Biến đổi khí hậu sẽ xác định vận mệnh của loài người

Một báo cáo được công bố hồi giữa tháng 6 vừa qua đã khiến nhiều người giật mình khi đưa ra cảnh báo rằng biến đổi khí hậu đang đe dọa hòa bình tại nhiều nước.

Biến đổi khí hậu làm giảm hiệu năng của chính quyền

Tháng 8/2018, các nhà khoa học ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ đã công bố kết quả nghiên cứu, theo đó chứng minh rằng biến đổi khí hậu có tác động lên hiệu năng của chính quyền. Kết luận này được nhóm các nhà nghiên cứu đưa ra dựa trên việc sử dụng một lượng dữ liệu cực lớn để tìm hiểu về cách thức khí hậu ảnh hưởng lên các hoạt động quan trọng của chính quyền.

Hình minh họa.

Hình minh họa.

Ông Nick Obradovich - đồng tác giả nghiên cứu, chuyên gia ở Phòng thí nghiệm truyền thông của MIT - cho hay, đây là lần đầu tiên một nghiên cứu như vậy được thực hiện. Để thực hiện nghiên cứu, ông Obradovich và các cộng sự đã phân tích dữ liệu từ hơn 70 triệu vụ cảnh sát chặn xe có dấu hiệu vi phạm trong khoảng thời gian từ năm 2000 tới 2017 và 500.000 vụ tai nạn xe cộ có người chết xảy ra từ năm 2001 tới 2015.

Nhóm nghiên cứu cũng xem xét 13 triệu vụ vi phạm an toàn thực phẩm xảy ra tại các nhà hàng và cơ sở chế biến thực phẩm được ghi nhận trong hơn 4 triệu cuộc thanh tra được tiến hành trong giai đoạn 2012-2016. Từ phân tích các dữ liệu thu thập được, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, vào những ngày nóng đỉnh điểm ở Mỹ, các vụ tai nạn xe hơi gây chết người và những vụ việc có liên quan đến an toàn thực phẩm dễ xảy ra hơn. Trong khi đó, nhà chức trách lại có xu hướng ít can thiệp hơn.

Cụ thể, các dữ liệu thu thập được cũng cho thấy tỉ lệ thuận giữa số lượng vụ vi phạm an toàn thực phẩm với nhiệt độ do nóng khiến đồ ăn dễ hỏng hơn. Trong khi đó, xác suất một cơ sở thực phẩm bị thanh tra đã giảm xuống đáng kể khi nhiệt độ vượt mức 26°C và giảm rất mạnh khi nhiệt độ từ 30 đến 40°C.

Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận với các vụ tai nạn giao thông và hoạt động của cảnh sát. Vào những ngày nhiệt độ tăng cao, số vụ tai nạn chết người thường có xu hướng tăng lên nhưng số vụ cảnh sát chặn xe lại giảm xuống. Từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu rút ra kết luận rằng những nỗ lực đảm bảo an toàn công cộng thường giảm xuống trong khi rủi ro xảy ra sự cố tăng lên tỉ lệ thuận với mức tăng nhiệt độ. “Nhiệt độ nóng về cơ bản là không tốt cho hoạt động của con người.

Điều này đúng với nhiều hoạt động khác nhau, từ chất lượng giấc ngủ, tâm trạng, sức khỏe tâm thần, nguy cơ tự sát và cả năng suất làm việc”, ông Obradovich lý giải. Đặc biệt, từ dữ liệu về các vụ việc diễn ra trên khắp nước Mỹ, MIT kết luận rằng nếu khí hậu tiếp tục biến đổi như hiện nay, tới năm 2050, thế giới sẽ kém an toàn hơn rất nhiều so với ngày nay.

“Khí hậu ảnh hưởng tới cách chúng ta làm việc, sinh hoạt và những rủi ro chúng ta đối mặt”, nghiên cứu cho hay. Là một lời khẳng định nữa về việc cần ngăn chặn biến đổi khí hậu, nghiên cứu này có nhiều ngụ ý hơn thoạt nhìn.

