Biến chủng Omicron khó lường, đề xuất dừng hoạt động đông người dịp Tết

Ngày 18/12, Bộ Y tế cho biết vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo những nội dung về tăng cường phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian nghỉ Tết âm lịch. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian nghỉ Tết âm lịch.

Bộ Y tế nêu rõ hiện nay nhiều địa phương vẫn ghi nhận số mắc COVID-19 hằng ngày trong cộng đồng, đặc biệt tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn. Ngoài ra biến thể Omicron đang lan truyền nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực.

Việc sinh hoạt, đi lại, giao thương của người dân trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch tuyệt đối tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Không tụ tập, Khai báo y tế và Khoảng cách) của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, theo Bộ Y tế.

Các địa phương căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh thực hiện đánh giá, cập nhật cấp độ dịch trên Cổng thông tin điện tử của địa phương và Bộ Y tế để có các biện pháp tăng cường đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn theo quy định tại Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế.

Trước đó để phòng ngừa biến chủng mới, Bộ Y tế điện và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể: Tăng cường giám sát các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã có biến chủng Omicron như khu vực Nam châu Phi (Nam Phi, Botswana, Namibia, Eswatini, Lesotho, Mozambique...) và một số quốc gia khu vực châu Âu.

Thực hiện nghiêm việc xét nghiệm, cách ly, giám sát, theo dõi y tế cho người nhập cảnh theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.

Tăng cường giám sát trọng điểm hội chứng cúm (ILI), viêm phổi nặng do virus (SVP), giám sát dựa vào sự kiện (EBS), thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có biểu hiện ho, sốt nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19; chủ động gửi mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biến chủng Omicron đến Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gen khẳng định. Kịp thời cách ly y tế, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ đều nhấn mạnh đến 4 yếu tố trong việc kiểm soát và ứng phó với biến chủng Omicron.

Cụ thể: Thứ nhất, tăng cường giám sát và xét nghiệm để phát hiện sớm ca bệnh có biến chủng mới Omicron; thứ hai, đẩy mạnh công tác tiêm chủng để bao phủ vaccine phòng COVID-19; thứ ba, tăng cường hệ thống y tế, trong đó chú trọng y tế cơ sở, nhằm nâng cao năng lực ứng phó trong điều trị khi tình huống khi ca bệnh tăng cao, trong đó có ca bệnh mang biến chủng Omicron; thứ tư, đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch, công bố thông tin rộng rãi về kết quả giải trình tự gen các ca bệnh COVID-19 để các nhà khoa học có thêm thông tin nghiên cứu về biến chủng mới…

Từ đầu đợt dịch thứ 4 đến ngày 17/12, cả nước ghi nhận trên 1,5 triệu ca, trong đó có gần 1,1 triệu bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh và hơn 29.000 ca tử vong. Hiện, số ca mắc tại cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương. Trong 1 tuần gần đây, Việt Nam liên tục ghi nhận khoảng 15.000 ca COVID-19 mới mỗi ngày, trong đó có từ 9.000-10.000 ca cộng đồng.

Hà Minh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bien-chung-omicron-kho-luong-de-xuat-dung-hoat-dong-dong-nguoi-dip-tet-post1402384.tpo