Biến động lao động - doanh nghiệp gặp khó

Nhiều doanh nghiệp (DN) trình bày đang gặp khó bởi thiếu hụt lao động, khi họ mở rộng quy mô nhà xưởng nhưng số người tuyển vào luôn thấp hơn yêu cầu. Trong khi đó, số lao động đang làm có tỷ lệ nghỉ việc hoặc bỏ việc diễn ra nhiều nơi, từ 5-10%, gây khó khăn cho công ty trong quá trình điều hành sản xuất. Đặc biệt, đối với ngành may mặc, DN đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ tuyển dụng lao động và đào tạo nghề.

Biến động lao động diễn ra phần lớn ở các doanh nghiệp ngành may mặc

“Nhảy việc” nhiều

Qua các đợt giám sát của đoàn các cơ quan chức năng tỉnh, hầu hết các DN thủy sản, may mặc cho biết hiện đang thiếu hụt rất lớn nguồn lao động. Điển hình tại các khu công nghiệp, huyện Châu Phú như: Công ty Cổ phần chế biến thủy sản Đông Á, Công ty TNHH giày An Giang Samho, Công ty TNHH may Việt Mỹ, Công ty TNHH May Minh… việc tuyển dụng lao động gặp nhiều khó khăn, công nhân lao động làm việc không ổn định, thường xuyên “nhảy việc” nên DN chưa chủ động được các đơn hàng. Nhà máy túi xách thuộc Công ty Cổ phần TBS An Giang (Thoại Sơn) hoạt động từ tháng 2-2019 với 500 lao động và đến nay đã tăng lên trên 3.000 lao động. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm mở ra đến nay, lao động liên tục bỏ việc khoảng 8-10%. Đại diện công ty cho biết sẽ mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh nên rất cần số lượng lao động rất lớn. Cụ thể từ tháng 11-2019 cần tuyển thêm 1.100 lao động và trong năm 2020 cần tuyển thêm 3.500 lao động nhưng thực tế rất khó tuyển đủ người. Công ty TNHH NV Apparel (Khu công nghiệp Bình Hòa) có 2.064 lao động (trong đó 2.108 lao động nữ). Từ tháng 6-2019, lực lượng lao động biến động, xin nghỉ việc khoảng 5-7% để đi làm việc ngoài tỉnh.

Các DN cho rằng, ngành may có tính chất công việc được chuyên môn hóa lặp đi lặp lại trong các dây chuyền, chỉ cần tốt nghiệp phổ thông, trải qua khóa đào tạo nghề ngắn hạn là lao động có thể được tuyển dụng và bố trí làm việc ngay. Điều này khiến người lao động (NLĐ) lầm tưởng rằng việc tuyển dụng và sử dụng lao động tại DN khá đơn giản, nếu không làm được chỗ này thì họ “nhảy việc” qua chỗ khác. Lao động bỏ việc nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của những người ở lại, họ sẽ không vững tâm để làm việc hoàn toàn.

Ngoài ra, khi chưa hiểu hết về chế độ, chính sách theo quy định, đồng thời giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động chưa có sự thấu hiểu thống nhất, bộ phận công nhân còn “so đo” giữa các tổ sản xuất, “đứng núi này, trông núi nọ”, “rủ nhau” di chuyển việc làm từ công ty này sang công ty khác. DN phản ánh do phần lớn công nhân xuất thân từ nông dân nên còn hạn chế về trình độ nhận thức, tác phong lao động trong môi trường công nghiệp, vào mùa vụ, nhiều lao động sẵn sàng nghỉ việc để phụ giúp gia đình, gây rất nhiều khó khăn cho DN.

Giải pháp

Ngành chức năng chỉ ra một trong những nguyên nhân đáng quan tâm chính là chế độ chính sách, phúc lợi của DN chưa đủ sức hấp dẫn để giữ chân NLĐ. Ngoài lực lượng lao động tại chỗ, nhiều năm nay có khá đông lao động vốn là công nhân từ các tỉnh, thành phố có khu công nghiệp lớn trở về trong tỉnh làm việc. Họ có sự so bì, đối chiếu để tính toán các quyền lợi, thu nhập từ tăng ca, cao điểm sản xuất cuối năm và sẵn sàng đi làm thời vụ, chạy số lượng giai đoạn trước hoặc sau Tết Nguyên đán. Qua kết quả giám sát việc thực hiện pháp luật lao động trong DN cho thấy, nhiều nơi chưa thực hiện suất ăn giữa ca cho công nhân lao động theo đúng quy định và chưa công khai cho NLĐ được biết. Các chế độ khác liên quan đến thu nhập, thu nhập phụ, chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần cho lao động chưa được quan tâm đúng mức. Một vài DN do phải tăng ca quá nhiều (trên 300 giờ/năm), dù có thêm thu nhập nhưng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian nghỉ ngơi của NLĐ và tuyển dụng thêm lao động mới. Bên cạnh đó, vẫn còn một vài DN với nhiều lý do chưa ký kết hợp đồng lao động đầy đủ với NLĐ, chưa trả lương đúng với mức lương tối thiểu vùng năm 2019 theo Nghị định số 159 của Chính phủ. Cá biệt có nơi DN chỉ muốn thực hiện trả lương công nhật, lương thời vụ, không muốn ký hợp đồng với NLĐ ổn định.

Khi bài toán thu nhập của NLĐ chưa được đảm bảo để trang trải cho cuộc sống, họ có xu hướng giải quyết nhu cầu trước mắt hơn là nghĩ đến những chuyện lâu dài. Để đảm bảo quyền lợi cho công nhân và DN “giữ chân” NLĐ hiệu quả, cơ quan chức năng đề nghị các DN tiếp tục quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách theo đúng quy định của pháp luật, quan tâm hơn đến đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ, xây dựng tốt mối quan hệ lao động tại DN, đặc biệt là các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chất lượng bữa ăn giữa ca, an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, DN nên tạo điều kiện tốt hơn để các tổ chức công đoàn và cơ quan chuyên môn đến sinh hoạt, tuyên truyền pháp luật, nâng cao hiểu biết cho công nhân. Cần quan tâm nhiều hơn nữa đối với các chế độ phúc lợi xã hội tốt cũng như tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp sẽ là điều kiện để tận dụng và phát huy tối đa khả năng của NLĐ.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/bien-dong-lao-dong-doanh-nghiep-gap-kho-a259642.html