Biến đổi khí hậu đe dọa gây 'khủng hoảng sức khỏe' ở châu Á

NGUYỆT CÁT (Theo CNA)

Việc chính phủ các nước, doanh nghiệp và tổ chức lớn trên toàn cầu cam kết đưa mức phát thải carbon về “0” được đánh giá là một xu hướng đáng coi trọng. Song, tâm điểm của những cam kết này có thể làm lu mờ một vấn đề cấp bách hơn, đó là mối nguy “khủng hoảng sức khỏe” do ô nhiễm không khí, vấn đề đang nổi lên ngày càng rõ ở châu Á.

Học sinh ở Tế Nam (Trung Quốc) đeo khẩu trang đến trường trong trong bối cảnh không khí ô nhiễm nặng nề.

Học sinh ở Tế Nam (Trung Quốc) đeo khẩu trang đến trường trong trong bối cảnh không khí ô nhiễm nặng nề.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 99% cư dân toàn cầu hiện tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm như carbon monoxide, ozone và nitrogen dioxide ở mức độ nguy hại. Trong đó, carbon dioxide (CO2) - khí nhà kính phổ biến nhất - chủ yếu sinh ra từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch và phế thải nông nghiệp. Những hoạt động này tạo ra các hạt bụi mịn có đường kính dưới 2,5 micromét (PM2.5), xâm nhập vào phổi và dòng máu, làm tăng nguy cơ suy tim. Còn mêtan - loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 80 lần so với CO2 - dẫn đến sự hình thành ozone tầng thấp và là chất ôxy hóa có thể gây tổn thương phổi. Nhìn chung, ô nhiễm không khí làm gia tăng nguy cơ hen suyễn, các bệnh tim và phổi cùng một số dạng ung thư. Mỗi năm, có khoảng 7 triệu người chết sớm vì các nguyên nhân liên quan đến ô nhiễm không khí.

Châu Á bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Mối liên hệ giữa việc phát thải khí nhà kính và chất gây ô nhiễm không khí chỉ ra rằng biến đổi khí hậu không chỉ là mối họa lâu dài, mà đang gây ra “một cuộc khủng hoảng sức khỏe” thực sự. Theo công ty giám sát chất lượng không khí IQAi của Thụy Sĩ, tình trạng ô nhiễm không khí đang lan rộng khắp châu Á, khu vực hiện có tới 48/50 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Trong khi hoạt động của các nhà máy nhiệt điện đốt than làm giảm chất lượng không khí ở khắp Trung Quốc, thì lượng khí thải từ xe cộ và quá trình đốt phế thải nông nghiệp đang làm các thành phố Ấn Ðộ “nghẹt thở”. Tại Ðông Nam Á, hoạt động khai hoang và đốt rác nông nghiệp ở Indonesia, Thái Lan và Malaysia vẫn diễn ra bất chấp các quy định cấm đốt lửa ngoài trời. Những hoạt động này đóng góp tới 30% lượng khí thải do con người tạo ra, đồng thời gây ra khói mù độc hại trong khu vực vào mùa khô.

Cũng giống như biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí là mối đe dọa xuyên biên giới, khi không một quốc gia nào đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng không khí của WHO. Singapore ước tính, nếu chất lượng không khí của đảo quốc này đáp ứng tiêu chuẩn của WHO, tuổi thọ của người dân sẽ tăng trung bình 3,8 năm.

Một điều đáng lo ngại nữa là mặc dù tiếp xúc nhiều hơn với chất ô nhiễm, nhưng người dân ở các nước có thu nhập trung bình và thấp lại ít có khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt. Ðiều này góp phần gia tăng sự chênh lệch về “công bằng y tế” - tức khả năng mà mọi người dân đều nhận được sự chăm sóc sức khỏe tốt hơn bất kể thu nhập, sắc tộc, giới tính và tuổi tác. Do đó, giảm phát thải và tăng công bằng y tế sẽ cần rất nhiều hành động thực tế và các khoản đầu tư đáng kể. Các chính phủ và doanh nghiệp phải làm việc cùng nhau để thực hiện mục tiêu đó, không chỉ mang lại không khí sạch hơn mà còn mang lại sức khỏe tốt hơn cho tất cả mọi người - điều cấp thiết cần làm trước cả những mục tiêu dài hạn là trung hòa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Không chỉ làm tăng rủi ro về sức khỏe, ô nhiễm không khí do các hoạt động của con người còn gây thiệt hại đáng kể về mặt tài chính. Theo ước tính của Tổ chức Greenpeace, ô nhiễm không khí gây tổn thất 8 tỉ USD/ngày, tương đương 3,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, bao gồm chi phí chăm sóc sức khỏe và năng suất lao động giảm cộng lại. Ở châu Á, Trung Quốc và Ấn Ðộ mất tổng cộng hơn 1.000 tỉ USD/năm, trong khi hầu hết các quốc gia ở Ðông Nam Á đều thiệt hại trên 2% GDP.

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/bien-doi-khi-hau-de-doa-gay-khung-hoang-suc-khoe-o-chau-a-a148099.html