'Biên cương đã sạch bóng thù, đồng đội ơi...'

Đã lâu rồi những người chiến sĩ năm xưa mới có dịp ngồi với nhau đông đủ như hôm nay…

14 giờ ngày 23-1, những người lính bảo vệ biên giới phía Bắc từ năm 1979 được gặp nhau ở thủ đô Hà Nội. Có người phải ngồi xe lăn, chống nạng nhưng trên khuôn mặt ai cũng vui mừng vì gặp lại đồng đội từng chia nhau củ khoai, củ sắn…

Thượng úy Nguyễn Văn Học, Trung đoàn 123 (chiến trường Lạng Sơn), rất xúc động khi được ngồi chung với các đồng đội nhân lễ kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc do Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam… tổ chức. Theo ông Học, đã lâu rồi những người chiến sĩ năm ấy mới có dịp ngồi với nhau đông đủ như hôm nay…

“Em sẽ thay anh chăm sóc các con”

Là khách mời trò chuyện tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Sửu (vợ liệt sĩ Hoàng Trọng Thúy) cho biết rất xúc động khi mọi người luôn nhớ về những người lính biên cương đã ngã xuống vì đất nước.

Nhắc về câu chuyện của mình, bà Sửu tâm sự: Đám cưới của bà diễn ra vào mùng 4 Tết và sáng mùng 5, anh Thúy phải về lại Trường Quân chính (Tuyên Quang). Sau đó anh Thúy được điều động lên bảo vệ biên giới phía Bắc. Ngày 20-6-1987, bà nhận được tin chồng hy sinh tại Hà Giang.

“Lúc đó tôi mới 27 tuổi và hai con rất nhỏ” - bà Sửu nhớ lại và lấy tay lau nước mắt rồi kể tiếp: “Mỗi lần nhìn di ảnh chồng đặt trước bàn thờ, tôi thầm nói với chồng anh cứ an tâm. Vì lúc anh còn sống và bận đi công tác, em cũng nói anh cứ yên tâm công tác, mọi việc ở nhà đã có em... Giờ anh hy sinh vì Tổ quốc, em sẽ thay anh vừa là cha vừa là mẹ chăm sóc hai con khôn lớn, trưởng thành…” - bà Sửu nghẹn ngào nói.

Qua đây bà Sửu cũng không quên lời cám ơn đến người thân, đặc biệt là đồng đội của chồng, anh Đào Đắc Điểm, suốt những năm qua đã giúp đỡ mẹ con bà. “Anh Điểm từng hứa với anh Thúy: “Anh đã hy sinh vì đất nước, nếu tôi còn sống trở về quê, tôi sẽ nuôi con anh như con tôi…” nên anh Điểm thường giúp các cháu chiếc cặp, cuốn sách… Nhờ vậy mà tôi đã vượt qua khó khăn…” - bà Sửu kể lại.

Những người lính bảo vệ biên giới phía Bắc năm xưa. Ảnh: VIẾT LONG

Những người lính bảo vệ biên giới phía Bắc năm xưa. Ảnh: VIẾT LONG

“Yên vui nhé đồng đội ơi”

Cũng chia sẻ tại buổi lễ, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2, Trưởng Ban liên lạc, ôn lại những thời khắc ác liệt của mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) với những chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta diễn ra 10 năm trời, 1979-1989. Cuộc bảo vệ biên giới phía Bắc theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy là cuộc chiến tranh quy mô lớn và ác liệt.

“Giờ chiến tranh đã kết thúc, tuy nhiên còn nhiều hài cốt của liệt sĩ vẫn nằm dọc biên giới. Bây giờ chúng ta phải có trách nhiệm quy tập đưa các đồng đội về với đất mẹ…, nếu không vài chục năm nữa các thi hài sẽ thành nước, thành đá… ” - ông Huy nhấn mạnh.

Sau phút trò chuyện ngắn, nhạc sĩ Trương Quý Hải, một cựu chiến binh của F356, đứng dậy bước ra sân khấu cầm theo chiếc đàn guitar gảy những âm giai rất lính với ca khúc quen thuộc Về đây đồng đội ơi (ca khúc tưởng niệm của những cựu binh mặt trận Vị Xuyên) như bao lần anh đã hát ở nơi biên ải.

“Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu/ Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào/ Được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình/ Quân dân nồng ấm nghĩa tình”.

Thời lính, trong câu chuyện của lính trẻ giữa hai trận đánh bao giờ cũng là quê hương, cha mẹ và oách nhất chưa chắc đã là thủ trưởng mà là đứa nào có... em gái ở quê. Vậy rồi hẹn hò ngày hòa bình trở về, ghé thăm nhau, hứa hẹn gả em gái ở nhà cho đồng đội… Với mạch cảm xúc đó, ca khúc Hát cho người còn sống ra đời. Và tại đây, nhạc sĩ Trương Quý Hải lại kết thúc buổi lễ bằng những khúc hát thân thương.

“Biên cương đã sạch bóng thù, đồng đội ơi còn sống về đi!/ Trở về mái ấm quê hương, tiện đường ghé thăm nhà tôi/ Nhà tôi góc phố, nhà tôi cuối làng/ Tôi biển cát trắng, tôi xóm bên sông/ Mẹ hay nước mắt, cha thường lặng lẽ/ Em tôi ngoan lắm, trăng non tóc thề…

Người yêu may mắn phụng dưỡng cha mẹ/ Người thầm ao ước chiều vợ thương con/ Người năm tháng sống tặng đồng đội tôi/ Yên vui nhé đồng đội ơi!...”.

Tiếng đàn guitar bỗng ngừng, cả hội trường ai cũng đỏ hoe đôi mắt, có người cố giấu đi giọt nước mắt đang trào ra như đang ngồi cạnh những nấm mồ nơi biên ải…

Những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ

Tham dự buổi gặp mặt có 238 đại biểu người có công tiêu biểu, trong đó 24 đại biểu là người dân tộc thiểu số; một mẹ Việt Nam anh hùng; ba anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 174 thương binh, 23 bệnh binh; 37 thân nhân liệt sĩ; một gia đình có công với cách mạng. 238 đại biểu là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo và học tập.

Cuộc gặp mặt là dịp thể hiện sự tri ân, quan tâm, chăm lo sâu sắc của Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước đối với người có công với cách mạng nói chung và người có công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng khẳng định hằng năm ngân sách nhà nước đã dành nhiều ngàn tỉ đồng để thực hiện chính sách trợ cấp, chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo, miễn/giảm thuế, cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình người có công với cách mạng…

VIẾT LONG

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/bien-cuong-da-sach-bong-thu-dong-doi-oi-814520.html