Biến COVID-19 thành dự án

Là một chuyên gia ẩm thực nổi tiếng bị 'kẹt' lại giữa tâm dịch Ðà Nẵng, bạn sẽ làm gì? Là chủ một công ty điện lạnh nhưng bất ngờ trở thành bệnh nhân COVID-19, bạn sẽ làm gì? Hai nhân vật dưới đây có cách trả lời của mình.

Cô Nguyễn Trúc Chi lựa chọn “kẹt” lại Ðà Nẵng và thành lập các bếp cơm an toàn Danang Kitchen để góp sức cùng thành phố chống dịch, Ảnh: NVCC

Cô Nguyễn Trúc Chi lựa chọn “kẹt” lại Ðà Nẵng và thành lập các bếp cơm an toàn Danang Kitchen để góp sức cùng thành phố chống dịch, Ảnh: NVCC

Mở nhà hàng giữa tâm dịch

Trong suốt hơn 1 tháng Ðà Nẵng trở thành tâm điểm của dịch COVID-19, Danang Kitchen ra đời và luôn đỏ lửa. Một nghịch lý, bởi thời gian này tất cả mọi hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại thành phố đều bị đình chỉ. Nhưng sự hợp lý, và cả hợp tình, bởi đây là một “bếp cơm” thiện nguyện, phục vụ cho tuyến đầu các khu cách ly, bệnh viện,...

Người sáng lập dự án Danang Kitchen là cô Nguyễn Trúc Chi, 50 tuổi, chuyên gia hàng đầu về đầu bếp, ẩm thực, bartender đến từ TPHCM. Cô từng là hiệu trưởng một trường đào tạo nghề, một diễn giả, chuyên gia hướng dẫn đào tạo nhiều thế hệ đầu bếp, kinh doanh ẩm thực… Ðến Ðà Nẵng vào những ngày bùng phát dịch COVID - 19 trở lại, dù có nhiều lựa chọn để trở về nhưng cô vẫn ở lại.

Ðà Nẵng những ngày đầu mới bùng dịch căng như dây đàn, điều đó khiến cô Chi cũng không thể ngồi yên. Dù trước đó chưa từng dạy online, nhưng cô Chi vẫn quyết định mở một khóa học để lấy học phí quyên góp cho thành phố chống dịch. “Ban đầu, tôi định tìm một bếp cơm để ủng hộ toàn bộ số tiền, nhưng sau khi tìm hiểu, tôi không tìm được nơi nào đảm bảo. Thế nên tôi quyết định thành lập một bếp cơm thiện nguyện với quy trình an toàn đạt chuẩn, bởi thời điểm đó, thứ chúng ta đang đối mặt là virus nguy hiểm”, cô Chi nói.

Cô kết nối với cộng đồng F&B (dịch vụ về phục vụ ẩm thực) Ðà Nẵng và xây dựng bếp cơm đầu tiên trên địa bàn quận Sơn Trà vào đầu tháng 8/2020. Rất nhanh chóng, Danang Kitchen lan tỏa trong cộng đồng F&B Ðà Nẵng và nhận được sự chung tay hỗ trợ của khoảng 100 nhà hàng, cửa hàng trên địa bàn. Từ một bếp cơm đầu tiên ở quận Sơn Trà, Danang Kitchen đã thành lập thêm 2 bếp cơm ở quận Hải Châu và 1 bếp ở quận Liên Chiểu. Mỗi ngày, 4 bếp cơm luôn đỏ lửa với sự hỗ trợ của khoảng 100 tình nguyện viên, nấu hàng ngàn suất cơm phục vụ tuyến đầu chống dịch.

“Thời điểm đó, các nhà hàng đều tắt lửa. Danang Kitchen chính là nơi gom lửa ở các bếp trên khắp Ðà Nẵng để tạo một bếp lửa lớn, an toàn, chuyên nghiệp để chung sức cùng thành phố chống dịch”, cô Chi nói. Là một trong những địa điểm đặt bếp của Danang Kitchen, những ngày bùng dịch, Khói Garden đang hoàn thiện để chuẩn bị khai trương vào đầu tháng 8. Thế nhưng, chẳng có lễ khai trương nào cả, bếp của Khói Garden đỏ lửa theo các rất khác, trở thành “bếp cơm” của tuyến đầu chống dịch.

Cứ mỗi sáng, gần 20 tình nguyện viên bịt khẩu trang kín mít, chụp mũ trùm đầu hối hả lựa chọn, sơ chế nguyên liệu, chế biến, đóng gói... “Ðà Nẵng ổn thì những nhà hàng như chúng tôi mới có cơ hội kinh doanh trở lại”, anh Trần Phi Long, quản lý Khói Garden, cho hay.

