Biên đạo múa, NSND Hữu Từ: 'Tôi tin vào tương lai nghề múa dân gian Việt Nam'

Khó khăn lắm mới có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ nhân dân trẻ tuổi nhất Việt Nam - Hữu Từ vì anh cho biết hiện anh đang bận dựng vở 'Tự hào Xuân 68' nhưng vẫn dành khoảng thời gian ngắn trò chuyện về nghề mà anh tâm huyết.

Anh bộc bạch, nghề múa cực lắm nhưng đã làm thì cuốn với đam không thể dừng lại được. Có những chương trình phải thức đến sáng đêm để hoàn thiện, kịp tiến độ, chạy thời sự, như những sản phẩm chào xuân chẳng hạn. Từ những việc nhỏ nhất như phục trang, âm thanh, ánh sáng đến thứ lớn hơn là dựng kịch bản, biên đạo, đạo cụ, âm nhạc…đạo diễn phải là người hiểu rõ và nắm hết, đặc biệt phải am hiểu văn hóa dân gian vùng miền mới có thể đạo diễn, truyền lửa, dựng lên những tiết mục múa đậm chất dân gian, thông qua các diễn viên múa chuyên nghiệp để lột tả sự tinh hoa, gợi nên hồn, cái cốt cho sản phẩm, để qua đó người xem có thể hiểu được những âm thanh không lời của tác phẩm.

NSND trẻ tuổi nhất Việt Nam - Hữu Từ

Anh Hữu Từ có cho rằng câu: đúng là nhọc nhằn nghề múa hay không?

Nghệ thuật dân gian truyền thống luôn khó khăn, đặc biệt nghề múa có phần cực nhọc hơn do đòi hỏi thời gian luyện tập nhiều năm rất gian khổ, luôn đối mặt với những chấn thương như trật chân, bong gân, sưng khớp... Đã vậy, ra nghề lại không có nhiều đất để dụng võ. Những năm gần đây, kinh tế phát triển, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, đặc biệt tìm về với cội nguồn văn hóa dân gian truyền thống nhiều hơn nên nghề múa cũng có phần được cải thiện. Tuy nhiên, hiện nay, đời sống những người làm nghề múa vẫn còn khá vất vả do nguồn khách vẫn chưa nhiều và không ổn định. Cơ sở vật chất còn chưa được đầu tư thỏa đáng cũng phần nào hạn chế sự thăng hóa của tác phẩm.

Nhưng, sống với nghệ thuật là sống với đam mê. Người nghệ sĩ là những người có sức trẻ, luôn tìm tòi ý tưởng, sáng tạo…nên khi đến với nghề này là họ đã phải hiểu và chấp nhận, vượt qua được những thách thức tồn tại để hướng đến một gì đó lớn lao hơn và xa hơn. Hiện nay múa dân gian Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu phát triển nên có rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Cũng chính vì vậy mà không phải sản phẩm nào ra lò cũng nhanh chóng được đón nhận?

Đó là chuyện rất bình thường của nghề nghệ thuật. Sản phẩm ra mắt cần phải có thời gian để định vị, đặc biệt những sản phẩm có gắn yếu tố thị trường thì người nghệ sĩ như chúng tôi phải làm sao để cân bằng giữa giá trị nghệ thuật và yếu tố thị trường, phải giữ được cái hồn của văn hóa nghệ thuật không chệch theo hướng thị trường, mì ăn liền đó mới là cái khó. Tất nhiên sản phẩm thị trường cũng có chỗ đứng riêng, mỗi loại hình nghệ thuật đều có lượng khán giải riêng của nó, tuy nhiên số đông chúng ta vẫn thích đi xem các tác phẩm mang tính chất giải trí nhiều hơn nên những sản phẩm thiên về nghệ thuật mà đặc biệt là múa thường khó khăn hơn.

Vậy nên múa đương đại phải làm sao để đáp ứng được vừa tính nghệ thuật vừa thu hút được khán giả, vừa truyền thống nhưng lại có thở đương đại, không bị lai căng nước ngoài. Hơn nữa, xu thế của người dân Việt Nam vốn ưa chuộng những sản phẩm có yếu tố nước ngoài nên để thay đổi điều đó, để tạo những sản phẩm thuần Việt dành cho người Việt mang tinh hoa đất Việt cần phải có những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, điều đó đòi hỏi bản lĩnh của những người làm nghề.

Tôn vinh văn hóa dân gian Việt Nam là mục tiêu theo đuổi của Hữu Từ-tác phẩm múa Hạt Vàng ấn tượng du khách

Bản lĩnh đó thể hiện như thế nào trong từng tác phẩm của anh?

Có những sản phẩm sao chép của nước ngoài, sao chép nhạc và ghép với văn hóa việt nhưng lại được khán giả đón nhận. Đó là thách thức với những người làm nghệ thuật. Có những show diễn chúng tôi không được đón nhận ngay mà gặp rất nhiều ý kiến trái chiều dù đó là những tác phẩm nghệ thuật đã được trao giải. Những cú shock văn hóa cũng là lẽ thường tình chúng tôi phải đối mặt nhưng chúng tôi đón nhận điều đó trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, cân nhắc những điều chỉnh, biên tập có thể theo mong muốn của khán giả. Bạn biết đấy, múa là ngôn ngữ từ hình thể nhưng để chiều lòng khán giả nhiều khi chúng tôi vẫn phải gắn phụ đề, hay cắt ngắn tác phẩm, chuyển thể màn hình tĩnh,...

