhậm chức.

Các thông tin từ truyền thông Nga cho thấy, uy tín của nhà lãnh đạo chính phủ Nga đang bị suy giảm.

Đầu tháng 2/2018, hãng tin RIA “Novyi Den” của Nga thực hiện cuộc thăm dò ý kiến trực tuyến, có hơn 85 % số người tham gia bày tỏ sự “không hài lòng” đối với vai trò Thủ tướng đương nhiệm (chiếm 9855 trên tổng số 11 585 người bỏ phiếu).

Cuối năm 2017, trong cuộc phỏng vấn truyền hình với hãng thông tấn RIA Novosti, Thủ tướng Medvedev trả lời hàng loạt câu hỏi về tình hình chính trị trong và ngoài nước, các vấn đề về kinh tế, xã hội trong thời gian ông điều hành chính phủ Nga.

Sau buổi phỏng vấn, các chuyên gia chính trị và giới học thuật Nga tranh luận sôi nổi về khả năng Dmitry Medvedev tiếp tục giữ chức vụ Thủ tướng sau cuộc bầu cử Tổng thống Nga.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược truyền thông Dmitry Abzalov cho rằng, trong bài trả lời phỏng vấn, ông Medvedev không đưa ra bất cứ chương trình làm việc hay sáng kiến dài hạn nào cho nhiệm kỳ tới. Mặc dù, trước đó Tổng thống Putin nhiều lần đưa ra kế hoạch phát triển đất nước trong gian đoạn mới và người dân Nga cũng tiếp nhận ít nhiều thông tin về kế hoạch này.

Vụ nhận hối lộ của cựu Bộ trưởng phát triển kinh tế Alexei Ulyukayev và tình tiết liên quan tới tập đoàn Rosneft giữa năm 2017 là tâm điểm của sự chỉ trích nhằm vào nội các và cá nhân ông Medvedev.

Ông Dmitry Abzalov, Thủ tướng Nga không có và không biết kế hoạch cụ thể cho nhiệm kỳ sắp tới. Và đây có thể được coi là lần phỏng vấn truyền hình cuối cùng của ông Medvedev trong vai trò thủ tướng chính phủ.

Phó Chủ tịch Trung tâm chính trị công nghệ Nga Alexei Makarkin nhận định, tổng quan về bài phỏng vấn với RIA Novosti cho thấy, ông Medvedev vẫn mong muốn và hi vọng tiếp tục giữ chức vụ Thủ tướng Nga.

Thủ tướng Medvedev sẽ tiếp tục đồng hành với Tổng thống Putin?

Chưa kể, một số quan chức dưới sự điều hành của Thủ tướng Medvedev cũng không được người dân Nga tín nhiệm cao.

Trong số đó có Bộ trưởng Bộ Văn hóa Vladimir Medinsky (58,2%), Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Maxim Oreshkin (57,4%), Bộ trưởng Bộ Lao động và Bảo trợ Xã hội Maxim Topilin (57,03%).

Nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov và người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ít nhận được các phiếu bầu “không hài lòng” về công việc nhất.

Bên cạnh đó, sự thay đổi cơ cấu nhân sự là vấn đề liên quan tới an ninh của nước Nga khi mà các cáo buộc về tấn công mạng và sự liên quan tới bầu cử Mỹ diễn ra với thời điểm Nga mạnh tay xử lý Trung tâm Thông tin An ninh trực thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) bị tình nghi tham gia chuyển giao thông tin tình báo cho cơ quan tình báo nước ngoài, trong có CIA.

Rõ ràng, quyết định cải tổ nhân sự lần này của Tổng thống Putin không chỉ là chuyện sa thải những người làm việc kém hiệu quả trong các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật, mà nó còn có ý nghĩa như một cuộc cải cách chính trị tại Nga, nhằm thích ứng kịp thời với tác hiệu của lệnh trừng phạt của nhiều quốc gia châu Âu hướng mũi dùi về phía Moscow.

Trong bối cảnh tiếp tục duy trì quyền lực, Tổng thống Putin muốn hoàn thiện lại bộ máy cho nhiệm kỳ mới để thích ứng với các đòi hỏi của quốc gia trước các sức ép mới từ phương Tây.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/bien-dong-lon-nhan-su-sau-khi-ong-putin-nham-chuc-3356987/