Biên cương mùa nước nổi- Kỳ 4: Nâng bước học sinh nghèo đến trường

Đến biên cương mùa nước nổi, một hình ảnh đẹp và lạ mà chắc chắn không ai có thể quên khi thấy hàng chục em nhỏ cổ quàng khăn đỏ, mặc áo phao vàng rực, lưng mang cặp sách, đang được các anh bộ đội biên phòng đưa xuống ghe để đến trường.

Người đầu tiên tôi tiếp xúc khi đến làm việc tại đồn BP CKQT Thường Phước là Thiếu tá Nguyễn Vũ Hợp- chính trị viên của đồn. Với dáng dấp thư sinh, ăn nói nhỏ nhẹ, Thiếu tá Hợp trông giống một thầy giáo hơn là một người lính biên phòng. Khi biết chúng tôi cùng tuổi, câu chuyện càng cởi mở hơn. Thấy Hợp rất quen, tôi chợt hỏi, hình như đã gặp nhau ở đâu. Thì ra, mới cách đó hai tuần, Hợp vừa ra Hà Nội, anh là một trong 60 cán bộ chiến sỹ quân hàm xanh trên toàn quốc có thành tích xuất sắc được tuyên dương trong chương trình “Nâng bước em đến trường”. Chương trình mà tôi cũng tham gia tác nghiệp.

Dùng ghe đưa rước học sinh tới trường trong mùa lũ. Ảnh: Xuân Thanh

Thiếu tá Hợp trầm ngâm, đồn BP CKQT Thường Phước đóng quân trên địa bàn thuộc xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, là địa bàn vùng sâu, biên giới của tỉnh, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là người dân sống dọc theo biên giới, trình độ dân trí thấp. Tỷ lệ hộ nghèo nơi đây còn khá cao, áp lực “cơm áo gạo tiền” luôn đè nặng trên vai của họ.

Áp lực đó càng tăng mỗi khi năm học mới bắt đầu nên điều kiện đến trường của con em còn nhều khó khăn, nhất là các em mồ côi cha mẹ càng có nguy cơ bỏ học rất cao… Trước ước muốn được đến trường của các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ và ý nghĩa cao đẹp, giá trị nhân văn sâu sắc của chương trình “Nâng bước em tới trường”. Tôi đã mạnh dạn nêu vấn đề với cấp ủy, Ban chỉ huy đồn tiến hành vận động cán bộ, chiến sĩ đồng cảm chia sẻ.

Từ năm 2014 đến nay, đơn vị đã nhận đỡ đầu lâu dài cho 6 em học sinh (trong đó, có 5 em trên địa bàn đóng quân, 1 em thuộc xã đối diện của nước bạn Campuchia) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với mức 500 ngàn đồng/em/tháng. Tính đến nay, chúng tôi đã trao tặng tổng số tiền là 102 triệu đồng. Hàng năm, vào dịp đầu năm học mới và tổng kết năm học, tôi cũng đề xuất trích từ nguồn tăng gia tự túc của đơn vị trao 18 phần quà là xe đạp, cặp sách… với tổng giá trị hơn 36 triệu đồng. Riêng đầu năm học mới năm 2017 - 2018, tôi cùng đơn vị vận động các mạnh thường quân trên địa bàn tặng 100 phần quà là vở, sách trị giá 20 triệu đồng cho các em có hoàn cảnh khó khăn trước khi vào năm học mới”.

Những trường hợp do đồn Thường Phước hỗ trợ có thể kể tới hoàn cảnh của em Trương Văn Kiệt, học lớp 7 trường THCS Thường Phước 1, cha mẹ em mất sớm do bị bệnh lúc em mới 4 tuổi. Hiện em sống với ông bà ngoại cũng thường xuyên đau yếu phải cầm cố đất để trị bệnh. Em Mool Sray Nich (16 tuổi) quê ở xã Cô Rô Ca, huyện Piêm Chô, tỉnh Prayveng, cha mẹ ly dị, em sống với bà ngoại. Năm nay, em học lớp 7 rất muộn so với tuổi quy định, ngoài giờ học em phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống.

Thiếu tá Nguyễn Vũ Hợp (thứ hai từ trái sang) trao tiền đỡ đầu cho học sinh Campuchia với sự chứng kiến của đại diện BGH nhà trường và chính quyền xã Cô Rô Ca, PrayVeng. Ảnh: Xuân Thanh

Còn trên toàn tỉnh Đồng Tháp, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh cũng đã hỗ trợ rất nhiều học sinh có hoàn cảnh rất đáng thương. Như em Houn Bon Đin năm nay 15 tuổi học lớp 10 ở xã Sa Đách, huyện Pres Sa Đách, tỉnh Preyveng.

Cha chết vì tai nạn giao thông, mẹ bị bệnh tiểu đường. Sau thời gian đi học, em phải đi vác lúa thuê để kiếm tiền trang trải việc học và lo thuốc men cho mẹ. Hay hoàn cảnh em Nguyễn Văn Thiện (học sinh lớp 5, trường tiểu học Bình Thạnh, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự) sớm chịu cảnh mồ côi nhưng mấy năm qua em luôn đạt học sinh giỏi. Cha em bị bạo bệnh và đã mất năm 2007, từ khi em mới chào đời, chưa cảm nhận được tình cảm của cha dành cho con.

Không lâu sau, năm 2012, khi em chuẩn bị vào học lớp 1 thì người mẹ lại mất đi vì bệnh tật, vậy là cả cha và mẹ đã bỏ 2 chị em Thiện ra đi vĩnh viễn, để lại 2 đứa con thơ dại nên 2 chị em Thiện phải sống trong sự yêu thương đùm bọc của ông bà nội già yếu.

