Biển đảo tôi yêu Bài 1: Vẹn tình với biển đảo

Chuyến đi hơn 6 ngày trên chuyến tàu 632, thuộc Lữ đoàn 127, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, đến với cán bộ, chiến sĩ hải đảo phía Tây Nam mang đến cho tôi và các đồng nghiệp nhiều cung bậc cảm xúc: xúc động, thán phục, biết ơn các anh - những người lính canh giữ biển trời Tổ quốc. Qua chuyến đi, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc tình cảm, sự đoàn kết của quân dân ở nơi đầu sóng ngọn gió, để bảo vệ màu xanh biển đảo mến yêu.

Ngư dân khai thác hải sản ở vùng biển Hòn Chuối.

Những cán bộ, chiến sĩ Hải quân cùng nhiều hộ dân sinh sống trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc, đến từ những miền quê khác nhau, nhưng họ đã cùng sống, gắn bó để bám trụ biển đảo chỉ với một lý do: “đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Vượt qua mọi khó khăn, quân dân quyết bám biển, góp phần gìn giữ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.

Cô Hà Thị Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Thổ Châu trên bục giảng. Ảnh: CTV

Cô giáo Hà Thị Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Thổ Châu, quê ở TP Hải Phòng, có chồng là bộ đội. Năm 1992, chồng cô nhận lệnh chuyển công tác ra đảo Thổ Chu; đến năm 1995, cô Oanh sắp xếp công việc theo chồng ra đảo. Cô Oanh nhớ lại: “Khi đó, trên đảo chỉ mới có chừng 20 nóc nhà, dân cư rất thưa thớt, buồn lắm. Mặc dù là một xã của huyện Phú Quốc, nhưng Thổ Châu cách Phú Quốc 120km và cách đất liền khoảng 240km, là xã đảo xa nhất của tỉnh Kiên Giang. Hồi trước, muốn mua sắm thêm món gì đều đợi chuyến tàu từ đất liền ra, cách cả tuần mới có 1 chuyến, đó là vào những mùa trời trong, sóng lặn, không có bão”.

Hoàn cảnh sống khó khăn, nhớ đất liền, nhớ quê hương nhưng cô Oanh chưa bao giờ chùn bước. Cô cùng chồng động viên nhau phấn đấu học tập, công tác thật tốt. Khi ra đảo, cô Oanh mới tốt nghiệp THPT, 10 năm sau, cô đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm, rồi đảm đương nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Thổ Châu. Còn chồng cô đã là Trung tá, công tác tại Trạm ra đa 610 đứng chân trên đảo. Vui hơn, 2 con của cô học đến nơi, đến chốn, con gái cô hiện đang là giáo viên của Trường THCS và THPT Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ; còn con trai công tác tại Quân đoàn 4, tỉnh Đồng Nai.

Chú Bảy Ý nhận giấy khen trong một lần tham gia bắt cướp biển năm 2015. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ở đảo Thổ Chu, chúng tôi được chú Bảy Ý, tên đầy đủ là Lê Như Ý, cán bộ văn hóa của xã hỗ trợ, chỉ dẫn, giới thiệu về văn hóa, đời sống của người dân trên đảo. Chú am hiểu gần như tất cả những hộ dân đang sống trên đảo. Quê ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, chú Bảy Ý là một trong những hộ dân ra đảo lập nghiệp từ năm 1993. Ba chú là Bí thư đầu tiên của xã đảo Thổ Châu, công tác từ năm 1993 đến năm 1999. Hiện nay, ba chú đã nằm lại trên đảo, còn con trai của chú là bộ đội trinh sát đặc nhiệm của Đồn Biên phòng Phú Mỹ, tỉnh Kiên Giang.

Đại biểu đoàn công tác thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân vượt đường dốc đến với cán bộ, chiến sĩ đứng chân trên đảo Hòn Chuối.

Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi gặp gỡ nhiều cán bộ, chiến sĩ là con của quê hương Cần Thơ. Trong đó, có Đại úy Đặng Văn Đen, Đại đội trưởng Đại đội 84, thuộc Tiểu đoàn Pháo phòng không 553. Từ khi bắt đầu khóa rèn luyện nghĩa vụ quân sự ở Vùng 5 hải quân vào năm 2003, Đại úy Đen đã yêu thích và mong muốn được đứng trong hàng ngũ quân đội. Anh tâm tình: “Tôi đam mê pháo phòng không, muốn được học hỏi và cống hiến cho lực lượng này, vì thế tôi đã thiết tha mong được ở lại phục vụ. Và tôi tự hào được trở thành chiến sĩ Hải quân, cùng đồng đội canh giữ vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc”. Phấn đấu học tập và rèn luyện tốt, anh được cấp trên tin cậy, đồng đội tín nhiệm, giao nhiệm vụ chỉ huy Đại đội 83 và 84 của Tiểu đoàn Pháo Phòng không 553 hơn 6 năm nay. Hơn 16 năm là bộ đội, có chừng 10 năm anh Đen ăn Tết xa quê nhà để sát cánh cùng đồng đội, sẵn sàng hoàn thành thật tốt mọi nhiệm vụ. Với cương vị Đại đội trưởng, hằng năm, anh Đen luôn chủ động lên kế hoạch tổ chức Tết ở đơn vị với nhiều hoạt động sao cho vừa vui vẻ, thiết thực, vừa ấm áp, an toàn, tiết kiệm và luôn đảm bảo trực sẵn sàng chiến đấu.

Thiếu tá Tống Văn Dũng, nhân viên trắc thủ, có 30 năm công tác tại Trạm ra đa 595 trên đảo Hòn Khoai.

Cùng làm nhiệm vụ ở đơn vị Đại đội 84 và cũng là người con của TP Cần Thơ, Trung sĩ Trần Hữu Nghĩa, vừa gia nhập hàng ngũ quân đội, rèn luyện tại đơn vị từ tháng 2-2019. Trước khi lên đường nhập ngũ, Hữu Nghĩa đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Lý. Còn giờ, Nghĩa là Tiểu đội trưởng Tiểu đội Trinh sát phòng không của Đại đội. Nghĩa khẳng định: “Khi hết thời gian nghĩa vụ, trở về quê hương, những kiến thức, kinh nghiệm ở đơn vị sẽ trở thành hành trang và là nguồn tư liệu quý giá giúp tôi giảng dạy tốt hơn, truyền được cảm hứng tình yêu quê hương đất nước, biển đảo đến học trò một cách chân thực nhất”.

Trung úy Lê Văn Thao, công tác ở Trạm ra đa 595 trên đảo Hòn Khoai chăm sóc những nhánh mười giờ đem từ đất liền ra.

Còn Trung úy Lê Văn Thao, công tác tại Trạm Ra đa 595 trên đảo Hòn Khoai, thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, vui vẻ giới thiệu với chúng tôi vạt hoa mười giờ được cất công đem cây giống từ đất liền ra trồng, giờ đã sinh sôi, phát triển xanh tốt, nở hoa rực rỡ. Trung úy Thao còn tận dụng những tô mì giấy bỏ đi để trồng thêm hoa mười giờ, đem treo ngoài hiên phòng nghỉ và làm việc. Anh cho biết, không chỉ anh mà nhiều đồng chí, đồng đội của đơn vị đã quen với không khí đón Tết xa nhà, luôn trong tinh thần trực sẵn sàng chiến đấu. Đóng quân trên đồi cao, cách mực nước biển trên 300m, hằng ngày các anh phải lên xuống đường dốc đứng, gập gềnh, dài hàng cây số để phối hợp các đơn vị bạn làm nhiệm vụ hoặc giúp dân, vận chuyển nước hay mua thực phẩm… Những nụ hoa mười giờ khoe sắc ở đơn vị giúp ác anh có cảm giác hải đảo gần hơn với đất liền, vơi đi phần nào sự vất vả, và nỗi nhớ quê nhà.

Bài; ảnh: Mỹ Tú

(Còn tiếp)

Bài 2: Thắm tình quân dân

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/bien-dao-toi-yeu-bai-1-ven-tinh-voi-bien-dao-a117440.html