Biến chứng ung thư nặng vì đắp lá cây, thuốc không rõ nguồn gốc!

Các chuyên gia ung bướu cảnh báo, hãy đến bệnh viện gặp đúng bác sĩ ung thư, đừng nghe truyền miệng rồi tìm đến thầy lang, đắp lá...Hãy khuyên bệnh nhân ung thư đi điều trị ở bệnh viện chuyên về ung thư.

Bệnh nhân nữ T.T.H (53 tuổi, Bình Định) vừa nhập viện tại BV. Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) với một bên vú sưng to, chảy dịch và mùi hôi thối. Cách đây 5 tháng, bệnh nhân vốn được chẩn đoán ung thư vú, có chỉ định phẫu thuật nhưng người nhà và bạn bè ở quê nhà khuyên không nên động dao kéo, bệnh càng nặng hơn, khối u sẽ càng lan rộng, nên bà đã bỏ điều trị. Sau đó, nghe ai mách gì bà cũng tìm để mua, thậm chí xuống tận Kiên Giang để tìm mua các bài thuốc được truyền miệng là “thuốc gia truyền, điều trị ung thư sẽ có tiến triển tốt” với giá vài triệu đồng/tháng.

Bệnh nhân H. cho biết: “Kèm với uống thuốc, tôi bị bắt kiêng cữ nhiều quá, không được ăn uống gì ngoại trừ cơm với cá đồng, rau luộc, đu đủ, mà tôi không ăn được cá nên càng ngày cơ thể càng suy kiệt. Chỉ trong vòng 1 tháng, tôi bị sụt 10kg. Từ khi uống thuốc không đêm nào tôi ngủ được, người thường xuyên mệt mỏi, ói mửa. Sau đó, một bên vú sưng to, chảy mủ ra ngoài, đau nhức, thở cũng không được”.

Hay trường hợp bệnh nhân nam M.X.T. (55 tuổi, Bình Thuận) vốn bị một loại ung thư da tế bào đáy ở mũi, một loại ung thư lành tính. Tuy nhiên, khi mới phát hiện ung thư giai đoạn đầu, ông cũng không chịu điều trị theo phác đồ mà tự ý mua thuốc nam uống. Đến khi vào BV. Quân y 175, bệnh đã ở giai đoạn 4 nghiêm trọng, gây lở loét, ăn sâu vào thịt.

Hình ảnh bệnh nhân ung thư da tế bào đáy ở mũi biến chứng, gây lở loét do uống thuốc theo “truyền miệng”

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo về mô hình bệnh tật trong thế kỷ 21, các bệnh không lây mạn tính trong đó có ung thư sẽ trở thành nhóm bệnh chủ yếu đe dọa đến sức khỏe con người. Tỷ lệ mắc, tử vong do ung thư ngày càng tăng lên ở Việt Nam, đã và đang là gánh nặng đè lên người bệnh và cả cộng đồng. Tuy nhiên, sự hiểu biết sai về căn bệnh ung thư của người dân đã dẫn tới 70% người mắc ung thư đế bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn dẫn đến hạn chế hiệu quả điều trị, tăng chi phí điều trị.

Theo Đại úy, BS. Phạm Thành Luân, Trung tâm Chẩn đoán và Điều trị Ung bướu (BV. Quân y 175), cho đến nay, người bệnh ung thư Việt Nam vẫn còn nhiều quan niệm sai lầm khi đối mặt với ung thư như: tâm lý sợ phải phẫu thuật, sử dụng các bài thuốc không rõ nguồn gốc, lá cây theo lời mách bảo của người xung quanh, cũng có người theo trường phái tâm linh mà không dùng đến thuốc... Thời gian qua bệnh viện tiếp nhận không ít trường hợp như bà H.

“Bệnh nhân H. nhập viện đã vào giai đoạn muộn, không thở được mà phải hỗ trợ thở oxy. Bệnh nhân còn thiếu máu, suy gan, suy thận nên hiện giờ vẫn chưa thể phẫu thuật. Có thể, trước đó, giai đoạn ung thư vú của bệnh nhân chưa nặng, chỉ bị một bên vú, nhưng do trì hoãn điều trị và uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, sau 5 tháng phát hiện, ung thư hiện đã lan sang 2 bên vú, chảy dịch, căng tức và hôi thối. Trước mắt chúng tôi sẽ theo dõi diễn tiến sức khỏe bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị. Bệnh nhân có thể sẽ bị cắt cả 2 bên vú, tuy nhiên tiên lượng thời gian sống còn khó nói trước”, BS. Luân cho biết.