Kiểm tra, đôn đốc các em làm bài tại nhà. Ảnh: Xuân Thanh

Những việc làm thiết thực của cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Đồng Tháp không chỉ giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn nuôi dưỡng, thắp sáng ước mơ, hoài bão cho các em mà góp phần thắt chặt tình quân dân.

Được biết, để thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” đạt hiệu hiệu quả và tạo sức lan tỏa, Thiếu tá Hợp đã đề xuất với cấp ủy, chỉ huy đồn đảm nhận triển khai thực hiện chương trình và xác định là công trình thanh niên hàng năm của chi đoàn. Phát động toàn thể cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị trích góp từ tiền lương, phụ cấp hàng tháng để nhận đỡ đầu các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn để các em được cắp sách tới trường.

Đối tượng nhận đỡ đầu là những học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 có tinh thần ham học, có ý chí, nghị lực vươn lên và luôn nuôi dưỡng ước muốn được đến trường nhưng hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ.

Dù bận công việc chuyên môn, nhưng cứ vào tuần đầu các tháng, anh lại cùng với đoàn viên, thanh niên chủ động liên hệ với gia đình, nhà trường và địa phương tiến hành đến từng nhà, từng lớp trao tiền tận tay cho cha mẹ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng các em. Riêng đối với em học sinh người Campuchia thì thông qua hoạt động trinh sát ngoại biên của đơn vị, thường xuyên phối hợp với chính quyền, nhà trường phía xã bạn để nắm kết quả học tập rèn luyện và trao tiền hàng tháng.

Cùng với đó,BĐBP còn chủ động phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường lập sổ theo dõi kết quả học tập và rèn luyện của các em để kịp thời giúp đỡ, tháo gỡ những khó khăn cũng như động viên các em nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn vươn lên trong học tập.

Một điều rất đáng mừng theo lời Thiếu tá Hợp chia sẻ là kết quả học tập của 6 em được nhận giúp đỡ từ năm 2014 đến nay đều đạt khá, giỏi và được khen thưởng. Riêng năm học 2016 – 2017 vừa có 1 em học lực xuất sắc, 3/6 em đạt học lực giỏi, 1 em đỗ vào ĐH.

Mùa nước nổi thường kéo dài tới 5-6 tháng, khi nước lũ tràn về, rất nhiều cụm dân cư bị chia cắt hoàn toàn, những ngôi nhà nằm thoi loi trên những cồn đất như một ốc đảo, biệt lập với đất liền. Đồng bào ở đây ai cũng hiểu, việc học hành của con em là cần thiết, nhưng nhiều gia đình phải cho con thôi học do không có xuồng ghe để đưa đón con đi học. Chứng kiến những điều đó, các cán bộ, chiến sỹ tại đồn BP CKQT Dinh Bà đã vào cuộc. Lãnh đạo đồn cùng UBND hai xã Bình Phú và Tân Hộ Cơ đã chủ động phối hợp, tìm cách đưa các em đến trường.

Tắc ráng thì sử dụng của đồn, áo phao thì những em lớn dùng của anh em trong đơn vị; ngoài ra, xã vận động quyên góp ủng hộ tiền mua áo phao cho các em nhỏ; gia đình nào có điều kiện thì tự mua. Mỗi tháng phải chi phí khoảng hơn chục triệu đồng tiền dầu, các đơn vị chia nhau cùng đóng góp.

Hàng ngày, đơn vị cử hai cán bộ, chiến sĩ, một chạy máy, một ngồi lái và xã cử một đại diện phụ huynh đi theo để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các cháu. Mùa lũ, các em không phải nghỉ học, không còn nguy hiểm luôn rình rập trên đường cắp sách đến trường. Hình ảnh các anh bộ đội cài từng nút áo phao, đưa từng em học sinh lên tắc ráng thật xúc động và trở nên thân quen với nhân dân ở vùng biên giới còn lắm khó khăn này.

Thấu hiểu được khát khao của các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn các xã biên giới, từ năm học 2016 đến nay, chương trình “Nâng bước em tới trường” đã được BĐBP tỉnh Đồng Tháp tích cực triển khai và thực hiện sâu rộng trong toàn đơn vị. Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương, nhà trường để khảo sát nắm và hỗ trợ các em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, có nguy cơ phải bỏ học được tiếp tục đến trường để thực hiện ước mơ “Học để ngày mai lập nghiệp”.

Hiện nay đơn vị đang nhận đỡ đầu 42 em học sinh nghèo trên địa bàn 8 xã biên giới và 2 xã, phường nội địa nơi đóng quân, trong đó có 5 em là học sinh của nước bạn Campuchia. Mỗi em học sinh được đơn vị nhận đỡ đầu trong chương trình “Nâng bước em tới trường” đều nhận được số tiền 500 nghìn đồng/tháng, tính từ khi nhận đỡ đầu cho đến khi học xong lớp 12. Hiện, số tiền hỗ trợ tới thời điểm này là 336 triệu đồng.

Ngoài ra, cán bộ của các đội công tác thuộc đồn BP thường xuyên tới nhà thăm hỏi, động viên, đồng thời chỉ dạy các em học bài, chăm lo về vật chất, tinh thần, trau dồi phẩm chất đạo đức để các em phát triển toàn diện.

(Còn nữa)

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/bien-cuong-mua-nuoc-noi-ky-4-nang-buoc-hoc-sinh-ngheo-den-truong-108889.html