Show diễn mới nhất Galina Show Hoa Đất Việt, với hầu hết các tác phẩm đoạt giải nghệ thuật, cũng không tránh khỏi điều này. Có nhiều khi người làm nghệ thuật phải “cắn răng” cắn xén, trong một chừng mực có thể nhưng vẫn giữ vững nguyên tắc nghệ thuật. Những người làm nghề chuyên nghiệp như chúng tôi luôn cố gắng để tạo ra những show nghệ thuật thu hút khán giả chứ không hoàn toàn chạy theo thị hiếu số đông.

Không phải là Galiana show vừa ra mắt đã gây sự chú ý lớn với giới giới nghệ thuật và đông đảo khán giả đón nhận bởi đây là một không gian văn hóa đậm chất nghệ thuật?

Thành công không đến đơn giản như vậy. Nghệ thuật vốn không dễ dàng gì với số đông nên cũng như hầu hết các tác phẩm nghệ thuật thành danh, ngay lúc ra mắt Galina Show Hoa Đất Việt cũng gặp nhiều ý kiến khen chê. Có nhiều người cho rằng Galina Show hơi dài, số khác lại so sánh show diễn với các sản phẩm của Trung Quốc... Tuy nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng, người làm nghệ thuật phục vụ công chúng phải biết lắng nghe một cách chọn lọc, điều chỉnh thích hợp.

Sau 3 tháng dàn dựng, tập luyện, toàn thể diễn viên nhà hát dân gian Á Châu đã được thừa nhận. Đến nay, có thể nói đây là sản phẩm thành công với lượng khách hơn 10 nghìn khán giả chỉ trong 1 tháng. Diễn ra trong 1 giờ, Galina Show bao gồm 12 tác phẩm, kể về những miền di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, từ điệu xòe dân tộc thái, ca trù trong “nét trù”, có yếm đào, có hầu văn Huế, có đờn ca tài tử, có nhã nhạc cung đình… đều được thể hiện qua những điệu múa, hơi thở đương đại.

Điều đặc biệt của Gallina Show là tính thuần Việt “made in Việt Nam” từ con người, đạo diễn, diễn viên… cho đến nội dung kịch bản, âm nhạc tác phẩm. Các tác phẩm Galina Show đều là những sản phẩm đã đoạt giải của hội nghệ sĩ múa Việt Nam, Huy chương vàng toàn quốc, giải tài năng múa Việt Nam, sử dụng nền nhạc múa do các nhạc sĩ viết về nhạc múa nổi tiếng nhất của Việt Nam. Cũng chính vì thế, nó thể hiện rất rõ hồn dân gian Việt Nam trong các tác phẩm Việt.

Ngay khi xem show diễn, Sở văn hóa Nha Trang và nhiều nghệ sĩ đã điện thoại chúc mừng tôi và Nhà hát dân gian Á Châu đã mạnh dạn làm show, đưa tác phẩm múa Việt Nam tâm hồn người Việt vào show diễn. Nhưng đối với chúng tôi việc tạo ra những sản phẩm khiến khán giả không rời mắt khỏi sân khấu luôn là niềm vui và là sự động viên lớn. Chúng tôi muốn giới thiệu khắp năm châu về nền văn hóa dân gian Việt Nam và nghệ thuật múa dân gian đương đại rằng Việt Nam cũng có những sản phẩm nghệ thuật truyền thống đẳng cấp thế giới.

Có thể cho biết tâm huyết của anh?

Sinh ra, học tập và trưởng thành ở Việt Nam, tôi chỉ có một tâm niệm duy nhất là được sống trọn đam mê với nghệ thuật múa, tạo ra được những sản phẩm múa văn hóa dân gian có giá trị nghệ thuật cao để người Việt Nam có thể hiểu và tự hào về văn hóa đất nước mình, để thế giới hiểu hơn về đất nước con người Việt Nam giàu đẹp. Tôi luôn ý thức điều đó trong các tác phẩm do tôi đạo diễn biên đạo múa hay cũng như trong công tác giảng dạy cho học viên tại các trường múa. Tôi rất vui mừng vì thành quả sáng tạo nghệ thuật của mình được thừa nhận với nhiều giải thưởng của Hội nghệ sĩ múa Việt Nam như: Trên dòng sông Lam, Muối mặn tình người (giải A), và của Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc như Lửa - Tình cao nguyên (Huy chương vàng), Hoa lưới (Huy chương bạc)... và cao hơn là danh hiệu nghệ sĩ nhân dân trẻ nhất của nhà nước. Với tôi, phần thưởng nào cũng quý giá, nhưng sự tin yêu và ủng hộ của khán giả mới chính là động lực chắp cánh cho những đam mê nghệ thuật của mình.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.

Thu Huyền - Ảnh: NVCC

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/bien-dao-mua-nsnd-huu-tu-toi-tin-vao-tuong-lai-nghe-mua-dan-gian-viet-nam-83161.html