Biến chủng virus đang 'tàn sát' người dân Nam Mỹ

Làn sóng dịch bệnh mới đang tấn công khu vực Nam Mỹ, đẩy nhiều quốc gia đến bên bờ vực sụp đổ hệ thống chăm sóc y tế.

Khi biến chủng P1, có nguồn gốc từ Brazil, quét qua thủ đô Lima của Peru tháng trước, Rommel Herida phải đưa 3 người thân trong gia đình là cha, mẹ và anh trai nhập viện. Họ đều mắc Covid-19, theo Guardian.

"Tôi hứa sẽ đưa họ về nhà", Rommel nói, giọng của người đàn ông méo đi sau hai lớp khẩu trang đeo trên mặt.

Ông Rommel cuối cùng thất hứa. Chỉ ba ngày sau, anh trai của Rommel là Juan Carlos, 52 tuổi, qua đời khi đang chờ đến lượt được sử dụng phòng điều trị tích cực tại bệnh viện Rebagliati ở thủ đô Lima.

Ngay ngày hôm sau, người mẹ 80 tuổi của Rommel tử vong vì viêm não, triệu chứng bác sĩ cho biết là do Covid-19. Sau cái chết của người mẹ 4 ngày, cha của ông Rommel cũng qua đời.

"Nỗi đau thực sự quá lớn, tôi không thể đối mặt với sự thật này", ông Rommel không giấu nổi sự thống khổ.

Cuộc 'tàn sát' ở Nam Mỹ

Hôm 18/4, Peru trải qua ngày chết chóc nhất kể từ khi đại dịch bùng phát với 433 bệnh nhân qua đời vì Covid-19, nâng tổng số trường hợp tử vong lên hơn 57.000. Nhà chức trách nước này cảnh báo các biến chủng mới, trong đó nghiêm trọng nhất là biến chủng P1, đang đẩy Peru vào làn sóng dịch bệnh tiếp theo.

Và Peru không phải ngoại lệ ở Nam Mỹ. Các quốc gia Mỹ Latin đang chìm trong tuyệt vọng khi biến chủng P1 lây lan nhanh hơn bao giờ hết, khiến tình hình dịch bệnh ngày một trầm trọng hơn.

Số ca mắc mới và tử vong một lần nữa tăng trở lại tại các nước Argentina, Boliva, Peru, Venezueala và Uruguay, biến chủng P1 được cho là nguyên nhân phía sau làn sóng dịch bệnh mới.

 Các bệnh viện ở nhiều thành phố Nam Mỹ quá tải vì quá nhiều bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: AP.

Các bệnh viện ở nhiều thành phố Nam Mỹ quá tải vì quá nhiều bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: AP.

"Biển chủng Brazil đã xâm nhập gần như mọi ngóc ngách ở khu vực", Bộ trưởng Y tế Peru Osscar Ugarte cảnh báo. Peru, một trong những ổ dịch nghiêm trọng nhất thế giới, nay đang bước vào giai đoạn chết chóc nhất của đại dịch.

Ester Sabino, nhà khoa học Brazil theo dấu sự phát tán của biến chủng P1, cho biết phân tích di truyền xác nhận biến chủng P1 xuất hiện từ thành phố Manaus ở bang Amazon của Brazil vào nửa cuối tháng 11/2020.

Chỉ trong vài tuần, Manaus nổi tiếng khắp thế giới sau khi các bệnh viện thành phố quá tải vì làn sóng bệnh nhân tăng nhanh đột biến. Biến chủng P1 đánh gục hệ thống y tế tại những nơi nó đi qua, làm các kho dự trữ dưỡng khí cạn kiệt, khiến nhiều bệnh nhân tử vong vì không được điều trị kịp thời.

"Điều chúng tôi đang chứng kiến là một cuộc tàn sát", một nhân viên y tế tại Manaus cho biết.

Ông Sabino ban đầu hy vọng làn sóng dịch bệnh ở Brazil, cùng sự phát tán của biến chủng P1, có thể được kiểm soát vào năm 2021 khi vaccine bắt đầu được phân phối rộng rãi.

Nhưng nhà chức trách Brazil đã thất bại. Sự lây lan của biến chủng P1 giờ đã hoàn toàn vượt ngoài tầm kiểm soát.

Tại Araraquara, thành phố ở phía nam Sao Paulo, lệnh phong tỏa đã được ban bố sau khi các ca bệnh dương tính với biến chủng P1 bùng nổ.

Trên khắp Brazil, các bệnh viện ngập tràn bệnh nhân mắc Covid-19, rất nhiều người ở độ tuổi thanh niên, điều trái ngược với diễn biến trong thời gian đầu dịch bệnh mới bùng phát.

Số ca tử vong ở Brazil đã tăng gấp đôi chỉ sau ba tháng, từ 195.000 ca vào đầu tháng 1 đã tăng lên hơn 384.000 trường hợp tính tới ngày 23/4.

