Biến chủng virus corona mới đang làm khuynh đảo thế giới nguy hiểm như thế nào và cách nhận diện?

Công điện của Thủ tướng Chính phủ phát đi ngày 29 Tết Canh Tý 2020 xác định đây là dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh.

Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A. Công điện của Thủ tướng Chính phủ phát đi ngày 23/1 xác định đây là dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh.

Là biến chủng của loại virus từng gây ra đại dịch SARS

Chùm ca bệnh đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 3/12/2019. Đến hôm nay, 23/1, Vũ Hán - thành phố có 11 triệu dân - đã bị "bế quan tỏa cảng", tạm dừng các phương tiện công cộng (nhà ga, sân bay, bến xe buýt...), yêu cầu người dân không rời thành phố trừ khi có việc đặc biệt.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết virus gây bệnh lần này là Coronavirus, chính là chủng virus gây ra dịch SARS và MERS-CoV. Điều này có nghĩa là về mặt bản chất, vẫn là virus này nhưng có những biến chủng khác nhau.

SARS là hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng đã từng lây lan ra 32 quốc gia, là nỗi ám ảnh kinh hoàng của toàn thế giới cuối năm 2003 - đầu năm 2003, khiến hơn 8.000 người mắc và 916 người tử vong. Trong số 63 bệnh nhân SARS tại Việt Nam thì có quá nửa là bác sĩ, y tá, nhân viên tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân.

Biến chủng Virus corona mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Ảnh: TL

Biến chủng Virus corona mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Ảnh: TL

Chủng virus Corona mới (nCoV) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp đang khiến hơn 600 người mắc, ít nhất 17 người đã tử vong.

Ngoài Trung Quốc - quốc gia khởi điểm virus có số người mắc (630 ca tới ngày 23/1), tử vong (17 ca) cao nhất, một số quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện người mắc virus này như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan, Thái Lan, Ma Cao, Hồng Kông...

Bộ Y tế cho biết đến nay tỷ lệ tử vong của viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới khoảng dưới 4%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ tử vong 16% của dịch bệnh SARS, 30% của dịch bệnh MERS-CoV.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, so với SARS và MERS- CoV, bệnh viêm đường hô hấp cấp lần này "có vẻ hạn chế lây hơn". Tuy nhiên, báo cáo của Trung Quốc cho thấy tình trạng lây khá nhanh nên không thể chủ quan.

"Bệnh lây qua đường hô hấp, nếu người có virus ho, hắt hơi thì trong vòng 2 mét, người nào hít phải virus đó có nguy cơ bị virus xâm nhập vào cơ thể. Đã là bệnh lây qua đường hô hấp thì khả năng lây lan sẽ nhanh.

Cũng giống như SARS, bệnh không chỉ lây lan đối với người dân mà cả cán bộ y tế, những người tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân. Cán bộ nhân viên y tế phải cảnh giác", GS Kính cảnh báo.

Trên thực tế tại Trung Quốc, trong số gần 600 ca mắc virus, có 15 người là nhân viên y tế.

Chưa có phác đồ điều trị chuẩn, chưa có vaccine

Hiện nhà chức trách y tế thế giới, Việt Nam chưa có phác đồ điều trị chuẩn. Những ca bệnh nghi ngờ phải được cách ly và điều trị đặc biệt.

Dù chưa có ca bệnh được phát hiện, Bộ Y tế Việt Nam đã nhanh chóng ban hành hướng dẫn tạm thời giám sát và chống bệnh Viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona.

Theo đó, người mắc bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính: sốt, ho, khó thở, có trường hợp viêm phổi nặng, có thể gây suy hô hấp cấp và nguy cơ tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh lý mạn tính, bệnh nền.

Một số người nhiễm virus nCoV có thể có biểu hiện lâm sàng nhẹ không rõ triệu chứng nên gây khó khăn cho việc phát hiện. Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh.

Thời gian ủ bệnh của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới trong khoảng 14 ngày, tương đương với các loại virus corona trước đây như SARS, MERS CoV.

Bộ Y tế cho hay, trường hợp bệnh nghi ngờ (trường hợp bệnh giám sát) là trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, với các biểu hiện sốt, ho, có thể có khó thở và có một trong các yếu tố: - Có tiền sử đến/ở/về từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh; hoặc: Tiếp xúc gần (trong vòng 2 mét) với trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Bộ Y tế cũng xác định các đối tượng tiếp xúc gần gồm:

- Nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị trường hợp bệnh xác định; nhân viên Y tế, nhân viên phục vụ khác có tiền sử tiếp xúc với bệnh nhân xác định/phòng điều trị bệnh nhân xác địnhtrong quá trình làm việc.

- Người cùng làm việc trong khoảng cách gần hoặc ở cùng phòng làm việc với trường hợp bệnh xác định.

- Người ngồi cùng hàng hoặc trước sau hai hàng ghế (2 mét) trên cùng một chuyến xe/toa tàu/máy bay với trường hợp bệnh xác định.

- Người sống trong cùng gia đình với trường hợp bệnh xác định.

Võ Thu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/bien-chung-virus-moi-dang-lam-khuynh-dao-the-gioi-nguy-hiem-nhu-the-nao-va-cach-nhan-dien-20200123192047159.htm