Theo ông Obradovich, mục đích của ông và các cộng sự khi tiến hành nghiên cứu trên không phải là để dọa người dân ở những khu vực nhiệt đới mà là để tìm hiểu một chính xác tác động của những điều kiện nhiệt độ cực đoan, từ đó giúp tìm ra những cơ hội thích nghi và ngăn chặn, đẩy lùi những tác động tiêu cực trong bối cảnh khí hậu đang ngày càng thay đổi.

“Chúng ta từ lâu đã biết rằng năng lực nhận thức và năng suất của làm việc của các cá nhân sẽ giảm xuống khi nhiệt độ ở mức cao. Những nơi đang trở nên nóng hơn, nhất là vào mùa nóng trong năm, nhiều khả năng sẽ là những nơi phải chịu nhiều tổn hại nhất”, ông Obradovich nói.

Ông Solomon Hsiang - Giáo sư Trường chính sách công Goldman trực thuộc trường Đại học California ở Berkeley, Mỹ cũng cho hay, nghiên cứu nói trên cho thấy môi trường tác động lên hiệu năng của các thể chế chính trị.

“Trong nhiều thập niên, giới khoa học xã hội đã mắc kẹt trong cuộc chiến chia phe giữa môi trường và các thể chế chính trị. Nghiên cứu này cho thấy môi trường tác động trực tiếp lên các thể chế chính trị và tới lượt nó, các thể chế chính trị lại tác động ngược tới xã hội”, ông Hsiang nhận định.

Các nghiên cứu khoa học tới nay đã chỉ ra rằng biến đổi khí hậu có tác động vô cùng rộng lớn, tới nhiều mặt của đời sống xã hội. Các nhà khoa học của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc trong một báo cáo được công bố năm 2014 khẳng định biến đổi khí hậu có tác động trực tiếp lên sự phát triển, sống sót, duy trì, truyền nhiễm và lan rộng của các mầm bệnh.

Theo báo cáo, những vật truyền bệnh như muỗi rất nhạy cảm với khí hậu. Khi nhiệt độ tăng lên, chúng có thể sinh sôi ở những nơi mà trước đó quá lạnh với chúng. Các mầm bệnh mà muỗi mang theo như sốt rét, sốt xuất huyết, sốt chikungunya vì thế sẽ lan theo cùng chúng.

Điển hình, theo báo cáo, bệnh sốt xuất huyết đã tăng gấp 30 lần trong 50 năm qua. Bên cạnh đó, khi khí hậu ngày một nóng lên, bệnh sốt chikungunya cũng đã lan từ châu Phi và châu Á sang vùng Caribbe và được dự báo có thể sớm lan vào nội địa Mỹ nếu khí hậu ấm hơn.

Đe dọa nền hòa bình thế giới

Nghiêm trọng hơn, Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) có trụ sở ở Australia trong báo cáo về Chỉ số hòa bình thế giới được công bố hôm đầu tháng cho biết, nạn biến đổi khí hậu đang đe dọa hòa bình tại nhiều nước. Đây là lần đầu tiên IEP công bố báo cáo về đe dọa của tình trạng tăng nhiệt toàn cầu đối với hòa bình thế giới. Theo báo cáo, biến đổi khí hậu dẫn tới xung đột do sự cạnh tranh các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, từ đó đe dọa đến sinh kế của người dân, đồng thời còn ra hiện tượng di cư hàng loạt. Báo cáo nhấn mạnh, chỉ trong 3 năm qua, nhiệt độ Trái Đất đã tăng thêm 1 độ C.

Tình trạng này cùng với việc mực nước biển dâng cao, cháy rừng nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, các hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất ngày một dày hơn, diễn biến phức tạp và khó lường hơn.... đã khiến biến đổi khí hậu trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại hiện nay.