Cũng theo BS. Luân, đối với bệnh nhân T. nếu điều trị sớm ngay từ giai đoạn đầu có thể trị được ngay, không khiến bệnh diễn tiến nhanh như vậy. Khi bệnh nhân đến khám, mùi hôi thối bốc lên khiến không bệnh nhân nào dám lại gần. Các bác sĩ phải mất nhiều giờ cắt bỏ phần da thịt bị hoại tử, vét hạch sạch.

Nhiều bác sĩ ở các bệnh viện chuyên khoa ung bướu chia sẻ, không chỉ những người dân nghèo, không đủ kiến thức từ những vùng quê tin dùng theo phương pháp “truyền miệng” mà ngay cả bênh nhân có kiến thức ở thành phố như giáo viên… cũng đã bỏ phác đồ điều trị mà theo phương pháp “truyền miệng” các loại lá cây, thuốc không rõ nguồn gốc… dẫn đến những biến chứng nặng, thậm chí nguy hại tính mạng. Đó là trường hợp một cô giáo (TP.HCM) khi phát hiện có khối u ở vú, vì tâm lý mắc cỡ không đi khám, nên cô đã dùng phương pháp đắp lá mỗi ngày. Đến khi người nhà phát hiện vì có mùi khó chịu và đưa đi khám, khối u đã bị nhiễm trùng.

BS. Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng Khoa Ung bướu (BV. Quận Thủ Đức), khuyến cáo: “Đắp lá để mong khối u bể ra ngoài là không có cơ sở khoa học, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đắp lá, cắt lễ trong điều kiện không vệ sinh khiến khối u nhiễm trùng, khối u lan rộng dữ dội, bệnh diễn tiến nhanh hơn, càng làm chậm quá trình điều trị và quá trình điều trị gặp khó khăn hơn rất nhiều. Điều trị lung tung với sự cầu may, bản thân bệnh nhân ung thư sẽ mất rất nhiều thời gian, ung thư giai đoạn sớm chuyển sang giai đoạn muộn, từ ung thư chưa di căn chuyển thành di căn…”.

Hình ảnh bệnh nhân ung thư vú bị chảy mủ, sưng phồng bên vú do uống thuốc không rõ nguồn gốc

Kỷ nguyên điều trị ung thư vú

Nếu chẳng may bạn hoặc người thân mắc bệnh ung thư, nên đến bác sĩ để chọn cách điều trị tốt nhất dựa trên khoa học hơn. Đặc biệt, điều trị ung thư vú đã đạt được nhiều thành tựu. Kỷ nguyên điều trị ung thư vú thời hiện đại bắt đầu với phẫu thuật từ thập niên 1880; đến 100 năm sau, hiểu biết và xử lý ung thư vú “nở rộ”. Theo GS. Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, phẫu thuật bảo tồn vú vào những năm 1980 làm giảm thiểu sự tàn phá của phẫu thuật mà không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống còn, dễ áp dụng cho phần lớn phụ nữ bị ung thư vú sớm. Xạ trị ung thư vú cải thiện nhiều từ khi được chấp nhận là liệu pháp hỗ trợ phẫu trị bảo tồn vú. Sinh thiết hạch lính gác, vào những năm 1990, là một thành tựu cột mốc cho phép khỏi nạo hạch nách nếu hạch lính gác không bị xâm lấn. Hóa trị hỗ trợ được áp dụng cho ung thư vú sớm vào những năm 1980, hiệu quả tiếp tục được cải thiện. Từ thập niên 1980, liệu pháp nội tiết đã cứu mạng hoặc kéo dài sự sống còn cho hàng triệu phụ nữ mang bệnh có thụ thể estrogen dương. Nhiều loại thuốc sau đó cho thấy hiệu quả với ung thư vú mở đường cho liệu pháp nhắm trúng đích.

Bên cạnh đó, một trong những biện pháp phòng ngừa ung thư là ngăn chặn các bệnh nhiễm. Các nghiên cứu đã thấy được mối liên hệ giữa bệnh nhiễm và ung thư, khoảng 1/5 số người mắc ung thư trên thế giới là do các tác nhân gây nhiễm (virus, vi khuẩn, ký sinh trùng). Ở các nước đang phát triển, con số này cao gấp bốn lần các nước phát triển. Một vi khuẩn H.pylori và 3 virus HBV, HCV và HPV gây đến 15% ung thư ở loài người. Ngăn chặn các loại bệnh nhiễm từ các vi khuẩn này như viêm gan, viêm dạ dày mạn tính…có thể phòng tránh một số loại ung thư như ung thư gan, ung thư dạ dày và ung thư cổ tử cung./.

Theo SKĐS

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/bien-chung-ung-thu-nang-vi-dap-la-cay-thuoc-khong-ro-nguon-goc-524508.htm