"Biến chủng này không chỉ lây lan mạnh hơn nhiều, nó còn làm giảm đáng kể hiệu quả của vaccine, làm tăng tỷ lệ tái lây nhiễm", Antonio Quispe, chuyên gia dịch tễ học người Peru, cho biết.

Ông Quispe miêu tả biến chủng P1 lây lan "nhanh và tàn bạo", mang lại cơn ác mộng tồi tệ cho khu vực Nam Mỹ.

Vườn ươm các biến chủng nguy hiểm

Lo sợ các biến chủng mới với khả năng kháng vaccine, chính phủ một số nước đã siết chặt kiểm soát giao thông và đóng cửa biên giới với khu vực Nam Mỹ. Mới đây, Pháp đã cấm toàn bộ chuyến bay từ Brazil, Thủ tướng Pháp Jean Castex lý giải Brazil đang trải qua dịch bệnh "khủng khiếp".

"Châu Âu có quyền sợ hãi trước điều đang xảy ra ở Brazil. Virus càng lây lan mạnh, càng nhiều biến chủng mới xuất hiện. Tình hình giờ đã cực kỳ, cực kỳ nghiêm trọng", Marcos Boulos, chuyên gia bệnh truyền nhiễm từ Đại học Sao Paulo, nói.

Những quốc gia Nam Mỹ, nơi dịch bệnh đang lây lan ngoài tầm kiểm soát, mang lại môi trường lý tưởng ươm mầm các biến chủng virus mới, ông Boulos cảnh báo.

Nhận định của ông Boulos đã đúng ở Ấn Độ. Biến chủng B.1.617 - biến chủng Ấn Độ - là sản phẩm từ tình trạng siêu lây nhiễm tại quốc gia Nam Á.

Tuần qua, Ấn Độ đã hai lần lập kỷ lục thế giới về số ca mắc virus corona trong các ngày 22-23/4. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi so sánh cuộc khủng hoảng y tế giống như "cơn bão" càn quét khắp đất nước.

Nhà khoa học Miguel Nicolelis chỉ trích sách lược sai lầm của chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro đã biến Brazil, quốc gia đông dân nhất Nam Mỹ, trở thành hiểm họa virus corona toàn cầu.

Quan tài mang xác bệnh nhân Covid-19 tử vong được đưa tới nghĩa trang ở Manaus, Brazil. Ảnh: AFP.

"Brazil giờ giống như một vườn ươm, tạo ra đủ loại biến chủng virus", ông Nicolelis nói. Nhà khoa học cảnh báo, dù một số đột biến có thể khiến virus suy yếu, những đột biến khác lại có nguy cơ khiến virus lây lan mạnh hơn, hoặc làm tăng độc lực của chúng.

Nhà khoa học cũng gióng hồi chuông cảnh báo về tình hình dịch bệnh tại quốc gia 1,3 tỷ dân Ấn Độ.

"Biến chuyển có thể xảy ra thậm chí còn nhanh hơn ở đó. Ấn Độ đang dọn đường cho sự ra đời của vô số đột biến. Đó là một viễn cảnh đáng sợ", ông Nicoleles cảnh báo.

"Các nước như Brazil và Ấn Độ không thể bị hắt hủi hay bỏ rơi. Họ cần được giúp đỡ, bởi dịch bệnh không phải là vấn đề riêng của nước nào, đây là vấn đề của toàn thế giới", ông Nicolelis cho biết.

Tại Lima, ông Rommel đến nay vẫn không biết loại biến chủng virus nào đã cướp đi sinh mạng 3 người thân của mình. Dù vậy, người đàn ông hiểu rõ quy mô thảm họa đang nhấn chìm đất nước, nơi hơn 57.000 người đã chết vì Covid-19.

"Có đến 30 bệnh nhân xếp hàng chờ cho mỗi giường chăm sóc tích cực, và họ ưu tiên những bệnh nhân trẻ tuổi", đó là những gì bác sĩ đã nói với Rommel khi ông đưa anh trai Joan Carlos tới bệnh viện cuối tháng 3.

Sau khi nhập viện, anh trai của Rommel không bao giờ còn có cơ hội ra khỏi phòng cấp cứu. Ông qua đời chỉ sau 3 ngày vì viêm phổi và tràn khí màng phổi.

"Dịch bệnh ở đây giống như một cuộc chiến, nơi người dân đang chết dần vì họ không thể tìm được một giường bệnh", ông Rommel chua chát nói.

Ấn Độ 'vỡ trận' trong làn sóng Covid-19 thứ hai Ấn Độ đang bị tàn phá bởi làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19. Chỉ trong 24 giờ, số người chết do đại dịch của nước này lên đến 2.000 người và hơn 300.000 ca mắc mới.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bien-chung-virus-dang-tan-sat-nguoi-dan-nam-my-post1207731.html