Biến cố khiến hội nghị thượng đỉnh EU phải kéo dài

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) dự kiến tổ chức trong hai ngày 17 và 18-7 tại Brussels để tìm kiếm sự đồng thuận về kế hoạch phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, hai ngày họp chính thức đã rơi vào bế tắc và cuộc họp phải kéo dài sang ngày làm việc thứ ba 19-7, theo giờ châu Âu. Nguyên nhân của sự bế tắc là do 'nhóm các quốc gia khắc khổ', với đại diện là Hà Lan, không chấp nhận kế hoạch phục hồi 750 tỷ euro, do Đức và Pháp chủ trương, với các điều kiện như hiện tại.

Thiếu sự đồng thuận

Đề xuất đầu tiên về gói phục hồi trị giá 750 tỷ euro với mục tiêu khắc phục những thiệt hại do cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra, cải tổ nền kinh tế và định hình lại xã hội trên tinh thần đồng nhất, thích ứng và chuyển đổi. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước thành viên chủ trương tiết kiệm chi tiêu như Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch.

Đây là lần đầu tiên trong 5 tháng qua lãnh đạo các nước EU gặp mặt trực tiếp, tức là kể từ đầu đại dịch COVID-19. Tìm được đồng thuận về kế hoạch phục hồi kinh tế được coi là thách thức sống còn với khối 27 nước, trong bối cảnh nhiều quốc gia EU rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng do dịch bệnh. Khu vực đồng euro có nguy cơ tan vỡ nếu các nước EU không đạt đồng thuận.

Cho dù các thảo luận diễn ra được coi là “mang tính xây dựng”, EU còn rất xa mới đạt được đồng thuận. Căng thẳng hiện rõ xung quanh lập trường bị coi là “quá cứng rắn” của Hà Lan liên quan đến việc kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các khoản tín dụng dành cho những nước gặp khó khăn. Nhân danh "nhóm các quốc gia khắc khổ," Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đòi hỏi quyền được xem xét việc sử dụng các khoản tiền nằm trong kế hoạch chấn hưng. Theo ông, các nước được hưởng ưu đãi này, trước hết là Tây Ban Nha và Italy, cần đưa ra được những bảo đảm về cải cách, với một mức độ tương tự như với các cải cách khó khăn trong lĩnh vực hưu trí, hay thị trường lao động, được tiến hành những năm gần đây tại Hà Lan.

Thủ tướng Hà Lan thậm chí yêu cầu các kế hoạch phục hồi kinh tế của những nước được hưởng tài trợ phải được 27 nước nhất trí thông qua. Dư luận cho rằng Hà Lan là một trường hợp cá biệt, đòi hỏi của Thủ tướng Hà Lan vượt quá yêu cầu của các quốc gia khắc khổ khác. Tuy nhiên, Phần Lan, Thụy Điển, Áo và Đan Mạch có thể đã cố tình để cho Amsterdam thể hiện quan điểm như vậy.

EU đang đối mặt thời điểm nhiều khó khăn

EU đang đối mặt thời điểm nhiều khó khăn

Bế tắc và phức tạp

Đối với đa số các nước, đặc biệt là các nước miền Nam châu Âu, việc kiểm soát ở mức độ như vậy là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Các quốc gia này có kinh nghiệm cay đắng về các liệu pháp sốc để đổi lại các kế hoạch trợ giúp của châu Âu trong cuộc khủng hoảng tài chính trước đây. Ngược lại, đã có một số thay đổi theo hướng cởi mở hơn, ngay trong nội bộ nhóm các nước khắc khổ: Thủ tướng Áo Sebastian Kurz dường như đã từ bỏ thái độ đối lập không khoan nhượng đối với khả năng là, ngân sách hỗ trợ 750 tỷ euro có thể được huy động thông qua các khoản vay trên các thị trường tài chính.

Phát biểu với báo giới sau hai ngày làm việc chính thức, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, một trong những nước EU bị ảnh hưởng lớn nhất bởi khủng hoảng COVID-19, nói: “Chúng ta đang bế tắc. Mọi chuyện rất phức tạp, phức tạp hơn dự đoán. Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để đạt được một thỏa thuận vào ngày mai. Việc trì hoãn thêm nữa sẽ không có lợi cho bất kỳ ai.”

Trong ngày họp làm việc thứ ba, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel dự kiến đệ trình một kế hoạch mới vào 10h GMT. Sau đó, lãnh đạo các nước EU, bao gồm các nước chủ chốt như Đức, Pháp và Hà Lan, sẽ thảo luận xuyên đêm để đàm phán về đề xuất mới. Theo kế hoạch mới, khoản ngân sách phục hồi ở mức 750 tỷ euro sẽ được giữ nguyên, nhưng khoản hỗ trợ sẽ giảm từ 500 tỷ euro xuống còn 450 tỷ euro, trong khi các khoản vay sẽ tăng từ 250 tỷ euro lên 300 tỷ euro. Kế hoạch mới của ông Michel còn bao gồm công cụ “phanh khẩn cấp,” trong đó cho phép bất kỳ thành viên nào cũng có 3 ngày bảo lưu ý kiến về kế hoạch cải cách của quốc gia khác.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cướp đi sinh mạng của 135.000 người dân châu Âu, EU đang thương lượng các thỏa thuận mua trước vaccine tiềm năng chống COVID với các hãng bào chế thuốc Moderna, Sanofi và Johnson & Johnson và hai công ty công nghệ sinh học BioNtech và CureVac. Những cuộc đàm phán này tiếp theo một thỏa thuận đạt được hồi tháng 6 của bốn nước EU với AstraZeneca về việc mua trước 400 triệu liều vaccine tiềm năng chống COVID, trên nguyên tắc tất cả 27 nước EU đều có thể tiếp cận.

Các cuộc thương lượng liên tiếp diễn ra cho thấy quyết tâm của EU trong việc mua vaccine và thuốc điều trị COVID sau khi Washington sớm có hành động tương tự. Một phát ngôn viên của EU nói ngày 17-7: “Chúng tôi đang thảo luận với một vài công ty về vaccine COVID-19. Có hơn 150 vaccine tiềm năng đang được phát triển và thử nghiệm trên toàn thế giới. Trong số 23 cuộc thử nghiệm lâm sàng trên người, ít nhất có 3 vaccine đang trong Giai đoạn 3 của thử nghiệm.

Trong các cuộc thương lượng của EU, tiến triển nhất dường như là với công ty Johnson & Johnson và Sanofi vì EU đã thảo luận chi tiết về số liều cần thiết. Với công ty khổng lồ Johnson & Johnson của Mỹ, EU đang thương thảo về mức cung 200 triệu liều vaccine tiềm năng. EU cũng lên kế hoạch làm sao trong nửa cuối năm sau có được 300 triệu liều vaccine tiềm năng của công ty Sanofi của Pháp cộng tác với công ty GlaxoSmithKline Plc của Anh.”

Một khi đạt được thỏa thuận, các nước EU có thể đặt hàng với công ty bào chế để có được số lượng chính xác cho dân số của họ. Nếu liều lượng vaccine thành công không đủ cho toàn bộ dân số EU, vaccine sẽ được phân phối căn cứ trên dân số học và những dữ liệu dịch tễ học.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bien-co-khien-hoi-nghi-thuong-dinh-eu-phai-keo-dai-201986.html