Biến chứng sau mổ thay khớp háng

Thay khớp háng nhân tạo là phương pháp điều trị hiệu quả cho những tổn thương khớp háng không thể điều trị bảo tồn. Tuy nhiên vẫn có những nguy cơ, rủi ro không mong muốn.

Những nguy cơ có thể gặp khi thực hiện phẫu thuật thay khớp háng gồm:

Tắc mạch

Tắc mạch có thể được hình thành trong tĩnh mạch chi sau phẫu thuật. Điều này gây nên những biến chứng rất nguy hiểm nếu cục máu di chuyển lên phổi, tim hoặc lên não... Tuy nhiên, để hạn chế tối đa biến chứng trên việc dùng thuốc chống đông dự phòng thường được bác sĩ chỉ định. Ngoài ra, để phòng tránh biến chứng tắc mạch sau phẫu thuật, các biện pháp đề phòng được khuyến khích:

Vận động sớm: Bạn sẽ được khuyến khích vận động sớm và thậm chí tập đi lại bằng khung tập ngay ngày đầu sau mổ.

Đeo bít tất tăng áp lực: Nhằm làm giảm lượng máu trong tĩnh mạch có tác dụng giảm nguy cơ tắc mạch.

Tổn thương thần kinh sau thay khớp háng

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tổn thương thần kinh như: khớp háng bị viêm dính, biến dạng nhiều, chứng loạn sản xương, người bệnh béo phì... Để phòng tránh tổn thương thần kinh trong những trường hợp này cần phẫu tích cẩn thận, đòi hỏi phẫu thuật viên có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thay khớp háng nhân tạo.

Biến chứng gãy xương đùi sau mổ thay khớp háng.

Biến chứng gãy xương đùi sau mổ thay khớp háng.

Nhiễm khuẩn

Nhiễm khuẩn có thể xảy ra ở tại vị trí vết mổ hoặc nhiễm khuẩn ở mô sâu hơn hoặc trong ổ khớp háng nhân tạo. Nhiễm khuẩn cần được điều trị bằng kháng sinh, tuy nhiên những nhiễm khuẩn ở sâu hoặc trong ổ khớp nhân tạo đòi hỏi phải lấy bỏ khớp nhân tạo.

Có một nguyên nhân phổ biến gây nhiễm khuẩn sau mổ thay khớp háng là vi khuẩn vào máu qua đường răng miệng, qua da, đường niệu... Vì vậy để đề phòng nhiễm khuẩn thì trước phẫu thuật, bạn cần vệ sinh răng miệng sạch, sau phẫu thuật bạn cần được thay băng vô khuẩn chăm sóc sonde tiểu cẩn thận... Bạn cần thông báo cho bác sĩ ngay khi có một trong các triệu chứng sau:

Sốt cao (>38º5)

Sưng nề, tấy đỏ tại vết mổ

Đau và vận động khớp háng khó khăn

Chảy dịch qua vết mổ hoặc chân sonde dẫn lưu...

Gãy xương

Trong một số trường hợp người bệnh có thể bị gãy xương đùi hoặc ổ khớp háng. Tỷ lệ bệnh nhân gãy xương trong quá trình phẫu thuật thay khớp háng từ 0,1-1% (đối với khớp xi măng) và 3-18% (đối với khớp không xi măng). Hầu hết gãy xương xảy ra trong quá trình ráp và đặt cán chỏm (Stem).

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ gãy xương trong mổ như: người bệnh là nữ, bị loãng xương, bệnh viêm xương khớp, thay khớp háng không xi măng (nhất là trong trường hợp thay cán dài). Ổ gãy có khi rất nhỏ, chúng có thể tự liền, nhưng có khi là ổ gãy lớn cần nắn chỉnh về vị trí giải phẫu rồi cố định bằng đinh kirschner, chỉ thép và đôi khi là cả nẹp vít, ghép xương, hoặc thậm chí là thay lại cán chỏm...