Báo cáo nhấn mạnh thực tế là gần 1 tỉ người hiện đang sống trong những khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi sự tăng nhiệt toàn cầu ở mức cao. Khoảng 40% người trong số này sống tại các nước đang có xung đột. Theo báo cáo của IEP, 9 nước đối mặt nhiều nguy cơ từ biến đổi khí hậu đều ở châu Á, trong đó có Philippines, Bangladesh, Myanmar, Trung Quốc…

Trong phát biểu công bố báo cáo, Chủ tịch IEP Steve Killelea cho rằng biến đổi khí hậu đang trở thành “một vấn đề lớn”. Những tác động của hiện tượng này có thể tạo ra một điểm bùng phát làm trầm trọng thêm những căng thẳng hiện có trên toàn cầu. Ông Killelea nhấn mạnh rằng việc giải quyết các xung đột cực đoan có thể giúp các quốc gia hợp tác tốt hơn trong cuộc chiến chống lại tình trạng Trái Đất nóng lên.

“Nếu chúng ta không có một thế giới hòa bình, chúng ta sẽ không thể đạt được mức độ tin tưởng và hợp tác cần thiết để giải quyết các vấn đề”, ông này nhận định. Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với việc xem biến đổi khí hậu là một yếu tố đe dọa gây ra xung đột trên toàn cầu.

Ông Manish Bapna - Giám đốc quản lý ViệnTài nguyên thế giới tại Mỹ - chỉ ra rằng việc biến đổi khí hậu trở thành một phần của chỉ số hòa bình thế giới cho thấy con người cần nhanh chóng hành động để đối phó mối đe dọa này. Hồi năm ngoái, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã cảnh báo rằng biến đổi khí hậu có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại lên đến 21.000 tỷ USD vào năm 2050.

Chỉ số hòa bình thế giới của IEP được tổng hợp dựa trên dữ liệu từ các tổ chức, viện nghiên cứu, chính phủ và trường đại học. Báo cáo năm 2019 xếp hạng 163 nước dựa trên những tiêu chuẩn như an toàn, an ninh, mức độ án mạng, xung đột đang diễn ra, quân sự hóa… Nhìn chung, báo cáo của IEP nhận xét thế giới đang ít yên bình hơn so với 10 năm trước do những yếu tố như cuộc xung đột ở Trung Đông, sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố và làn sóng người tị nạn.

G20 đạt được thỏa thuận 19 + 1 về biến đổi khí hậu

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G20 đang diễn ra tại Osaka (Nhật Bản) đạt được mộtthỏa thuận về vấn đề biến đổi khí hậu tương tự như thỏa thuận đã được ký kết năm ngoái tại Argentina. “Chúng tôi đã có một văn kiện tương tự như năm ngoái ký kết tại Argentina.

Đó là tuyên bố 19 + 1”, Thủ tướng AngelaMerkel cho các phóng viên biết bên lềHội nghịthượng đỉnh G20. Bà Angela Merkel cho biết, Mỹ chấp nhận quyết tâm của 19 thành viên còn lại trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu,song bản thân họ lại không cam kết việc này.

Tại cuộc họp củaG20 tại Buenos Aires, hầu hết các nước tái khẳng định cam kết của mình đối vơíHiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Các nước tuyên bố rằng, hiệp định này là không thể đảo ngược và cam kết thực hiện đầy đủ.

“Theo quan điểm của chúng tôi, biến đổi khí hậu sẽ xác định vận mệnh của loài người, nên điều cấp bách với thế hệ chúng ta là phải có những lựa chọn đúng đắn”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại cuộc họp báo với người đồng cấp Pháp và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterressau khi đàm phán về biến đổi khí hậu.

Tháng 12/2015,tạiHội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Paris (Pháp), Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã được thông qua với mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn mức tăng ở 1,5 độ C trước cuối thế kỷ này.

Thế nhưng, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris hồi tháng 6/2017 được xem là một quyết định gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên của Trái Đất.

Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định, thế giới vẫn còn cơ hội hiện thực hóa mục tiêu của Hiệp định Paris 2015 nếu các nền kinh tế, đặc biệt là các nước lớn, tạm gác những toan tính lợi ích kinh tế trước mắt để thúc đẩy hành động chung. Trong khi đó, Tổng thư ký LHQAntonioGuterres kêu gọi các quốc gia phát triển tăng ngân sách hỗ trợ các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Minh Ngọc

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/bien-doi-khi-hau-se-xac-dinh-van-menh-cua-loai-nguoi-d101222.html