Biến chứng phải đoạn chi ở người bệnh tiểu đường

Bệnh nhân 70 tuổi bị đái tháo đường từng phải bỏ ngón chân trái, nay bị hoại tử nhiễm trùng có nguy cơ cắt cụt chi lần hai.

Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM trong tình trạng hoại tử nhiễm trùng hai ngón ở bàn chân trái. Bác sĩ chỉ định can thiệp tái thông mạch máu nuôi bàn chân, cắt lọc các mô hoại tử. Sau 6 tuần chăm sóc tích cực, ổn định nội khoa, kiểm soát đường huyết, vết thương đã lành. Tuy nhiên, bàn chân của ông không thể trở lại như người bình thường.

Một nữ bệnh nhân 54 tuổi bị đái tháo đường nhiều năm tự mua thuốc uống khi bàn chân ngứa, sưng tấy, nóng đỏ, đau và nổi nhiều bóng nước. Mới đây bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, lạnh run, nhiễm trùng ở chân lan rộng. Bác sĩ đánh giá đây là tình trạng nhiễm trùng nặng, tụ dịch hết cẳng chân bên trái, khả năng cắt cụt chi cao, đe dọa tính mạng. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt lọc vết thương, dẫn lưu mủ, cố gắng bảo tồn chân cho người bệnh. Sau 3 tháng điều trị, vết thương lành hoàn toàn và người bệnh giữ được bàn chân.

Bác sĩ đang chăm sóc bàn chân cho người bệnh đái tháo đường. Ảnh: N.P

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Thuận, Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược, điều trị bàn chân người bệnh đái tháo đường gặp nhiều khó khăn do họ nhận thức chưa đúng về mức độ nguy hiểm của bệnh. Đa số người bệnh chỉ đi khám khi bàn chân đã nhiễm trùng nặng hoặc hoại tử lan rộng, khi đó việc cứu bàn chân trở nên vô cùng khó khăn.

"Việc điều trị khá phức tạp phối hợp nhiều chuyên khoa. Vấn đề quan trọng nhất chính là phòng ngừa và phát hiện sớm biến chứng bàn chân, từ đó mới có thể làm giảm khả năng cắt cụt chi cho người bệnh", bác sĩ Thuận nhấn mạnh.

Bác sĩ Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, loét chân do đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi không do chấn thương ở người bệnh. Mỗi năm có khoảng 1-4% người bệnh bị loét chân và 10-15% người bệnh có ít nhất một lần loét chân trong đời.

Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ bao gồm: thời gian mắc bệnh kéo dài trên 10 năm, đường huyết không được kiểm soát tốt và có nhiều biến chứng kèm theo như biến chứng thần kinh, mạch máu ngoại biên và biến dạng bàn chân.

Bác sĩ Nam khuyến cáo, các biến chứng của bệnh có thể phòng tránh được nếu người bệnh kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, có chế độ theo dõi, thăm khám sức khỏe định kì và không nên bỏ qua bất kì dấu hiệu bất thường nào trên cơ thể.

Nguồn VnE

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//bien-chung-phai-doan-chi-o-nguoi-benh-tieu-duong_n38800.html