Trật khớp

Chỏm khớp nhân tạo có thể bị trật ra khỏi ổ khớp sau khi đã thay khớp. Để tránh điều này ngay từ ngày đầu sau mổ bệnh nhân được hướng dẫn kê gối giữa hai chân khi nằm, không được khép, gấp khớp háng quá 90 độ (ngồi xổm) và không được bắt chéo chân qua đường giữa cơ thể...

Nếu khớp háng của bạn bị trật, bác sĩ sẽ phải nắn lại khớp và cố định bằng bột hoặc nẹp trong khoảng 4 tuần, trường hợp không nắn được thì bác sĩ sẽ phẫu thuật để đặt lại khớp cho bạn.

Chỏm khớp nhân tạo có thể trật khỏi ổ khớp.

Thay đổi chiều dài chi

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thay đổi chiều dài của chân bên thay khớp như: bệnh lâu ngày gây tổn thương nhiều hõm khớp, vùng chỏm, co gân, cơ vùng khớp háng, các tổn thương phức tạp (trong gãy vùng đầu trên) làm mất các mốc vùng cổ, mấu chuyển xương đùi, kỹ thuật mổ không chuẩn xác...

Để đề phòng biến chứng này thì việc tính toán các tình huống và đo lường lựa chọn khớp trước mổ là vô cùng quan trọng. Trong trường hợp thay khớp xong chân bên thay dài hơn gây tăng áp lực lên khớp thì bác sĩ có thể phải làm phẫu thuật kéo dài gân cơ hoặc trong trường hợp chân bên thay ngắn hơn chân bên lành đôi khi đây là nguyên nhân dẫn đến yếu cơ xung quanh khớp háng; trong trường hợp này luyện tập tăng dần sức khỏe của cơ sẽ khắc phục được hạn chế này. Trường hợp ngắn chi ít người bệnh cũng có thể khắc phục ngay bằng cách thay đổi chiều dày đế giày, dép để cân đối 2 bên chân...

Lỏng khớp

Mặc dầu biến chứng này ít gặp với những khớp mới được thay, tuy nhiên theo thời gian khớp dần mất sự cố định vững chắc với xương và bị lỏng ra, gây đau khớp háng, đau dọc thân xương đùi làm bạn có cảm giác đi không vững...

Để hạn chế biến chứng này thông thường sau mổ bạn sẽ được bác sĩ khuyên chế độ luyện tập cũng như ăn uống bổ sung canxi để hạn chế biến chứng này. Tuy nhiên trong trường hợp lỏng khớp nhiều thì phẫu thuật thay lại khớp sẽ được thực hiện để giải quyết vấn đề này...

Bệnh viêm phản ứng

Là bệnh gây nên bởi sự phản ứng của hệ miễn dịch của cơ thể đối với vật thể lạ (khớp nhân tạo) dẫn đến viêm xung quanh khớp nhân tạo, loãng xương cuối cùng là lỏng khớp sớm. Biến chứng này thường khó điều trị. Nếu phát hiện bạn bị biến chứng này sớm bác sĩ sẽ cho bạn dùng liệu pháp corticoid để điều trị, tuy nhiên trong trường hợp điều trị liệu pháp corticoid không hoặc ít tác dụng thì rất có thể bác sĩ sẽ phải lựa chọn loại khớp khác để thay lại cho bạn.

Bên cạnh những biến chứng trên còn ghi nhận một số biến chứng khác như: mòn hõm khớp, đau khớp háng sau mổ (không rõ nguyên nhân), gãy cán chỏm...

Mặc dù đến nay, thay khớp háng còn ghi nhận nhiều loại biến chứng khác nhau, tuy nhiên tỷ lệ thường không cao. Bạn hoàn toàn có thể yên tâm vì tỷ lệ những biến chứng này ngày càng giảm do có nhiều các biện pháp đề phòng và kể cả khi có biến chứng xảy ra thì bác sĩ sẽ có những giải pháp để điều trị phù hợp và hiệu quả.

TS.BS. Nguyễn Văn Hoạt

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bien-chung-sau-mo-thay-khop-hang-n189250.html