Từ Hà Nội đến Ðà Nẵng vào cuối tháng 4 để xây dựng Khói Garden, rồi ở lại qua hết những ngày tháng dịch bệnh, trong bếp của Danang Kitchen, anh Long lăn xả làm hết mọi công việc, hỗ trợ đôn đốc mọi người đảm bảo quy trình chuẩn.

Hay như chị Lê Thị Bích Hương- Giám đốc truyền thông của một công ty du lịch, cũng xắn tay hỗ trợ Danang Kitchen mà không trở về quê dù gia đình hết sức lo lắng. “Những ngày gắn bó với Danang Kitchen, tôi học được nhiều thứ, đem những kỹ năng của mình để lan tỏa và phát triển dự án, góp phần kêu gọi huy động nguồn lực để duy trì hoạt động của bếp, cùng với Danang Kitchen góp một phần cùng thành phố vượt khó”, chị Hương cho hay.

Cầu nối lan tỏa sự tử tế

Công ty của gia đình phải tạm ngừng hoạt động khi Ðà Nẵng cách ly xã hội, bản thân và con trai bị mắc COVID - 19, anh Mai Anh Ðức (Bệnh nhân 687), 38 tuổi, trú tại quận Hải Châu, Ðà Nẵng vẫn khởi xướng một dự án mang tên 687 - con số gắn với anh trong những ngày điều trị ở Bệnh viện dã chiến Hòa Vang - nhằm cung cấp nước sát khuẩn đạt chuẩn miễn phí cho các bệnh viện, trường học, chợ...

Dự án 687 trao tặng dung dịch nước sát khuẩn cho 211 trường học trên địa bàn Ðà Nẵng, Ảnh: NVCC

Ban đầu, Dự án 687 chỉ là sự tri ân của anh đối với đội ngũ y bác sĩ, lực lượng phòng chống dịch đã điều trị và hỗ trợ cho cả gia đình anh. Tuy nhiên, qua gần 1 tháng, Dự án 687 lại trở thành nơi kết nối những tấm lòng doanh nghiệp muốn góp sức cho Ðà Nẵng chống dịch.

Những ngày đầu khi anh Ðức đang chuẩn bị và viết bài đăng đầu tiên kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng, tài chính trở thành vấn đề khó khăn nhất của cả nhóm dự án. Anh Ðức phải “cầm lên đặt xuống” để tính toán chi phí làm máy sát khuẩn tự động, buồng khử khuẩn... như thế nào để vừa đảm bảo, vừa tiết kiệm.

Tuy nhiên, thông qua sự lan tỏa của truyền thông và mạng xã hội, Dự án 687 trở thành nơi kết nối của những điều tử tế. “Vào thời điểm tôi cảm thấy bế tắc nhất, thì có nhiều tấm lòng mang đến cho tôi sự hỗ trợ to lớn, tiếp sức để tôi hoàn thành dự án ý nghĩa này”, anh Ðức chia sẻ.

Ðó là chiếc máy tạo nước sát khuẩn PG3.0 được một người bạn, cũng là chủ tịch của tập đoàn phân phối sản phẩm này tài trợ miễn phí để anh bắt đầu dự án. Ðó là chủ nhà hàng ở quận Liên Chiểu tìm đến chia sẻ công nghệ để Dự án 687 hoàn thành chiếc buồng khử khuẩn đầu tiên tặng Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Ðó là quản lý showroom của một công ty sản xuất nhựa khi nghe về dự án đã chủ động đề xuất với Ban giám đốc công ty giảm giá cho tất cả các sản phẩm can nhựa mà dự án đặt mua...

Anh Mai Anh Ðức là một chủ công ty cũng là 1 bệnh nhân COVID-19 sáng lập dự án 687 cung cấp nước sát khuẩn đạt chuẩn cho các bệnh viện, khu cách ly, trường học... Ảnh: NVCC

Sự tiếp sức của cộng đồng đã thôi thúc các thành viên của nhóm dự án quyết tâm thực hiện tiếp chiến dịch cung cấp nước sát khuẩn đạt chuẩn cho các trường học trên địa bàn.

Hơn 1 tháng duy trì hoạt động, Danang Kitchen đã nhận được gần 590 triệu đồng tiền mặt cùng rất nhiều lương thực, thực phẩm... của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm góp sức cùng Ðà Nẵng chống dịch. 4 bếp của Danang Kitchen liên tục đỏ lửa, nấu hơn 17 nghìn suất ăn và 8.300 phần thức uống và trái cây tới hơn 20 địa chỉ tuyến đầu chống dịch, khu cách ly, bệnh viện...

Giang Thanh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bien-covid19-thanh-du-an-1734125.tpo