Biến đất cằn thành… 'ruộng' mật

Ham học hỏi lại cần cù, chịu khó, chị Nguyễn Thị Hoài Anh (SN 1974), ở thôn Trại Cả, xã Đồng Lạc (Yên Thế - Bắc Giang), cùng chồng là anh Nguyễn Văn Hòa nhận chuyển nhượng, biến khu đồi bạc màu thành vườn bưởi sum suê.

Không phụ công người, cây trồng chủ lực này đã giúp gia đình chị có của ăn, của để, trở thành mô hình làm giàu để nhiều hộ khác học cách làm theo.

Chị Hoài Anh (thứ 2 từ phải sang) phân loại bưởi trước khi xuất bán.

Chị Hoài Anh (thứ 2 từ phải sang) phân loại bưởi trước khi xuất bán.

Nặng lòng với quê hương

Đến thăm gia đình chị Hoài Anh đúng dịp đang thu hoạch bưởi chín sớm. Vừa thoăn thoắt đưa tay xếp quả vào thùng, chị vừa cho biết: Cách đây hơn 10 năm, dù sinh sống ổn định tại Hà Nội nhưng niềm đam mê với cây bưởi đã thôi thúc chị về quê phát triển kinh tế vườn đồi. Nghĩ là làm, năm 2005, gia đình chị mua 2ha đồi tại xã Đồng Vương trồng bưởi Diễn.

“Những năm đầu, để duy trì cuộc sống và có tiền chăm sóc vườn bưởi, chồng tôi phải ở lại chăm vườn cây, còn tôi vẫn ở Hà Nội tiếp tục buôn bán. Nhiều hôm, sáng bán hàng ở Hà Nội, chiều tôi lại bắt xe về quê, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây để có phương pháp chăm sóc phù hợp. Thời gian đầu, cây liên tục bị sâu bệnh, vừa đi bán hàng, tôi vừa tranh thủ học hỏi kinh nghiệm từ những người trồng bưởi trước, tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc qua sách báo; nhờ kỹ sư trồng trọt đang công tác tại các đơn vị trong huyện về hướng dẫn cách chăm sóc vườn cây. Không phụ công người, đến năm thứ 3, cây bắt đầu cho quả. Trái ngon, ngọt mát, hương vị chẳng thua kém gì so với những nơi trồng bưởi nổi tiếng khác, lúc đó tôi mới thở phào vì biết mình đã thành công”, chị Hoài Anh chia sẻ.

Năm 2014, trong một lần đến huyện Cao Phong (Hòa Bình) mua cam, chị Hoài Anh được thưởng thức và biết đến bưởi đào Tân Lạc. Với ý định mở rộng vườn cây, chị cất công về huyện Tân Lạc tìm hiểu. Tận mắt thấy những cây bưởi đào trĩu nặng, quả vàng, đẹp, múi bưởi có màu đỏ hồng, mọng nước, ăn giòn, ngọt lại ít sâu bệnh, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, chị quyết định mua giống về trồng thử trên đất đồi Yên Thế. Nghĩ là làm, hai vợ chồng bàn nhau mua thêm 4ha đồi đá sỏi, chủ yếu trồng bạch đàn cho thu nhập thấp tại thôn Trại Cả, xã Đồng Lạc để trồng bưởi đào Tân Lạc trong sự hồ nghi của nhiều người.

Ba năm sau, những cây bưởi đào đầu tiên cho thu hoạch quả vào đúng dịp Tết Nguyên đán lại không cần bảo quản, có thể để nhiều tháng mà chất lượng không bị ảnh hưởng, “đầu ra” khá thuận lợi. Vụ trước, với 4ha bưởi đào, gia đình chị thu hoạch hơn 3 vạn quả, doanh thu hơn 600 triệu đồng. Không chỉ được người tiêu dùng Hà Nội ưa chuộng, thông qua bạn hàng, chị đã xuất những chuyến bưởi đầu tiên sang thị trường Trung Quốc. Năm nay, dù chỉ cho một nửa số cây trong vườn ra quả nhưng sản lượng ước 6 vạn quả, giá bán bình quân 20 nghìn đồng/quả, doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng.

Xây dựng thương hiệu

Ngoài cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng bưởi đào Tân Lạc và bưởi Diễn, chị Hoài Anh còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm giúp các hộ khác trong vùng chuyển đổi những quả đồi trồng keo, bạch đàn, vải thiều kém hiệu quả sang trồng bưởi. Đồng thời, định hướng các hộ dân trên địa bàn đưa một số giống bưởi khác như bưởi Diễn chín sớm, lai Đoan Hùng (Phú Thọ), bưởi đỏ Thanh Hà (Hải Dương) vào trồng trên diện tích lớn. Giải pháp này nhằm rải vụ thu hoạch từ tháng 8 năm trước đến tháng 3-4 năm sau, tạo sự phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trong thời gian dài của người dân. Bên cạnh đó, các hộ còn tự ủ phân chuồng, chế thuốc bảo vệ thực vật từ ớt, tỏi được trồng trong vườn nhà nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu bưởi sạch trên địa bàn.

Ông Lê Huy Tưởng, Chủ tịch UBND xã Đồng Lạc, xác nhận: “Từ mô hình hiệu quả của gia đình chị Nguyễn Thị Hoài Anh, phong trào chuyển đổi cây trồng không hiệu quả sang trồng bưởi phát triển khá mạnh. Toàn xã hiện có hơn 100 hộ tham gia trồng bưởi. UBND xã đã ban hành quyết định thành lập tổ hợp tác trồng bưởi với 10 hộ, hơn 12ha để giúp nhau về giống, kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra ổn định cho quả bưởi”.

Chia sẻ về hướng phát triển trong những năm tới, chị Hoài Anh khẳng định: “Hiện nay, các giống bưởi và cây có múi khác được trồng tại Yên Thế đã khẳng định chất lượng, được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao. Thời gian tới, gia đình và tổ hợp tác sẽ tiếp tục xây dựng, quảng bá thương hiệu “Bưởi sạch Yên Thế”, tích cực đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các chuỗi cửa hàng tiện lợi, hoa quả an toàn tại Thủ đô. Đồng thời, mở hướng xuất khẩu đến một số nước, tạo đầu ra ổn định, nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm”.

Theo UBND huyện Yên Thế, toàn huyện hiện có gần 1.000ha cây có múi. Trong đó, bưởi đã khẳng định được vị thế, giá trị, trở thành cây làm giàu của nhiều hộ dân. Tuy nhiên, ông Thân Minh Sâm, Phó chủ tịch UBND huyện, khuyến cáo: “Người dân chỉ nên chuyển đổi những diện tích cây ăn quả khác như nhãn, vải thiều kém hiệu quả, có thổ nhưỡng phù hợp sang trồng bưởi và cây có múi khác. Đồng thời, không tăng ồ ạt diện tích mà chú trọng đầu tư, xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm; tránh hệ lụy đáng tiếc về cung cầu, giá cả thị trường có thể xảy ra”.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực theo dõi, hướng dẫn người dân thực hiện đồng bộ các giải pháp chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng. Đồng thời, tham mưu UBND huyện đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng, quảng bá các sản phẩm cây có múi, tạo đầu ra ổn định cho người dân”, ông Tô Viết Long, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt, Bảo vệ thực vật huyện Yên Thế, cho biết.

Hồng Nguyên

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/bien-dat-can-thanh-ruong-mat-post24298.html